Xây trái phép nhà vệ sinh giữa nhà người khác

Thứ ba, 09/05/2017 10:57

(Cadn.com.vn) - Vụ án tranh chấp 5,89m2 đất được vợ chồng ông Nguyễn Viết Dũng - Nguyễn Thị Hạnh xây dựng nhà vệ sinh trên đất của bà Phan Thị Hoa (cùng trú thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) kéo dài hơn 10 năm nay và qua nhiều cấp xét xử vẫn chưa có hồi kết. Lý do là những phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm không tôn trọng ý kiến của Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Quảng Nam, không xem xét toàn diện những chứng cứ đã đưa ra một phán quyết không thấu tình, đạt lý...

Theo hồ sơ vụ án, năm 1989, bà Phan Thị Hoa kê khai đăng ký quyền sử dụng đất có diện tích 45m2 (chiều ngang 4m, chiều rộng 11,25m); vợ chồng ông Dũng đăng ký kê khai diện tích 350m2 và cả hai được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ). Tuy nhiên, trong hồ sơ địa chính khi kê khai và được sử dụng làm căn cứ cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Dũng không thể hiện phòng lồi với diện tích 5,89m2 (thực tế là nhà vệ sinh, có chiều ngang 1,92m và chiều rộng 2,92m). Tại Công văn số 158, ngày 14-3-2014 của UBND H. Duy Xuyên xác định: phòng lồi có diện tích 5,89m2 được vợ chồng ông Dũng xây dựng và đang sử dụng nằm trên phần đất của bà Phan Thị Hoa. Đồng thời, tại buổi hòa giải ngày 8-1-2006, ông Dũng cũng thừa nhận diện tích 5,89m2 mà hai bên đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của bà Hoa. Việc ngang nhiên xây dựng nhà vệ sinh trên phần đất của người khác đã làm thay đổi hiện trạng sử dụng đối với lô đất bà Hoa được quyền sử dụng. Cụ thể, lô đất diện tích 45m2 có hình chữ nhật, vuông vức nay tồn tại nhà vệ sinh của ông Dũng nên bị biến dạng, tạo ra đoạn gấp khúc, gây khó khăn cho việc xây dựng nhà ở của chủ sở hữu.

Nhà vệ sinh của gia đình ông Dũng xây trái phép ở giữa nhà bà Phan Thị Hoa.

Thế nhưng, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 3-10-2014 của TAND H. Duy Xuyên nhận định: Kết cấu xây dựng căn phòng lồi gồm 2 tầng gắn liền với bờ tường của nhà ông Dũng ở 2 mặt trước, sau nên việc đập phá sẽ ảnh hưởng đến kết cấu nhà chính gây thiệt hại lớn kinh tế, đời sống của gia đình ông Dũng. Hơn nữa, ông Dũng quản lý, xây dựng, sử dụng từ năm 1992. Vì vậy, yêu cầu tháo dỡ không phù hợp pháp luật nên không chấp nhận. Với nhận định này, HĐXX tuyên buộc vợ chồng ông Dũng thanh toán 23.560.000 đồng tiền giá trị quyền sử dụng đất và ông Dũng được quyền sử dụng căn phòng đối với diện tích 5,89m2. Điều tất nhiên là chẳng ai đồng ý việc để nhà vệ sinh của người khác tồn tại giữa ngôi nhà của mình nên bà Hoa cùng gia đình kịch liệt phản đối và làm đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28-9-2015, bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ ông Dũng) trình bày: Để giữ tình làng nghĩa xóm nên đề nghị HĐXX giao 5,89m2 đất “đã lỡ” xây dựng nhà vệ sinh cho gia đình tiếp tục sử dụng và gia đình ông Dũng-bà Hạnh thối trả cho gia đình bà Hoa 50.000.000 đồng. Phiên tòa cấp phúc thẩm cũng chấp nhận yêu cầu là giao 5,89m2 đất cùng công trình nhà vệ sinh cho vợ chồng ông Dũng tiếp tục quản lý sử dụng, buộc gia đình bà Hoa nhận số tiền đền bù 50 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phán quyết trên của HĐXX cấp phúc thẩm chưa thấu tình đạt lý. Cụ thể, gia đình bà Hoa được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất vỏn vẹn có 45m2 nhưng có đến 7 nhân khẩu cùng sinh sống. Hơn nữa, tại Công văn số 55, ngày 10-7-2015 của Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Quảng Nam xác định: Việc tháo dỡ phòng vệ sinh (phần B) ra khỏi khối nhà hai tầng (phần A) không ảnh hưởng đến kết cấu của nhà A, đảm bảo sự ổn định và làm việc bình thường của nhà A...

Như vậy, xét về kỹ thuật việc tháo dỡ nhà vệ sinh do vợ chồng ông Dũng xây dựng trái phép trên đất của bà Hoa không ảnh hưởng đến chất lượng, công năng ngôi nhà do vợ chồng ông Dũng đang sử dụng. Đồng thời, việc cho phép nhà vệ sinh này tồn tại đã vô tình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của những thành viên trong gia đình bà Hoa. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, mong rằng HĐXX cấp giám đốc thẩm sớm xem xét lại bản án phúc thẩm và có phán quyết thấu tình, đạt lý.

M.T