Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế

Thứ sáu, 18/11/2016 10:27

(Cadn.com.vn) - Nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2016), để động viên các cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo cũng như quán triệt một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân, Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết: “Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế”.

Giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, đây là một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Điều đó, thể hiện trong Nghị quyết các kỳ đại hội Đảng, công tác giáo dục, đào tạo luôn là một nội dung, nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được quán triệt, thực hiện và đã đóng góp xứng đáng vào thành quả của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Sau gần 30 năm nước ta đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế, trên cơ sở các thành tựu của công tác giáo dục, đào tạo qua các thời kỳ cũng như những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 (Nghị quyết số 29) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã hiến định: "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”(1) và hệ thống pháp luật về giáo dục, đào tạo đã cụ thể hóa quan điểm của Hiến pháp, từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động này. Tiếp đó, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (Nghị quyết Đại hội XII), kế thừa, làm sâu sắc hơn phương châm “đầu tư cho giáo dục, đào tạo là đầu tư phát triển, ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(2), Đảng ta đưa ra đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, coi đây là quốc sách hàng đầu, tiêu điểm mang tính đột phá phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI, với mục tiêu của giáo dục, đào tạo là dạy người, dạy chữ, dạy nghề. Kế thừa truyền thống của cha ông và tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của người thầy trong giáo dục đào tạo, trong các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam, vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên được Đảng xác định là yếu tố then chốt, đồng thời là động lực cho sự phát triển và hiệu quả của giáo dục, đào tạo nước nhà; từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và giải pháp cụ thể để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo. Quá trình triển khai thực hiện bước đầu đã đem lại những kết quả quan trọng, hứa hẹn tạo ra chuyển biến căn bản của công tác này trong thời gian tới. 

Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 34 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

Đối với lực lượng Công an nhân dân, ngay từ những ngày đầu thành lập trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, căn cứ vào Nghị định số 215/NĐ-P2 ngày 25/6/1946 của Bộ Nội vụ, các nhà giáo đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân đồng thời là cán bộ hoạt động thực tiễn thông qua các lớp huấn luyện công an trung cấp và sơ cấp tại Nha Công an Trung ương đã ghi dấu ấn đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo của lực lượng. Năm 1953, cùng với việc Nha Công an Trung ương đổi thành Thứ Bộ Công an và hệ thống Trường Công an Trung ương, các trường Công an sơ cấp ở các liên khu; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong Công an nhân dân từ thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an, đã biên soạn giáo trình, tài liệu, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, vượt qua khó khăn, gian khổ của chiến tranh, đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng hàng nghìn cán bộ trung cấp, hàng chục nghìn cán bộ sơ cấp, nguồn nhân lực nòng cốt quyết định thành công, thắng lợi của công tác công an trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp. 

Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho công tác công an ở cả hai miền Nam - Bắc, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Đoàn và lãnh đạo Bộ Công an, cùng với sự phát triển của Ngành về quy mô công tác giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo Công an nhân dân đã bám sát thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng, nghiên cứu lý luận, biên soạn hàng trăm giáo trình, tài liệu, giáo án, bài tập và báo cáo thực tế công tác nghiệp vụ gắn với các bậc học, theo đối tượng, địa bàn để đào tạo, bồi dưỡng hàng chục vạn cán bộ công an vững về chính trị, sắc bén về nghiệp vụ, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Ngành giao phó. Qua công tác, chiến đấu đã đóng góp đặc biệt quan trọng vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Không chỉ vậy, các cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo Công an nhân dân còn hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế bằng việc đào tạo cán bộ chủ chốt cho công an nước bạn Lào, Campuchia trong thời kỳ này.

Đất nước thống nhất, bên cạnh thời cơ, vận hội, cách mạng nước ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Ở bên ngoài, đó là sự gia tăng chống phá của các thế lực thù địch, phản động quốc tế từ sau sự sụp đổ của Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo trong đó có biển Đông và những phức tạp khác của tình hình chính trị, an ninh trên thế giới gắn với hoạt động khủng bố quốc tế, chủ nghĩa ly khai, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo; ở bên trong là những khó khăn về kinh tế, xã hội, sự tụt hậu về kinh tế do hai cuộc chiến tranh để lại, tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có dấu hiệu phức tạp, đã đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề hơn bao giờ hết cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mà lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt. Quán triệt, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, gắn bó máu thịt và được sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, lực lượng Công an nhân dân đã góp phần quan trọng, quyết định bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tạo lập, giữ vững môi trường ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Trong những thành tích, chiến công ấy của lực lượng Công an nhân dân thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế có sự đóng góp rất to lớn của công tác giáo dục, đào tạo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo Công an nhân dân, đã đào tạo ra thế hệ cán bộ sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân, kế tiếp truyền thống của cha anh đi trước, có trình độ nghiệp vụ, pháp luật, chính trị sắc bén, vững vàng trên trận tuyến bảo vệ an ninh, trật tự đầy cam go, phức tạp, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, lịch sử anh hùng, vẻ vang; sự lớn mạnh, trưởng thành của Công an nhân dân Việt Nam luôn gắn liền với những cống hiến, lao động sáng tạo không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo Công an nhân dân trong hơn 70 năm qua. Trong đó, có nhiều người là nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu lớn, nhà khoa học đầu ngành của đất nước, đã góp phần quyết định, đào tạo đội ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đáp ứng được nhiệm vụ công tác công an trong các giai đoạn cách mạng. Đồng thời còn đào tạo cán bộ cho Quân đội nhân dân, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan nội chính, thực thi pháp luật khác, cho các nước bạn. Một dấu ấn quan trọng là, trong số các học viên bước ra từ mái trường Công an nhân dân, có nhiều đồng chí trưởng thành qua thực tiễn công tác, chiến đấu, giữ những trọng trách của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành và các địa phương. 

Chào mừng kỷ niệm Ngày truyền thống nhà giáo Việt Nam 20/11/2016, lực lượng Công an nhân dân phấn khởi đón nhận thêm 04 nhà giáo được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận học hàm giáo sư, 26 nhà giáo được công nhận học hàm phó giáo sư. Điều này tiếp tục đánh dấu bước trưởng thành của đội ngũ những người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận trồng người của lực lượng Công an nhân dân với gần 3.600 nhà giáo, hơn 1.300 cán bộ quản lý giáo dục; trong đó có 19 giáo sư, 78 phó giáo sư, 408 tiến sĩ, 1.847 thạc sĩ đang ngày đêm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Ngành, của đất nước(3).

Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn mới, với những vận hội, thời cơ thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức hết sức gay gắt, trong đó có thách thức về an ninh, trật tự. Để hoàn thành trọng trách, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với truyền thống anh hùng vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam, yêu cầu về người cán bộ công an vừa hồng, vừa chuyên, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông, sắc bén về nghiệp vụ, am hiểu về pháp luật và các tri thức liên ngành khác, làm chủ khoa học, công nghệ đang đặt ra cho toàn lực lượng Công an nhân dân mà trước hết là các học viện, nhà trường, các cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo Công an nhân dân. Quán triệt quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về giáo dục, đào tạo; Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA, ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân”, Chỉ thị số 13/CT-BCA, ngày 28/10/2014 của Bộ Công an liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong Công an nhân dân hiện nay; các cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo của Bộ Công an và các học viện, nhà trường, cần chú ý thường xuyên phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước về trình độ chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp. Kết hợp phát triển đội ngũ giáo viên thỉnh giảng, kiêm nhiệm; phối hợp với công an các đơn vị tiếp tục thực hiện việc phân công kiêm nhiệm phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, nghiệp vụ và trưởng, phó khoa, bộ môn nghiệp vụ kiêm trưởng, phó phòng của một số cục nghiệp vụ; tăng cường việc luân chuyển có thời hạn giảng viên, giáo viên nghiệp vụ đến công tác tại công an các đơn vị, địa phương để tích lũy kiến thức thực tế, gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân.

Bộ trưởng Tô Lâm và lãnh đạo Bộ CA chụp ảnh lưu niệm với các Nhà giáo, Nhà khoa học Công an nhân dân (CAND) được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016.

Chủ động phát hiện, nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách toàn diện, phù hợp với đặc thù công tác giáo dục, đào tạo của lực lượng Công an nhân dân; trong đó có vấn đề then chốt là xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo, hướng tới các vấn đề cụ thể như: sử dụng và đãi ngộ đối với giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong Công an nhân dân; đặc biệt là đối với các nhà khoa học, các nhà giáo có học hàm, học vị cao; tôn vinh, khen thưởng xứng đáng với các cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo tiêu biểu, tâm huyết, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Ngành; cơ chế thu hút cán bộ, chuyên gia giỏi của các ngành, nhất là số cán bộ có trình độ cao về lý luận chính trị, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào giảng dạy trong các học viện, trường Công an nhân dân; giao lưu, hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo, trong đó chú trọng tới việc tạo điều kiện để các học viện, nhà trường chủ động hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với các đối tác trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và của ngành Công an nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giảng viên, giáo viên; Ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy.

Yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về cán bộ công an trong giai đoạn đất nước đổi mới, mở cửa, chủ động hội nhập quốc tế đang thôi thúc mỗi cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo Công an nhân dân thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, của Đảng uỷ Công an Trung ương và Bộ Công an về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về giáo dục, đào tạo để từ đó ý thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm và vinh dự, tự hào vừa là sĩ quan Công an nhân dân những người chỉ biết còn đảng là còn mình, vừa là người làm nghề dạy học - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Tự mình thường xuyên rèn luyện phẩm chất, nâng cao trình độ, năng lực để luôn là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, về trí tuệ, nhân cách, về sự trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; say mê nghề nghiệp, khát khao cống hiến, thực sự là người chiến sĩ tiên phong trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế./.

(1) Khoản 1, Điều 61, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

(2) Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

(3) Thống kê trình độ, chức danh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong CAND, năm học 2015-2016, Cục Đào tạo, Bộ Công an.