Xây dựng văn hóa giao tiếp- ứng xử văn minh nơi công cộng: Ý thức là trên hết
(Cadn.com.vn) - Sau khi trở thành TP trực thuộc T.Ư, đô thị loại I, cùng với sự nỗ lực, vào cuộc của cả chính quyền và nhân dân, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, xã hội vượt bậc. Với mục tiêu xây dựng và tạo "thương hiệu" về một Đà Nẵng thân thiện, mến khách, một thành phố "đáng sống" bởi sự xanh-sạch-đẹp, an bình, Đà Nẵng đã có nhiều cách làm hay trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và nhận được nhiều lời khen tặng của du khách. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa Đà Nẵng đã là một TP hoàn thiện. Đó đây vẫn còn những biểu hiện thiếu ý thức trong văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng cần được chấn chỉnh...
Còn đó những "điểm trừ"
Đó là nhận xét của Ths Đàm Thị Vân Dung-Viện nghiên cứu PTKT-XH Đà Nẵng- khi nói về văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng ở Đà Nẵng tại buổi tọa đàm do Sở VH-TT&DL TP tổ chức giữa tháng 10 vừa qua. Theo Ths Đàm Vân Dung, Đà Nẵng hiện được xem là TP có tốc độ đô thị hóa vào loại nhanh nhất của cả nước. Đây cũng là TP thu hút nhiều cư dân từ khắp nơi trên cả nước đến sinh sống, học tập và làm việc. Sự đa dạng này cũng đồng nghĩa với việc Đà Nẵng đã, đang mang nhiều nét đặc trưng văn hóa vùng miền; trực tiếp ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa, lối sống của cư dân đô thị cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Với nhịp độ khẩn trương, căng thẳng của lối sống đô thị, không phải ai cũng bắt kịp được. Trong khi đó, văn minh đô thị lại bắt buộc mỗi cá nhân phải hành động trong khuôn khổ pháp luật, trật tự đô thị...
Vì vậy, vẫn còn xuất hiện những "điểm trừ" trong văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng. "Điểm trừ" đó xuất phát từ việc thiếu ý thức của một bộ phận công dân, nếu không có những bước can thiệp quyết liệt sẽ ngày càng nhân rộng, trở thành thói quen xấu khó bỏ. Cụ thể, những "điểm trừ" đó được biểu hiện ở việc coi thường pháp luật như vi phạm luật giao thông; hành vi vứt rác bừa bãi, chửi thề, ăn mặc thiếu lịch sự khi vào những nơi tôn nghiêm, trang trọng; là thói quen vội vàng, chen lấn, chỉ nghĩ đến nhu cầu cá nhân nơi công cộng, ảnh hưởng đến tự do của người khác... Theo PGS-TS Lê Văn Đính (Học viện Chính trị- Hành chính khu vực III), một trong những biểu hiện thiếu văn hóa trong giao tiếp-ứng xử nơi công cộng không chỉ riêng Đà Nẵng mà của rất nhiều người Việt Nam, đó là hành vi không giữ vệ sinh, thói quen không thích xếp hàng, hay chen lấn, viết vẽ bậy, gây ồn ào nơi công cộng. PGS-TS Lê Văn Đính cũng đặc biệt quan ngại về sự thiếu kiềm chế, dễ bốc đồng của một bộ phận giới trẻ hiện nay trong văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng như quán cà-phê, xe buýt, trường học...
![]() |
Lực lượng thanh niên Đà Nẵng ra quân vì một Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: X.C |
Song hành giữa xây dựng ý thức và chế tài xử phạt
Theo PGS-TS Lê Văn Đính, để xây dựng được nếp sống văn hóa, văn minh nơi đô thị, cần phải làm ngay một số vấn đề sau: Nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí giao tiếp, ứng xử văn minh cho từng loại hình địa điểm công cộng cụ trể trên địa bàn TP; tuyên truyền, giáo dục, ý thức, lương tâm, tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và giao tiếp, ứng xử có văn hóa. Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; trong đó chú trọng vẫn là vai trò giáo dục của gia đình. Bởi đây là môi trường ảnh hưởng mạnh mẽ, vừa mang tính nhanh chóng vừa mang tính lâu dài. Theo đó, vai trò gương mẫu của người lớn, của các bậc cha mẹ và thầy cô giáo là vô cùng quan trọng trong việc giáo dục bền bỉ, kiên nhẫn đối với con em, học trò. Trong quá trình giáo dục hành vi ứng xử có văn hóa cho giới trẻ, cần có những biện pháp nhân rộng, tuyên dương những hành vi giao tiếp, ứng xử đẹp, vừa phù hợp với văn hóa, đạo đức truyền thống của người Việt Nam, vừa phù hợp với các chuẩn mực của xã hội hiện đại. Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, TP cũng cần xây dựng chế tài xử phạt về những hành vi giao tiếp, ứng xử thiếu văn hóa. PGS-TS Lê Văn Đính nói: "Bởi ứng xử văn hóa là một hành vi không phải lúc nào cũng đến từ tinh thần tự nguyện... Ở các nước tiên tiến, pháp luật quy định những khoản phạt rất nặng cho các hành vi vi phạm văn hóa, xâm hạn đến quyền lợi của người khác và cộng đồng... Ngoài giáo dục ý thức thì xử phạt các vi phạm cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng. Để tiến hành chế tài xử phạt, cần phải có lộ trình thích hợp. Có thể đầu tiên tiến hành thí điểm ở trường học, sân bay, nhà ga, bến xe, những tuyến phố chính... Sau đó, tổng kết rút kinh nghiệm và thực hiện mở rộng ở những loại hình địa điểm công cộng". Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Hải- Phó Chủ tịch UBMTTQVN TPĐN- cho rằng, cần kết hợp giữa tuyên tuyền giáo dục và xử phạt nghiêm minh. "TP đã có quy định về xử phạt hành chính nhưng trong thực tế thì xử phạt không nghiêm; kể cả xử phạt về vi phạm ATGT chứ chưa nói đến các hành vi trái văn hóa thì gần như chưa xử phạt ai bao giờ? Cho nên, đồng thời với công tác tuyên truyền, giáo dục, cần phải tiến hành xử phạt nghiêm minh, không nể nang và phải làm thường xuyên mới có tác dụng răn đe, giáo dục".
Để xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, phấn đấu đưa TPĐN đến năm 2020 "trở thành TP có môi trường văn minh và giàu tính nhân vân, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống" (NQ ĐHĐB TPĐN lần thứ XX) cần có một lộ trình chuẩn bị, xây dựng và thực hiện lâu dài, bền bỉ. Và vấn đề quan trọng là nhận thức, ý thức của mỗi người trong việc hình thành những thói quen, kỹ năng sống đẹp, vì mình và vì mọi người.
P.Nết