Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ bệnh nhân ung thư

Thứ ba, 09/10/2018 11:34

Ngày 8-10, tại TP Đà Nẵng, Dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư muối (Salt Cancer Iniyiative - SCI) phối hợp với các đơn vị tổ chức Diễn đàn bệnh nhân ung thư 2018. Dịp này, SCI đã chính thức công bố kế hoạch xây dựng mô hình "Hệ sinh thái hỗ trợ bệnh nhân ung thư" - đánh dấu một cột mốc chiến lược sau chặng đường 2 năm SCI đồng hành cùng bệnh nhân ung thư Việt Nam.

Bác sĩ BV Ung bướu Đà Nẵng tư vấn phương pháp điều trị cho bệnh nhân.

Diễn đàn bệnh nhân ung thư 2018 có sự tham dự của các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung bướu của Việt Nam, Hoa Kỳ và Nhật Bản, cùng hơn 200 bệnh nhân ung thư và người thân. Diễn đàn là hoạt động nhằm mục đích tạo không gian và cơ hội cho cộng đồng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam được gặp gỡ, tư vấn trực tiếp cùng các chuyên gia; cũng như chia sẻ các câu chuyện truyền cảm hứng mà chính họ là nhân vật trung tâm để lan tỏa nghị lực sống tích cực. Đồng thời, diễn đàn còn là cầu nối để các bệnh nhân ung thư được tiếp cận với các thông tin y khoa tân tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động trải nghiệm ý nghĩa của Dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư muối tại Diễn đàn sẽ góp phần lan tỏa thông điệp "Bạn sẽ không phải chiến đấu với ung thư một mình!".

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc phát hiện sớm ung thư, bác sĩ Phạm Nguyên Quý - khoa Nội ung thư (Bệnh viện Đại học Kyoto - Nhật Bản) cho rằng, có 50 đến 70% trường hợp phát hiện ung thư khi đi tầm soát là ở giai đoạn sớm với khả năng chữa lành là 90 - 100%. Trong khi đó, nếu phát hiện ung thư khi đi khám có 65 - 70% là giai đoạn muộn và khả năng chữa lành chỉ đạt 20 - 30%. Trong khi đó, theo PGS.BS Jorge Nieva - Viện Ung thư Toàn diện USC Norris - Đại học Nam California, tình trạng vận động là yếu tố dự báo sinh tồn mạnh mẽ nhất ở bệnh nhân có giai đoạn ung thư nguy cấp. Điều quan trọng là các bác sĩ phải hiểu được mức độ vận động của bệnh nhân và bệnh nhân chăm vận động có tỷ lệ biến chứng thấp nhất trong điều trị. PGS.BS Jorge Nieva cho rằng: "Công nghệ sinh thiết lỏng trong thời gian thực là một công nghệ mới cung cấp dữ liệu tốt nhất để chẩn đoán và điều trị ung thư. Thay vì phải sinh thiết khối u trực tiếp gây đau đớn và rất nguy hiểm, các khối u rắn như ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi, chúng ta có thể phát hiện tế bào ung thư trong máu. Hiện nay, các nước đang phát triển như Hoa Kỳ và Anh Quốc đã và đang hợp tác để phát triển nền công nghiệp này và tôi hy vọng sẽ được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam trong thời gian gần…".

So sánh phác đồ điều trị ung thư của Việt Nam và Hoa Kỳ, Bs Trần Huỳnh - Chủ tịch, Nhà sáng lập tổ chức Y khoa phi lợi nhuận VietMD khẳng định: Phác đồ điều trị ung thư khá giống nhau ở nhiều nước trên thế giới và bác sĩ ung thư tại Việt Nam cũng cập nhật những kiến thức chữa trị ung thư như bác sĩ tại Hoa Kỳ. Xét về kết quả điều trị thì kết quả sẽ phụ thuộc khá nhiều vào thể trạng và cơ địa của mỗi bệnh nhân cũng như hệ thống hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Do vậy, bệnh nhân cần nhận ra rằng chữa trị ung thư là chữa trị chăm sóc toàn diện, không chỉ dựa vào phác đồ điều trị.

Tại diễn đàn, chị Trương Thanh Thủy - người sáng lập ra Dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư muối đã chia sẻ những khó khăn của mình trong cuộc sống với căn bệnh ung thư và niềm cảm hứng để thành lập một nền tảng kết nối này. Là người mắc bệnh ung thư, chị Thủy thấu hiểu được những khó khăn của người bệnh và gia đình. Sự đồng hành, hỗ trợ của người thân, bạn bè và cộng đồng sẽ là liều thuốc tinh thần giúp những bệnh nhân mắc bệnh ung thư vượt qua những khó khăn để điều trị bệnh. Theo chị Thủy, trong 2 năm qua, Dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư muối đã tổ chức được hàng chục chương trình cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư tại Việt Nam. Tuy nhiên, đã đến lúc, dự án cần hệ thống hóa lại các hoạt động và tập hợp những nguồn lực hiện có của các doanh nghiệp trên cả nước, qua đó tạo cơ chế để các doanh nghiệp có thể giúp đỡ cho bệnh nhân ung thư một cách chuyên nghiệp và bài bản.

Chị Thủy cho biết: "Thủy đã từng rất mạnh mẽ, rất độc lập và nghĩ rằng mình có thể tự làm mọi thứ mà không cần sự giúp đỡ của bất kỳ ai cho đến khi Thủy biết tin mình bị ung thư. Những ngày điều trị đã giúp Thủy nhận ra ung thư là một cuộc chiến mà ở đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu có sự đồng hành và hỗ trợ của người thân, bạn bè và cộng đồng. Thủy đã chiến đấu cùng căn bệnh ung thư đã hai năm và đó cũng là khoảng thời gian mà SCI được thành lập và hoạt động. Trong 2 năm qua, SCI đã tổ chức được hàng chục chương trình cho hàng ngàn bệnh nhân ung thư tại Việt Nam. Tuy nhiên, đã đến lúc SCI cần hệ thống hóa lại các hoạt động của mình và tập hợp những nguồn lực hiện có của doanh nghiêp trên cả nước, tạo cơ chế để họ có thể giúp đỡ bệnh nhân ung thư một cách chuyên nghiệp và bài bản…".

Cũng theo chị Thủy, SCI muốn xây dựng một cộng đồng bệnh nhân ung thư và người thân của họ, những người cùng đồng hành và thay đổi chính mình. SCI hoạt động với mục đích cung cấp thông tin chính xác, giáo dục và hỗ trợ tinh thần cho cộng đồng bệnh nhân ung thư Việt Nam. Đồng thời, SCI muốn tạo lập một cộng đồng cùng hỗ trợ đồng hành cùng bệnh nhân ung thư và người thân của họ nhằm lan tỏa thông điệp "Bạn sẽ không phải chiến đấu với ung thư một mình".  "Thủy tha thiết mong muốn bất kỳ doanh nghiệp nào có tâm huyết và dự định hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư sẽ tìm đến hệ sinh thái SCI để được kết nối và hoạt động", chị Thủy kêu gọi.

LÊ HÙNG

Dự án sáng kiến ung thư muối (SCI) được thành lập vào năm 2016. Đây là mô hình hệ sinh thái đầu tiên dành riêng cho cộng đồng bệnh ung thư Việt Nam. Hệ sinh thái SCI là nền tảng tập hợp và kết nối tất cả các tổ chức doanh nghiệp với bệnh nhân ung thư, qua đó giúp đỡ họ trong những nhu cầu sinh hoạt và điều trị thiết thực bằng chính những sản phẩm và dịch vụ doanh nghiệp. Hệ sinh thái hướng đến mục tiêu 24 giờ của bệnh nhân ung thư là 24 giờ với những nhu cầu, khó khăn khác nhau đều được hỗ trợ và đồng hành, chia sẻ với các dịch vụ tiện ích như dịch vụ đưa đón bệnh nhân đi khám bệnh, dịch vụ xét nghiệm tại nhà.