Xây dựng thành phố thông minh
(Cadn.com.vn) - Ngày 8-11, tại Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (cơ quan của Bộ TT&TT) và Cty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC tổ chức Hội thảo “Giải pháp tổng thể xây dựng Đô thị thông minh 2016”.
Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với đất nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong việc triển khai các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vừa được công bố vào đầu tháng 11-2016 vừa qua đã chỉ rõ: “Sớm triển khai xây dựng một số khu hành chính - kinh tế đặc biệt; ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh”.
Theo ý kiến của các chuyên gia, thành phố thông minh (TPTM) không chỉ đơn thuần là thành phố ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), mà bản chất của nó phải là sự liên kết thông tin, phát triển đô thị theo chiều sâu, đổi mới cơ chế và thể chế trong một tổng thể các giải pháp toàn diện. Tại Hội thảo ngoài việc trao đổi về những mối quan tâm hàng đầu hiện nay trong việc xây dựng - triển khai mô hình TPTM và cùng tìm lời giải cho bài toán phát triển gắn với thực trạng của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, các chuyên gia đến từ các nước phát triển khác đã đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng một TPTM như: thuyết trình tổng thể về TPMT và Chính phủ điện tử của chuyên gia Microsoft; giải pháp khoa học công nghệ thông minh và xây dựng thông minh của Tập đoàn GKE-Hoa Kỳ; y tế thông minh và vệ sinh an toàn thực phẩm của Tập đoàn tư vấn SERI - Nhật Bản; Khoa học thông minh của Tập đoàn Tesmaek - Singapore; môi trường thông minh của Tập đoàn công nghệ môi trường LAR - Đức; công thương thông minh của Viện Công nghệ 3D-Đài Loan; phát triển du lịch thông minh của chuyên gia Đài Loan; giải pháp nông nghiệp thông minh của Hiệp hội nông nghiệp Nhật Bản... Các chuyên gia cũng chia sẻ khả năng ứng dụng thành công các giải pháp này vào thành phố Đà Nẵng trong những năm tới.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại Hội thảo. |
Tại thành phố Đà Nẵng, trong nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố luôn thể hiện quyết tâm xây dựng TPTM hơn bằng nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, công tác ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp được tích cực triển khai và đạt được nhiều tiến bộ quan trọng. Hạ tầng kỹ thuật CNTT-truyền thông cơ bản đáp ứng được các hoạt động của chính quyền thành phố, bao gồm mạng đô thị thành phố, trung tâm dữ liệu, hệ thống kết nối không dây công cộng, trung tâm thông tin dịch vụ công... Cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng và phát triển CNTT, phát triển công nghiệp CNTT được cập nhật và ban hành kịp thời, góp phần cải tiện môi trường phát triển CNTT trên địa bàn thành phố, tạo tiền đề để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Phát triển đồng bộ các ứng dụng CNTT từ UBND thành phố đến các sở, ban, ngành, quận huyện, phường xã... Với những kết quả đó, trong 7 năm liền (2009-2015), Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT-ICT Index Việt Nam và vinh dự nhận nhiều giải thưởng quốc tế uy tín về phát triển chính quyền điện tử.
Đặc biệt, năm 2012, thành phố Đà Nẵng vinh dự là một trong 33 thành phố trên thế giới được Tập đoàn IBM trao giải thưởng “Thách thức của các TPTM hơn”. Đến năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1797 phê duyệt Đề án xây dựng TPTM hơn tại Đà Nẵng. Triển khai thực hiện Đề án này, các sở, ban, ngành, quận huyện đã chủ động tìm kiếm các dự án đầu tư, ứng dụng các giải pháp CNTT nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quản lý đô thị. Trong những năm qua, thành phố đã triển khai hệ thống quản lý giao thông công cộng bằng thiết bị giám sát hành trình, Hệ thống giám sát chất lượng nước bằng thiết bị cảm biến tại nhà máy nước Cầu Đỏ, Hệ thống giám sát giao thông thông minh hơn bằng camera. Đây là những bước đi ban đầu, đáng khích lệ trên lộ trình hướng đến một TPTM trong những năm tới.
Ông Huỳnh Đức Thơ-Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, trong nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng hướng đến mục tiêu xây dựng một đô thị đáng sống, một thành phố môi trường, thành phố động lực để phát triển KT-XH của các tỉnh miền Trung. Để thực hiện mong muốn đó, các cấp chính quyền thành phố luôn trăn trở tìm giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT-truyền thông vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành trên các lĩnh vực KT-XH của thành phố. Tuy nhiên, với những gì Đà Nẵng đã và đang có vẫn chưa đủ để xây dựng một TPTM như kỳ vọng. Và Hội thảo này là cơ hội thuận lợi để thành phố trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai thành công ứng dụng CNTT tạo ra các mô hình quản lý để thúc đẩy và ứng dụng vào sự nghiệp xây dựng thành công một thành phố Đà Nẵng thông minh, đáng sống, một đô thị văn minh hiện đại, sinh thái và phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty AIC cho rằng, để có thể thực hiện được những vấn đề này chúng ta cần có một kế hoạch tổng thể, nếu có Đề án rồi thì phải nâng cấp để đạt tiêu chuẩn quốc tế và đẩy mạnh công tác triển khai trong thực tế. “Đà Nẵng là thành phố có nhiều lợi thế để xây dựng thành một TPTM và với đội ngũ chuyên gia của AIC cũng như chuyên gia các nước phát triển khác sẽ có những ý kiến đóng góp cũng như kêu gọi các chính sách hỗ trợ để Đà Nẵng thực hiện mục tiêu đó”-bà Nhàn nhấn mạnh.
Nguyễn Tuấn