Văn hóa giao thông, văn minh đô thị:

Xây dựng con người Đà Nẵng có văn hóa, sống tốt đẹp

Thứ ba, 16/12/2014 11:00

(Cadn.com.vn) - Năm 2015 được chọn là “Năm văn hóa, văn minh đô thị” của thành phố Đà Nẵng và đây cũng là một trong 4 nhiệm vụ được lãnh đạo thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm tới.

Xem việc thực hiện chương trình là một nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong việc xây dựng Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ về kinh tế đồng thời cũng đi đôi với sự phát triển tương xứng về văn hóa, đặc biệt xây dựng những con người sống có văn hóa, sống tốt đẹp, tôn trọng những quy tắc chung để tạo thành nếp sống văn minh, lịch sự.

Việc chọn năm 2015 là “năm văn hóa, văn minh đô thị” đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân thành phố. Song song đó, người dân cũng mong muốn và đặt ra những yêu cầu cao, nhấn mạnh những nhiệm vụ cần phải thực hiện nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương này của thành phố. Tại kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố khóa VIII, nhiều đại biểu đánh giá cao chủ trương này bởi cần phải có sự gắn kết giữa văn hóa và phát triển kinh tế.

Để thực hiện tốt chủ trương này, các đại biểu HĐND cho rằng cần đưa ra những quy định, một cẩm nang có tính quy ước trong cộng đồng về chuẩn mực xây dựng nếp sống văn minh lịch sự. Ngoài ra cần xác định rõ mục tiêu, đối tượng cụ thể để thực hiện, trong đó chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh của người Đà Nẵng thân thiện, ứng xử lịch sự văn minh, có văn hóa trong sinh hoạt giao tiếp, kinh doanh... Nếu làm tốt chủ trương này, thành phố sẽ thay đổi diện mạo rất mạnh và rất ấn tượng đồng thời sẽ nâng cao tầm vóc, giá trị của thành phố Đà Nẵng. Văn hóa, văn minh không chỉ là yếu tố thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch bên cạnh những lợi thế lớn về tự nhiên, chính sách mà còn tác động lớn đến sự phát triển kinh tế và đời sống của con người Đà Nẵng.

Ứng xử thân thiện, có văn hóa - văn minh sẽ góp phần nâng tầm Đà Nẵng.

Cũng tại kỳ họp này, khi bàn về nhiệm vụ “năm văn hóa, văn minh đô thị”, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Trần Thọ cho rằng “Xây dựng văn minh đô thị thực chất là nhằm hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thiết lập các mối quan hệ ứng xử hài hòa, bền vững giữa con người với con người, con người với tự nhiên trong quá trình đô thị hóa. Có thể thành phố chưa thật sự giàu có, chưa có nhiều tòa nhà cao tầng bề thế... nhưng rất cần và chắc chắn rằng chúng ta có thể tạo dựng được một xã hội với các mối quan hệ tốt đẹp như thế. Điều này nói thì đơn giản nhưng quá trình thực hiện không hề dễ dàng, bởi thói quen, lối sống thì khó sửa đổi và kỳ vọng các tầng lớp nhân dân sẽ đồng thuận cùng chính quyền thành phố tiếp tục tạo ra chuyển biến mới trên lĩnh vực văn hóa, văn minh đô thị”.

Thế nên mới xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần dốc sức, cần sự đồng thuận của các cấp chính quyền, của người dân để thực hiện. Do đó, ông Trần Thọ cũng đề nghị xem xét những vấn đề khả thi nhất có thể tiến hành, có thể làm được, thậm chí là phải chỉ ra được những hành vi cụ thể bị xem là xấu, cần loại bỏ ra khỏi cuộc sống thường ngày.

“Ở đây, tôi muốn đề cập đến một số nội dung, đó là việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn vệ sinh chung, xử lý rác thải, tờ rơi quảng cáo... chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức giao tiếp - ứng xử văn minh nơi công cộng, trong mọi mặt của đời sống xã hội: từ ứng xử thân thiện, quý mến đối với bạn bè, du khách, cho đến những chuẩn mực văn hóa trong công việc, kinh doanh... Đừng để tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa hằng năm đều trên 80-90% mà nếp sống văn hóa, văn minh đô thị thì lại chậm được hình thành. Theo tôi, cả chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân thành phố chung tay thực hiện tốt các nội dung trên cùng với chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố môi trường” mà chúng ta đã và đang thực hiện có hiệu quả chính là chúng ta đang thiết thực tạo dựng nếp sống “văn hóa, văn minh đô thị”.

P.V