Xây hình ảnh đã khó, giữ được còn khó hơn

Thứ ba, 03/01/2017 08:46

(Cadn.com.vn) - Đó là quan điểm của Đại tá Lê Văn Tam- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Đà Nẵng khi đề cập đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy CATP đối với nhiệm vụ chính trị của toàn lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) CATP trong thời gian qua tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2016. Đại tá Lê Văn Tam cho rằng, đối với công tác đảm bảo TTATGT, làm thế nào để ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân được nâng cao mới quan trọng, còn xử phạt nhiều chưa hẳn đã hay, đem lại kết quả tốt...

Thượng tá Bùi Chí Hòa thay mặt lãnh đạo, CBCS Phòng CSGT nhận Giấy khen của Giám đốc CATP vì có thành tích trong công tác bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. 

Ứng xử văn hóa

"Tận tụy, thân thiện, liêm khiết, kiên quyết vì thành phố văn minh, hiện đại" là phương châm mà lực lượng CSGT CATP đặt ra nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như Chỉ thị 43 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện "Năm Văn hóa, văn minh đô thị". Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Bùi Chí Hòa- Phó trưởng phòng Phòng CSGT CATP nhìn nhận: Là lực lượng thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, hầu hết lại trong các tình huống đối lập giữa người vi phạm và người xử lý vi phạm, vì vậy, làm thế nào để người bị xử lý "tâm phục khẩu phục" là vấn đề đặt ra đối với lực lượng CSGT. Nhận thức được điều này, lãnh đạo đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ chiến sĩ (CBCS) chấp hành nghiêm túc quy trình, chế độ công tác, chấn chỉnh, xử lý nghiêm CBCS có biểu hiện sai phạm, tiêu cực hoặc có thái độ quan liêu, có lời nói, cử chỉ không đúng mực với người vi phạm... "Quan trọng nhất vẫn là đôn đốc, nhắc nhở CBCS ứng xử văn hóa, thực hiện chào, xin lỗi và nói lời cảm ơn khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ đối với người tham gia giao thông, nhất là khách du lịch, người dân ở địa phương khác đến Đà Nẵng do không quen đường dẫn đến vô ý vi phạm"- Thượng tá Hòa chia sẻ.

Bên cạnh việc tập trung xây dựng hình ảnh thân thiện, tận tụy, liêm khiết; thời gian qua, lực lượng CSGT CATP đã có nhiều sáng kiến nhằm đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, để nội dung tuyên truyền đến được với nhiều người, nhất là thanh thiếu niên - đối tượng thường xuyên, trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông. "Trang facebook Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng là một ví dụ"- Thượng tá Hòa dẫn chứng. Theo Thượng tá Hòa, thông qua trang facebook, Phòng CSGT có thể tương tác với các thành viên trong nhóm để tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Mặt khác, Phòng CSGT cũng nhận được nhiều thông tin phản hồi về tình hình TTATGT, những kiến nghị, đề xuất các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về TTATGT. "Qua thời gian chạy thử nghiệm và chính thức đi vào hoạt động công khai từ ngày 1-12-2016, đến nay trang facebook đã có hơn 6 ngàn thành viên tham gia và cung cấp, phản ánh nhiều thông tin có giá trị về TTATGT trên địa bàn thành phố. Đây chính là những "đôi mắt thần" di động giúp lực lượng CSGT CATP bám sát địa bàn, kịp thời xử lý những tình huống xảy ra", Thượng tá Hòa khẳng định.

CSGT CATP Đà Nẵng luôn thân thiện, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ khi tiếp xúc với nhân dân.

Quan trọng là nâng cao ý thức

 Lâu nay, nhiều người dân và du khách từ các địa phương khác đến Đà Nẵng khi vi phạm Luật Giao thông như chạy vào đường cấm, đậu đỗ trái phép… chỉ bị lực lượng CSGT dừng xe, nhắc nhở và giải thích lỗi vi phạm rồi cho đi; thậm chí, còn được hướng dẫn tận tình để lần sau không tái phạm. Cách làm này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận cũng như người dân. Đại tá Lê Văn Tam cho rằng, nếu cứ theo luật mà xử phạt vi phạm thì không có gì phải nói. Nhưng CSGT là công chức Nhà nước, phục vụ nhân dân nên làm gì cũng phải có cái lý, cái tình, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Theo Đại tá Lê Văn Tam, năm 2016 cũng như những năm trước đó, thành công nổi bật nhất của lực lượng CSGT CATP là việc chấp hành tốt quy trình TTKS, song song với đó là không có tiêu cực bị phát hiện, xử lý. "Nói không với tiêu cực trong lực lượng là hết sức quan trọng. Sở dĩ hình ảnh người CSGT CATP được dư luận, báo chí và người dân ở các địa phương bạn khen ngợi là vì nói không với tiêu cực. Đồng thời, xử lý vi phạm một cách linh hoạt, có lý có tình"- Đại tá Lê Văn Tam nhấn mạnh.

Theo Đại tá Lê Văn Tam, thời gian qua, chủ trương của thành phố và CATP là những người ở địa phương khác đến Đà Nẵng, do không biết đường mà vô ý vi phạm thì chủ yếu là nhắc nhở, hướng dẫn tận tình. Chính điều này đã tạo thiện cảm cho người tham gia giao thông, đồng thời xây dựng hình ảnh CSGT CATP thân thiện. "Tôi nghĩ, nhắc nhở đôi khi có tác dụng tốt hơn là xử phạt. Tất nhiên, những trường hợp cố tình vi phạm thì phải phạt, chứ không phải miễn trừ"- Đại tá Lê Văn Tam yêu cầu.

"Quan điểm của tôi cũng như Ban Giám đốc là không phải năm nay anh phạt được bao nhiêu tỷ đồng, nộp bao nhiêu tiền vào ngân sách; quan trọng là làm cho nghiêm, cho đúng, làm sao đó để hoạt động của mình có tác dụng góp phần nâng cao ý thức người dân trong tham gia giao thông. Ý thức chấp hành của người dân được nâng cao là thành công của mình, còn phạt nhiều đâu phải là tốt"- Đại tá Lê Văn Tam nhắn nhủ. Giám đốc yêu cầu thời gian tới, đặc biệt trong năm 2017, một năm mà tình hình TTATGT sẽ có nhiều vấn đề phức tạp nên lực lượng CSGT phải triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo tốt hơn, góp phần giữ vững ổn định ANTT và TTATXH, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

D.Hùng