Xem xét dỡ bỏ phong tỏa tại quận Thanh Khê

Thứ năm, 08/07/2021 07:32

Ngày 7-7, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng với các đơn vị, địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn các giải pháp mà thành phố đã đề ra và thực hiện thời gian qua; đặc biệt là tại các chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo cuộc họp.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, cộng dồn từ ngày 18-6-2021 đến 13 giờ ngày 7-7-2021, toàn thành phố có 91 ca. Hiện thành phố đang thực hiện cách ly, giám sát 574 trường hợp F1 và 1.147 trường hợp F2 (tất cả F1 đều được cách ly tập trung hoặc tại cơ sở y tế). Tổng số lượt người được xét nghiệm trong ngày là 4.454.

Về tình hình các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các cửa ngõ ra, vào thành phố, trong ngày, các lực lượng chức năng đã triển khai kiểm tra 32.724 lượt phương tiện (4 tàu hỏa, 18.950 xe mô-tô, 13.761 ô-tô); theo đó đo thân nhiệt, khai báo y tế 49.460 lượt người (121 người nước ngoài, 49.339 người Việt Nam); yêu cầu quay đầu xe 33 trường hợp; hướng dẫn đổi tài xế, phun khử khuẩn 17 trường hợp.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị Công an thành phố, Đoàn Thanh niên, ngành Y tế và các địa phương phải bố trí đầy đủ lực lượng, trang thiết bị như máy quét, máy đo thân nhiệt. “Đến thời điểm này, chúng ta vừa tuyên truyền, vận động, đồng thời phải xem đây là trách nhiệm của toàn dân, của từng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên toàn địa bàn thành phố. Hơn lúc nào hết, chúng ta kiểm soát được vòng ngoài tốt chừng nào thì sẽ đỡ chừng đó”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói, đồng thời chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu các Tổ COVID cộng đồng phát huy hết khả năng, trách nhiệm của mình. Cho rằng, hiện trên địa bàn thành phố có rất nhiều phương tiện cá nhân, nhất là ô-tô mang biển kiểm soát ngoại tỉnh, nhất là thành phố Hồ Chí Minh (có thể vào trước hoặc sau khi các địa phương bùng phát dịch bệnh), vì vậy, ông Chinh giao Công an thành phố chỉ đạo lực lượng tuần tra, kiểm soát ngẫu nhiên, nếu phát hiện ra những trường hợp đi, đến từ vùng dịch để có biện pháp giám sát, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Ngoài ra, đề nghị các địa phương khi phát hiện các xe ô-tô cá nhân mang biển kiểm soát ngoại tỉnh, nhất là các vùng có dịch về địa bàn mình cũng áp dụng các biện pháp tương tự để phòng ngừa nguy cơ...

Đồng ý với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương liên quan đến công tác phòng, chống dịch, trong đó, Chủ tịch UBND thành phố đồng ý và giao cho quận Thanh Khê rà soát, đánh giá và xét nghiệm lần cuối đối với các khu phong tỏa (trong đó có khu tam giác Lê Duẩn – Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám) để tiến hành tháo dỡ khi đủ điều kiện theo quy định. 

Thống nhất tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly tại khách sạn 21 ngày, có thu phí đối với người đến, về từ vùng có dịch mà thành phố vừa chỉ đạo, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu yêu cầu, điều kiện khi tiếp nhận người từ thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng để triển khai các nội dung theo Công văn 5389 mà Bộ Y tế vừa ban hành trong ngày 7-7. “Tinh thần là làm giống như Đà Nẵng đã triển khai đưa công dân về các địa phương khi xảy ra đợt dịch thứ 2-2020. Theo đó, khi đưa công dân về thì người đó phải có đầy đủ thông tin về tên, tuổi, ngày tháng năm sinh; số chứng minh nhân dân, địa chỉ; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và có ở trong vùng dịch hay không”..., Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nêu. Đồng thời yêu cầu, khi về địa phương thì phải cam kết thực hiện đầy đủ quy định cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, đề nghị thành phố Hồ Chí Minh tập hợp danh sách, tập trung đối tượng có nguyện vọng về thành phố để tiến hành đưa đón tập trung, không nhận các trường hợp nhỏ lẻ. “Chúng ta rất chia sẻ, hỗ trợ với thành phố Hồ Chí Minh, nhưng trong trường hợp này, chúng ta cũng phải lo cho chính chúng ta trước đã”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nêu quan điểm.

Trước đó, trong sáng cùng ngày, Bộ Y tế đã ban hành tại Công văn hoả tốc số 5389/BYT-MT do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành về việc tiếp nhận đối với người từ thành phố Hồ Chí Minh về các địa phương.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh trao đổi, thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố trước khi đưa những người từ thành phố về các tỉnh, thành phố khác, đồng thời thống nhất bố trí phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Cùng đó, với UBND các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về từ thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đề nghị tất cả những người từ thành phố Hồ Chí Minh về được coi là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh (thường gọi là F2) thì phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo trừ người đi qua thành phố Hồ Chí Minh nhưng không dừng, đỗ.

Đồng thời, người này phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà. Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. 

Đặc biệt, nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định. Đối với những người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

DOÃN HÙNG