Xây dựng xã hội học tập đến năm 2020 trên địa bàn TP Đà Nẵng: Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn xã hội
(Cadn.com.vn) - Nhằm triển khai sâu rộng và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập (XDXHHT) đến năm 2020 trên địa bàn TP Đà Nẵng, sáng nay (9-1), UBND TP chủ trì lễ ký kết chương trình phối hợp công tác tuyên truyền về XDXHHT giai đoạn 2016-2020 giữa các cơ quan: Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở GD-ĐT, Sở Thông tin và truyền thông, Sở VH-TT&DL, Hội Khuyến học, Đài Phát thanh- truyền hình Đà Nẵng (DRT), Báo Công an TP Đà Nẵng và Báo Đà Nẵng. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Xạ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP và ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng GDTX, GDCN và Đại học (Sở GD-ĐT TP) để có cái nhìn đa chiều về công tác XDXHHT.
P.V: Thưa ông Nguyễn Hữu Xạ, học tập là công việc thực hiện suốt đời của mỗi một đời người. Tuy nhiên, hiện vẫn có rất nhiều người chưa thật sự "thấm" ý nghĩa của vấn đề này. Để việc XDXHHT thực sự đi vào trong đời sống của người dân, tiêu chí cần và đủ là gì?
Ông Nguyễn Hữu Xạ: Học tập suốt đời (HTSĐ) và XDXHHT là công việc quan trọng, có ảnh hưởng to lớn đến từng cá nhân, gia đình, cộng động, đơn vị và lớn hơn là cả xã hội. Bác Hồ lúc sinh thời từng nhấn mạnh: Học không bao giờ cùng; Học mãi để tiến bộ mãi; Càng tiến bộ, càng thấy cần phải học thêm. Từ 1998, khái niệm HTSĐ đã được thể chế hóa trong Luật Giáo dục, từ đó giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy ngày càng có những bước tiến dài. Từ đó đến nay, từ trung ương đến địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này. Trong đó, đáng chú ý là Quyết định số 89, 281 của Chính phủ. Về phía TP Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng đã có Chỉ thị 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Khuyến học khuyến tài XDXHHT và HTSĐ. UBND TP Đà Nẵng đã ban hành QĐ số 4816 triển khai Đề án 281 và Kế hoạch 117 của Ban chỉ đạo về tổ chức thí điểm xây dựng các mô hình học tập năm 2014 - 2015… Đấy chính là điều kiện cần để XDXHHT và HTSĐ.
Vấn đề còn lại là sự quyết tâm vào cuộc một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Tuy Chỉ thị 39/CT-TU đã chỉ rõ Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, mặt trận và các Hội đoàn thể vận động, trong đó Hội Khuyến học và ngành GD-ĐT làm nòng cốt tham mưu, nhưng muốn đạt được kết quả của Đề án 281, nội dung Chỉ thị 39 và các quyết định phải được thấm sâu trong lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, các Hội đoàn thể... Được lãnh đạo quan tâm đưa vào chương trình hành động kết hợp kiểm tra, thanh tra, đánh giá, sẽ thêm điều kiện cần để chủ trương này thành hiện thực.
Song, sẽ chưa đầy đủ nếu từ người dân đến cán bộ, từ trẻ đến già, từ người lao động chân tay đến lao động trí óc, từ thương gia đến người lao động sản xuất… chưa thấm được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của HTSĐ và XDXHHT. Muốn có được điều kiện đủ này cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ báo nói, báo in, truyền hình đến sinh hoạt… Có thể thấy rằng, thời gian qua, văn bản thì nhiều, nội dung không thiếu, mục đích thì rõ nhưng phương thức tuyên truyền còn hạn chế. Một bộ phận người dân lo lao động để sống chưa nghĩ, chưa quan tâm đến HTSĐ và XDXHHT.
Để phong trào HTSĐ được đi vào lòng dân cần phải đầu tư đúng mức từ cơ sở - tổ trưởng (thôn trưởng), trưởng ban công tác mặt trận, chi hội khuyến học... Đội ngũ này hơn ai hết phải am hiểu tường tận về mục đích ý nghĩa, ích lợi của HTSĐ, XDXHHT. Đội ngũ này cùng với cán bộ công chức, đảng viên phải đi đầu, vừa thực hiện, vừa tuyên truyền. Song song đó, muốn đáp ứng nhu cầu HTSĐ của người lớn cần phải đầu tư trung tâm học tập cộng đồng cả trang thiết bị, con người, giáo trình, kinh phí. Mặt khác, từ kinh nghiệm của việc triển khai thí điểm các mô hình Gia đình học tập - Dòng họ học tập - Cộng đồng học tập - Đơn vị học tập trong 2 năm 2014 - 2015 sẽ giúp cho Hội Khuyến học và ngành GD-ĐT có thêm cơ sở để chỉ đạo sát thực thực tế khi triển khai...
P.V: Thưa ông Nguyễn Văn Dũng! Trong 4 mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 của đề án XDXHHT giai đoạn 2012-2020, mục tiêu phấn đấu dành cho lực lượng lao động nông thôn, công nhân là quá cao, khó khả thi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Bằng cách nào để đạt được mục tiêu này theo đúng nghĩa thực chất?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Trong 4 mục tiêu XDXHHT, theo tôi 3 mục tiêu: xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng với các chỉ tiêu đặt ra, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có những thuận lợi nhất định, vì các mục tiêu đều hướng đến nâng cao trình độ học vấn, trình độ tin học, ngoại ngữ và bồi dưỡng kỹ năng sống cho cộng đồng với các nền tảng vững chắc đã có từ trước. Riêng mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề đối với công nhân lao động (cụ thể: 90% công nhân lao động tại các KCN có trình độ THPT hoặc tương đương; tăng tỷ lệ công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu 95% công nhân qua đào tạo nghề) với những chỉ tiêu đặt ra sẽ gặp không ít khó khăn. Vì thực tế cho thấy, đa số công nhân lao động tại các KCN hiện nay mức lương tương đối thấp, đời sống khó khăn về mọi mặt.
Do vậy, để đạt được mục tiêu này, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, hội, đoàn thể các cấp cần phải vào cuộc đồng bộ và quyết liệt. Đặc biệt, doanh nghiệp trực tiếp quản lý công nhân phải có giải pháp tăng lương, nâng cao mức sống cho công nhân, có chính sách giải quyết việc ăn, ở, đi lại ổn định. Song song đó, các doanh nghiệp cần đề ra kế hoạch cụ thể, phối hợp với các cơ quan có liên quan để nâng cao trình độ THPT hoặc tương đương, tăng tỷ lệ công nhân có tay nghề cao và tỷ lệ công nhân qua đào tạo.
P.V: Xin cảm ơn hai ông về cuộc trao đổi!
P.Thủy
(thực hiện)