Xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc lá
Ngày 31-10, Trung tâm Nghiên cứu và Trợ giúp Phát triển Cộng đồng (CDS) phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các nhà hàng, khách sạn và địa điểm du lịch.
Các đại biểu trình bày các mô hình, biện pháp xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc lá. |
Phát biểu tại hội thảo, bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc chương trình tại Việt Nam - Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không khói thuốc lá cho biết, hiện có 191 quốc gia tham gia công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Kiểm soát Thuốc lá- FCTC. Đến năm 2018, tổng cộng 91% quốc gia thành viên (165/191) thực hiện hoàn toàn hoặc một phần các biện pháp để bảo vệ người dân khỏi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, các địa điểm công cộng, trong nhà và phương tiện giao thông công cộng. Có khoảng 80% quốc gia thực thi lệnh cấm hoàn toàn hành vi hút thuốc lá trên máy bay, cơ sở giáo dục, công cộng, cơ sở y tế văn hóa, công sở... Xu thế về việc cấm "cấm hút thuốc trong xe hơi tư nhân với sự có mặt của trẻ em" được thi hành như một lệnh cấm hoàn toàn hoặc một phần ở một số quốc gia (40%) như Phần Lan, Pháp, Qatar, Slovenia, Luxembourg.
Bà Đỗ Thị Phi, Quản lý dự án Nghiên cứu và Trợ giúp phát triển cộng đồng CDS đã đưa ra những kết quả và kinh nghiệm không khói thuốc lá tại các nhà hàng, khách sạn và các địa điểm được triển khai. Trong gần 3 năm qua, tại TP Hồ Chí Minh, Hội An, Đà Nẵng và Hà Nội nhiều khách sạn nhà hàng và các điểm du lịch đã và đang phấn đấu để trở thành đơn vị có môi trường 100% không khói thuốc lá. Ở Đà Nẵng điển hình là khách sạn Eden Plaza, Saigon Tourane, nhà hàng Trúc Lâm Viên, Cá voi xanh, điểm du lịch như Bảo tàng Đà Nẵng, Công viên Châu Á. Để thực hiện điều đó là sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là cam kết cao và sự tham gia tích cực của lãnh đạo các nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch, sự ủng hộ và tham gia tích cực của ngành y tế địa phương, các hoạt động truyền thông đa dạng, phù hợp.
Tuy nhiên, các mô hình không khói thuốc lá chỉ thực sự hiệu quả và bền vững khi chính các cơ sở nhận rõ được lợi ích của môi trường không khói thuốc. Thuốc lá hiện đang gây ra 7,1 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó bao gồm 900.000 ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Việt Nam là nước đứng thứ 3 ở Châu Á và thứ 15 thế giới về số người hút thuốc lá.
LÊ ANH TUẤN