Xây dựng Nhà nước pháp quyền để phụng sự nhân dân tốt hơn

Thứ hai, 05/07/2021 09:09

Chiều 3-7, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” họp Phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo. Cùng dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Toàn cảnh phiên họp.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với 21 thành viên, bao gồm 8 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Do Đề án có phạm vi nghiên cứu rộng, dự kiến trình Trung ương vào tháng 10-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào các nội dung như: Thời gian xây dựng Đề án; xác định mốc thời gian tổng kết việc xây dựng bộ máy Nhà nước và các giải pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền đến 2030 và định hướng đến năm 2045; kế hoạch phân công công việc của các thành viên Ban Chỉ đạo để đảm bảo có kết quả tốt nhất. Chủ tịch nước cũng đề nghị các đại biểu góp ý vào dự thảo Đề cương ban đầu của Đề án, cho ý kiến đối với số lượng các chuyên đề thành phần và phạm vi nghiên cứu của các chuyên đề. Nội dung nữa là thảo luận kế hoạch phân công các cơ quan, tổ chức xây dựng Đề án và hoàn thiện Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần cần xây dựng một Đề án có tính chiến lược, thiết thực đối với người dân và cơ quan Nhà nước, thực sự là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Thống nhất những quan điểm cơ bản, đột phá cần thiết để xây dựng mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tầm nhìn 2045 đảm bảo thành công. Trong đó, có vấn đề bảo vệ nhân dân, bảo vệ con người, xây dựng kỷ cương, phòng chống tham nhũng, hệ thống pháp luật đảm bảo hội nhập quốc tế. Đặc biệt cần bám sát nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở. 

Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất nhiều phương án xác định mốc thời gian nghiên cứu của Đề án trên cơ sở đúc rút thành tựu 35 năm đổi mới của đất nước.Tán thành với nội dung của 12 chuyên đề thành phần, các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất nghiên cứu mở rộng thêm một số vấn đề lớn khác như: Vị trí vai trò các cơ quan Nhà nước đặt trong các mối quan hệ lớn; nghiên cứu sâu thêm về cải cách tư pháp trong khuôn khổ Đề án; nghiên cứu việc sửa đổi hệ thống pháp luật trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một số ý kiến cũng đề nghị cần đặt vấn đề nghiên cứu Nhà nước pháp quyền trong mối quan hệ với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Trong tiến trình nghiên cứu, mỗi chuyên đề cần chỉ rõ những điểm mới, điểm đột phá để thảo luận, thống nhất ý kiến hoàn thiện Đề án.

Một số ý kiến đề nghị cần tập trung nghiên cứu, tổng kết đánh giá thực trạng, kết quả của tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay; coi đây là thực tiễn quan trọng để xây dựng các giải pháp hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tương lai. 

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tinh thần của Đề án nhằm phục vụ nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, đưa đất nước phát triển bền vững. Về kế hoạch xây dựng Đề án, Chủ tịch nước ghi nhận các ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung nghiên cứu nhưng cần có nhiều đổi mới, không phải “bổn cũ chép lại” và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chủ tịch nước nêu rõ quan điểm xây dựng Đề án, phát huy chủ trương của Đảng, xây dựng chính sách, pháp luật có tính khả thi cao trong thực tế. 

Nhấn mạnh tiến độ xây dựng Đề án cần báo cáo Trung ương vào tháng 10-2022, Chủ tịch nước yêu cầu các chuyên đề phải đảm bảo tiến độ, chất lượng và cơ sở lý luận cao. Chủ tịch nước mong muốn các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập và các cơ quan được phân công dành thời gian nghiên cứu, tổng hợp đúng thời hạn Ban Chấp hành Trung ương đã giao.

QUANG VŨ