Xem xét nới lỏng có kiểm soát xung quanh khu vực kiệt 407 Lê Duẩn

Thứ sáu, 02/07/2021 08:33

Tại cuộc họp trực tuyến với các đơn vị, địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn vào chiều 1-7, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đề nghị Q. Thanh Khê phối hợp với Sở Y tế, các ngành chức năng có liên quan và P. Thạc Gián (Q. Thanh Khê) - nơi đang tiến hành phong tỏa khu tam giác Lê Duẩn - Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám xem xét, đánh giá lại các tiêu chí để có thể nới lỏng vòng ngoài khu phong tỏa khi mà tại đây, người dân đã trải qua 5 lần xét nghiệm đều có kết quả âm tính và 14 ngày không có ca nhiễm mới. 

Vòng ngoài khu vực tam giác phong tỏa Lê Duẩn – Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám đã trải qua 14 ngày không có ca nhiễm mới, có thể xem xét nới lỏng trong thời gian tới.

Theo Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, trong 24 giờ qua (từ 13 giờ ngày 30-6 đến 13 giờ ngày 1-7), trên địa bàn ghi nhận 5 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3 ca liên quan đến “ổ dịch” tại khu vực tam giác Lê Duẩn – Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám và 2 ca nhập cảnh, tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 đến 2 lần và đã được cách ly trước đó. Tổng cộng từ ngày 18-6 đến nay, toàn TP ghi nhận 87 ca nhiễm COVID-19 liên quan đến chuỗi lây nhiễm phát sinh từ nhân viên bảo vệ tại Cty nhựa Duy Tân.

Thông tin đáng chú ý tại cuộc họp, theo UBND Q. Thanh Khê, đến nay đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 5 cho người dân tại khu phong tỏa tam giác Lê Duẩn – Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám. Riêng trong ngày 1-7, đã xét nghiệm cho 2.340 trường hợp, trong đó có khoảng 2.000 mẫu cho kết quả âm tính. Đặc biệt, có 563 mẫu nằm trong “vùng lõi” của khu phong tỏa (kiệt 405, 407 Lê Duẩn và 54 Lý Thái Tổ), nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất trong chuỗi lây nhiễm phát sinh từ ngày 18-6 đến nay đều cho kết quả âm tính. UBND Q. Thanh Khê cho rằng, hiện các đối tượng có nguy cơ cao đều tập trung tại 3 kiệt nêu trên, và kết quả lấy mẫu xét nghiệm trong ngày đều âm tính. Vì vậy, quận đề xuất Ban Chỉ đạo TP thu hẹp lại khu vực phong tỏa cứng. “Thay vì phong tỏa khoảng 1.300 hộ dân như hiện nay thì thu hẹp lại còn 184 hộ với 656 khẩu, tập trung tại 3 kiệt 405, 407 Lê Duẩn và 54 Lý Thái Tổ - địa điểm này vẫn tiến hành phong tỏa cứng để tiếp tục sàng lọc, xét nghiệm. Còn lại sẽ tiến hành phong tỏa mềm, điều kiện đi kèm là đo thân nhiệt hàng ngày, xét nghiệm khi đủ 17 ngày và ngày thứ 21 để phòng ngừa dịch bệnh. “Nếu toàn bộ khu tam giác đủ 21 ngày không phát sinh ca nhiễm mới thì sẽ tiến hành gỡ phong tỏa hoàn toàn”, đại diện lãnh đạo UBND Q. Thanh Khê đề xuất. 

Liên quan đến vấn đề này, Bác sỹ Tôn Thất Thạnh- Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết thêm, trong vòng 14 ngày qua, CDC Đà Nẵng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 5 lần, tất cả đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Vì vậy, bác sỹ Thạnh đồng ý với đề xuất của UBND Q. Thanh Khê là đề nghị Ban Chỉ đạo TP xem xét thu gọn lại vùng phong tỏa để người dân xung quanh khu vực vùng lõi tam giác có thể trở lại cuộc sống bình thường; riêng vùng lõi là 3 kiệt nêu trên thì vẫn tiếp tục giữ nguyên phong tỏa, đến khi xác định an toàn mới tiến hành các biện pháp tiếp theo. 

Cũng tại cuộc họp, bác sỹ Thạnh thông tin thêm về nội dung mà dư luận những ngày gần đây đưa ra, đó là trường hợp ca nhiễm ghi nhận tại bệnh viện Đà Nẵng ngày 29-6 có phải là ca nhiễm cộng đồng, và liệu Đà Nẵng đã trải qua ngày thứ 10 hay là ngày thứ 2 không có ca nhiễm mới trong cộng đồng?.

Bác sỹ Thạnh cho rằng, hiện ở Đà Nẵng, việc tính 10 ngày, 15 ngày hay thậm chí 21 ngày có ca nhiễm cộng đồng hay không không quan trọng, cái chính là cơ sở để đánh giá mức độ an toàn để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp. Riêng trường hợp bệnh nhân ghi nhận tại bệnh viện Đà Nẵng, theo bác sỹ Thạnh, ngày 27-6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính và đến ngày 28-6, buổi chiều tiến hành lấy mẫu nhưng đến tối bệnh nhân mới vào bệnh viện chăm sóc người thân, đến sáng ngày 29 thì có kết quả dương tính. Điều này có thể khẳng định bệnh nhân là ca nhiễm trong cộng đồng. “Tuy nhiên mức độ lây nhiễm của ca này cho cộng đồng là rất thấp, thậm chí là không có”, bác sỹ Thạnh nhấn mạnh và lý giải:  khi vào bệnh viện, nếu có khả năng lây thì sẽ lây cho những người tiếp xúc trong bệnh viện, tuy nhiên, đến nay bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm liên tục nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính, kể cả người nhà bệnh nhân chăm sóc. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng khu vực bên ngoài nhưng tất cả đều âm tính; kể cả tại Quảng Nam, đến thời điểm này cũng chưa ghi nhận ca nhiễm mới liên quan đến bệnh nhân, trong đó có người nhà và những người từng tiếp xúc gần. “Có thể khẳng định, mức độ lây nhiễm cho cộng đồng của bệnh nhân này rất thấp, thậm chí không có”, bác sỹ Thạnh khẳng định.

Qua thông tin từ cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch mà Ban Chỉ đạo TP đã đề ra thời gian qua. Đối với Sở Y tế, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đặc biệt là Q. Thanh Khê để đánh giá lại tình hình dịch bệnh, lấy ý kiến của địa phương để xem xét nới lỏng bên ngoài khu vực phong tỏa tam giác Lê Duẩn – Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám, thu gọn lại phạm vi theo phương châm nới lỏng nhưng không lơi lỏng kiểm soát; đồng thời, đề xuất nới lỏng một vài hoạt động khi đủ điều kiện phòng, chống dịch để tham mưu Ban Chỉ đạo TP quyết định. Chỉ đạo Sở Giáo dục – Đào tạo chủ động phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan tiến hành xét nghiệm cho hơn 16 ngàn học sinh, giáo viên, cán bộ coi thi, phục vụ tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo đúng kế hoạch. Đề nghị UBND quận, huyện, các sở, ngành khẩn trương đề xuất các đối tượng, số lượng, thống nhất với ngành Y tế để xét nghiệm SARS-CoV-2 theo Kế hoạch 119 của thành phố.

DOÃN HÙNG