Xây dựng trạm sạc để khuyến khích phát triển xe ô-tô điện

Thứ tư, 31/03/2021 12:55

UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức công bố Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn, với lộ trình phát triển theo dự kiến và tính toán sẽ là 265 trạm sạc với tổng công suất 3.400kW trong giai đoạn 2020-2025, và giai đoạn 2025-2030 sẽ là 550 trạm sạc với tổng công suất 10.000kW.

Trạm sạc điện ô-tô tại cửa hàng xăng dầu Lê Văn Hiến-PVOIL miền Trung.

Đề án được xây dựng xuất phát từ nhu cầu cấp thiết phải có những giải pháp, cơ chế khuyến khích ngày càng nhiều phương tiện sử dụng năng lượng điện tham gia giao thông theo xu hướng phát triển sử dụng nguồn năng lượng sạch. Trong bối cảnh chỉ có một vài dự án thí điểm sử dụng xe ô tô điện và thử nghiệm trạm sạc xe điện trên địa bàn thành phố, chưa mang tính quy hoạch đánh giá vị trí xây dựng khả thi để triển khai trên diện rộng. Đề án là cơ sở khẳng định vai trò tiên phong của thành phố trong việc xác định các mục tiêu, định hướng phát triển xe điện, trạm sạc ô tô điện trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng hình ảnh thành phố thông minh, năng động, xanh, sạch, đẹp.

Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC), trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) được UBND TP Đà Nẵng chọn làm tư vấn lập Đề án. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất công tơ điện tử phục vụ đo đếm điện năng; cung cấp các giải pháp thu thập, quản lý hệ thống đo đếm điện năng; phát triển và tích hợp giải pháp quản lý các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, góp phần vào công cuộc xây dựng hệ thống lưới điện thông minh của ngành điện. Đơn vị đã tự nghiên cứu sản xuất thành công trạm sạc xe ô tô điện “Made in Viet Nam” và cũng đã hợp tác triển khai lắp đặt vận hành tại trụ sở chính EVNCPC và một số cửa hàng xăng dầu của PVOIL trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Chia sẻ về kết quả thực hiện Đề án, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Đề án được xây dựng đảm bảo các mục tiêu yêu cầu trong nghiên cứu ứng dụng các công nghệ trạm sạc cho xe điện; xây dựng bộ tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn vị trí lắp đặt trạm sạc xe điện, từ đó xác định quy mô và lộ trình phát triển nhằm quy hoạch mạng lưới trạm sạc xe điện (kể cả xe đạp điện và xe máy điện) trong tương lai. Bên cạnh đó, Đề án cũng xây dựng cơ chế, đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch cho phương tiện đi lại và bảo vệ môi trường. Mặc dù là đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện - điện tử và các giải pháp phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) điện năng, nhưng CPCEMEC đã đảm nhận tốt vai trò tư vấn, lập Đề án đạt chất lượng cao trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Trong thời gian qua, CPCEMEC đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và năng lực trong triển khai các dự án liên quan đến xe điện và trạm sạc, từ dự án trang bị xe ô tô điện và lắp đặt trạm sạc nhanh tại EVNCPC năm 2017, đến việc tự nghiên cứu phát triển thành công trạm sạc xe điện đầu tiên tại Việt Nam năm 2018, rồi chủ động hợp tác triển khai đề tài “Nghiên cứu, lắp đặt thử nghiệm trạm sạc cho ô tô điện sử dụng năng lượng mặt trời tại các cửa hàng xăng dầu” với Tổng Công ty xăng dầu PVOIL,… CPCEMEC cũng đã hỗ trợ triển khai các dự án liên quan đến nghiên cứu đánh giá sự phù hợp và hiệu quả xe ô tô điện trong khuôn khổ hợp tác giữa Sở Công Thương thành phố và công ty Mitsubishi Motors Việt Nam; tích cực tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề án Phát triển điện mặt trời trên mái nhà TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035,…

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Dũng, Giám Đốc CPCEMEC rất vui mừng khi là đơn vị trực tiếp tư vấn, được Thành phố đánh giá cao về kết quả Đề án được lập. Ông cho biết sản phẩm trạm sạc thế hệ đầu tiên do đơn vị tự nghiên cứu chế tạo có công suất 60kW, đáp ứng nhu cầu sạc nhanh trong vòng 20-30 phút tùy theo dung lượng pin của từng chủng loại xe điện, theo chuẩn sạc CHAdeMO của Châu Á và có thể mở rộng tích hợp được nhiều chuẩn trên cùng 1 trạm sạc (CCS-Châu Âu, GB/T-Trung Quốc và Tesla), có thể nâng công suất lên trên 120 kW để đáp ứng sạc cho xe tải hoặc xe buýt điện. Quan trọng hơn là đội ngũ kỹ sư của CPCEMEC hoàn toàn làm chủ được công nghệ và các giải pháp quản lý vận hành, phương thức thanh toán phí sạc điện cùng với hàng loạt dịch vụ tiện ích đi kèm, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Thành phố và nhu cầu của các chủ đầu tư. CPCEMEC cũng đã làm việc với Công ty Vinfast để tích hợp xe ô-tô điện Vfe34 sắp công bố mở bán vào trạm sạc sẵn có, hợp tác xây dựng mạng lưới trạm sạc trên các tỉnh, thành phố. Ông cũng chia sẻ về những khó khăn trong quá trình hoàn thiện Đề án bởi nó cần thông tin và dữ liệu của nhiều chuyên ngành khác nhau, cần phải tham vấn, trao đổi với các sở ban ngành. Tuy nhiên với sự phối hợp kịp thời và giúp đỡ nhiệt tình của các đơn vị liên quan, sự nỗ lực của đội ngũ kỹ sư của Trung tâm, Đề án đã được hoàn thành đạt tiến độ và kết quả ngoài mong đợi.

Ông Trần Dũng cho rằng thực tế hiện nay các trạm sạc xe điện tại Đà Nẵng chưa phát huy được hiệu quả do số lượng xe điện vẫn còn quá hạn chế. Để thực hiện Đề án thực sự có hiệu quả, Thành phố cần kêu gọi và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, cần phải có cơ chế khuyến khích cụ thể để nhà đầu tư mặn mà đầu tư trạm sạc cũng như người dân quan tâm sử dụng xe điện. Theo ông Dũng thì hiện tại đơn vị đã đủ năng lực sản xuất và sẵn sàng hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư trong triển khai nhân rộng mô hình kinh doanh trạm sạc. Trong thời gian đến, CPCEMEC sẽ tiếp tục hoàn thiện và đa dạng hóa sản phẩm cùng các giải pháp quản lý mạng lưới trạm sạc từ xa, phát triển trạm sạc thông minh 2 chiều giúp ngành điện huy động nguồn pin từ xe điện phát ngược lên lưới để phục vụ cân đối cung cầu điện, san bằng tải đỉnh, cải thiện chất lượng và độ ổn định lưới điện, giảm thiểu chi phí đầu tư nguồn điện…

PHƯƠNG KIẾM