Xây dựng thư viện trong trường phổ thông đạt chuẩn
(Cadn.com.vn) - Sau 10 năm thực hiện công tác xây dựng thư viện trong trường phổ thông đạt chuẩn, ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo niềm đam mê đọc sách trong học sinh.
Đến nay, TP Đà Nẵng có 120 thư viện trong trường phổ thông đạt chuẩn và 8 trường chưa đạt chuẩn, 32 thư viện đạt danh hiệu tiên tiến. Tổng số giáo viên thư viện là 175 người. Phần lớn thư viện trong nhiều trường phổ thông trên địa bàn đã được đầu tư hiện đại theo mô hình “thư viện thông minh”, như: trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THCS Lê Lợi, Trường THPT Nguyễn Trãi...
Đây là mô hình được triển khai thông qua việc ứng dụng CNTT vào quản lý và vận hành thư viện. Tại Trường THCS Nguyễn Khuyến, thư viện được trang bị 30 máy vi tính cấu hình cao. Mỗi học sinh đều có tài khoản mạng internet riêng khi truy cập vào trang mạng ebook để đọc sách. Đội ngũ giáo viên thư viện của trường dễ dàng nắm được số lượng giáo viên, học sinh và loại tài liệu được sử dụng tại đây thông qua việc quản lý mã vạch thẻ thư viện của mỗi học sinh hay giáo viên.
Cô Bội Liên, giáo viên thư viện, Trường Nguyễn Khuyến cho biết: Nhằm giúp học sinh và giáo viên có điều kiện thuận lợi trong việc đọc sách và nghiên cứu tài liệu, ngoài trang bị các máy tính cố định, thư viện còn phủ sóng wifi miễn phí, trang bị màn hình tương tác giúp các “tiết học thư viện” được sinh động hơn. Thư viện còn tổ chức mua sách mới có sự tham gia của học sinh, các em sẽ hỗ trợ thư viện bằng việc tự do chọn loại sách mà mình nghĩ là cần thiết phục vụ cho việc học tập, thư viện sẽ trả tiền mua sách. Với hình thức này, thư viện sẽ có thêm nguồn tư liệu mới còn học sinh sẽ có đúng loại sách mình đang cần.
Nhằm thu hút các bạn đọc đến thư viện, đội ngũ giáo viên thư viện tại các trường đã linh động trong việc thay đổi hình thức tổ chức, đưa ra nhiều sáng kiến để giới thiệu sách đến học sinh và giáo viên trong trường, như: xây dựng thư viện mở hay tủ sách lưu động ở sân trường; làm các giỏ sách, giá sách tại các lớp học...
Một số trường đã xây dựng vườn cổ tích, vườn tuổi thơ ngoài trời để các em vui chơi, đọc sách trong các giờ ra chơi. Bên cạnh đó, thư viện các trường cũng phát động phong trào xây dựng tủ sách trong từng lớp học. Đối với các trường có điểm lẻ, giáo viên thư viện luôn thường xuyên luân chuyển sách, báo mới về các khu vực lẻ nhằm tạo sự cân bằng giữa các điểm lẻ với điểm chính.
Tại thư viện Trường THPT Nguyễn Trãi thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức các buổi tuyên truyền, giới thiệu sách theo từng chủ đề về biển đảo, Quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, ATGT, phòng chống ma túy học đường...
Bên cạnh đó, để giúp các em cập nhật được thông tin về các loại sách, báo và tài liệu mới nhất, nhà trường thường xuyên thông báo tới các em thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể, mạng internet của trường... Thời gian tới, TP sẽ tăng cường củng cố và phát triển mạng lưới thư viện cả về số lượng và chất lượng, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng 100% thư viện đạt chuẩn, 20% thư viện xuất sắc, 40% thư viện tiên tiến.
Ngoài ra, thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hóa công tác thư viện trường học, phát huy phong trào toàn dân chăm lo công tác thư viện trường học, huy động thêm nguồn kinh phí và sự hỗ trợ của các đoàn thể, các tổ chức kinh tế... để phát triển thư viện. Bên cạnh đó, các trường từng bước trang bị máy vi tính và ứng dụng CNTT vào hoạt động thư viện trường học, kết nối internet, xây dựng thư viện điện tử, thư viện thông minh phục vụ giáo viên và học sinh.
Văn Tứ