Xây dựng đời sống mới theo tinh thần Hồ Chí Minh trong phòng, chống Covid – 19

Thứ sáu, 03/04/2020 17:55

Tháng 3-1947, tác phẩm "Đời sống mới" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Mở đầu tác phẩm, Người viết: "Trong lúc này, người thì đánh giặc, người thì lo phá hoại, người thì lo tản cư, toàn dân ai cũng khó nhọc vất vả. Kêu gọi thực hành đời sống mới, chẳng không hợp thời sao?". Câu nói từ 73 năm trước nhưng ứng với thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang chống dịch Covid- 19 trùng hợp đến lạ. Có những con người đặt lợi ích của mình ở sau cùng, xông pha tuyến đầu chống dịch như bác sĩ, Quân đội, Công an. Nhưng cũng có những người không chấp hành quy định, trốn cách ly, gây nhiễu loạn cộng đồng. Người từ nước ngoài, người từ thành phố lớn trở về quê hương do không chịu nổi áp lực cơm, áo, gạo, tiền thời kỳ mất việc. Có nhiều nơi, nhiều người mục tiêu của cuộc đời bây giờ không phải là giàu có, hưởng thụ mà là sống sót qua cơn đại dịch. Không khí khẩn trương, âu lo bao trùm khắp nơi. Chính vì thế, bàn về đời sống mới quả thật rất hợp thời trong giai đoạn "chống dịch như chống giặc". Vậy, ai cần xây dựng đời sống mới và xây dựng như thế nào trong thời điểm hiện nay?

Hình ảnh lay động lòng người của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi (97- Thanh Thủy, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) khi trao 5 triệu đồng tiền mừng thọ để  ủng hộ chống dịch Covid-19. (ảnh Ngọc Quốc)

Trong tác phẩm "Đời sống mới", Bác căn dặn: Xây dựng đời sống mới là công việc của mọi người dân, bắt đầu từ mỗi người, mỗi gia đình, làng xã,... và bất kỳ ai, ở địa vị nào cũng phải tham gia xây dựng đời sống mới, lối sống mới, không kể già hay trẻ, gái hay trai, giàu hay nghèo. Trong chống dịch hiện nay, đây là sự nghiệp của toàn hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân ta. Vậy "người giàu", người có điều kiện khá giả cần làm gì; "người nghèo", người có điều kiện kinh tế khó khăn cần làm gì? Đối với "người giàu", phải chăng chỉ cần kín cổng, cao tường, nghỉ ngơi, an dưỡng đã là phúc khí cho đất nước? Bác nói rằng: "Nếu một mình no ấm, mà nỡ để đồng bào xung quanh đói rét, đến khi giặc cướp lung tung, thì dù giàu cũng không hưởng được... Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có dịch bệnh thì người giàu cùng khó sống". Vậy nên, việc mở hầu bao hỗ trợ địa phương, đất nước, hỗ trợ đồng bào trong thời điểm dịch bệnh là việc nên làm. Đó không phải vì người mà còn là vì mình. Đối với người nghèo, Bác khẳng định: "Mình dù nghèo ai cấm mình sạch sẽ? sạch sẽ tức là một phần của đời sống mới. Sạch sẽ thì ít ốm đau". Vậy nên, dù gánh nặng mưu sinh có nhọc nhằn đến đâu cũng nên giữ bản thân sạch sẽ. Ai chưa xây dựng được thói quen tốt như rửa tay, vệ sinh sạch sẽ bây giờ cũng nên chú trọng. Vì đó là bảo vệ cho chính bản thân mình.

Để xây dựng đời sống mới và để hưởng ứng lời kêu gọi về phòng, chống dịch Covid -19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng cần bắt đầu từ việc làm của mỗi người. Bởi "Người là gốc của làng nước", "Do nhiều người nhóm lại thành làng. Do nhiều làng nhóm lại thành nước... Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh". Vậy, mỗi người hiện nay có thể làm được gì? Người đã chỉ rõ nội dung đời sống mới của một người chính là: Tinh thần, cách ăn, cách mặc, cách ở, học tập, cách làm việc. Ở đây, chỉ xin bàn đến khía cạnh tinh thần: "Một là sốt sắng yêu Tổ quốc. Việc gì có lợi cho nước, phải ra sức làm. Việc gì có hại cho nước, phải hết sức tránh". Và trong thời điểm hiện nay, việc có lợi cho nước là chấp hành nghiêm chỉ thị, chủ trương của chính quyền như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tinh thần là tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó"; Hãy hy sinh thú vui tụ tập bạn bè, cà-phê... Khẩu hiệu cần lan rộng nhất thời điểm hiện nay là: Ở nhà, ở nhà và ở nhà. Sạch sẽ, sạch sẽ và sạch sẽ.

Đây là thời khắc toàn thể dân tộc đoàn kết một lòng, một ý chí để chiến thắng dịch bệnh. Hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau bước qua đại dịch này mà không có thương vong.

Trương Thị Điệp