Xét nghiệm HIV sớm để hướng tới mục tiêu 90-90-90

Thứ năm, 30/11/2017 14:00

“Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” là chủ đề của Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017. Đây là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS hướng đến kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030...

Tư vấn xét nghiệm HIV lưu động cho nhân viên một cơ sở.

Mục tiêu 90-90-90 được hiểu là đến năm 2020, có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Những năm qua, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS TP Đà Nẵng đã tập trung mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, trong đó xác định mô hình xét nghiệm HIV lưu động là một hoạt động nhằm tăng tỷ lệ xét nghiệm HIV trên địa bàn thành phố đồng thời xem đây là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị nhằm góp phần thực hiện chỉ tiêu đầu tiên trong mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020.

Tính đến cuối tháng 9 năm 2017, thành phố Đà Nẵng phát hiện 2.172 người nhiễm HIV, trong đó 472 bệnh nhân tử vong do AIDS, 1.700 người nhiễm HIV còn sống, trong đó người của Đà Nẵng là 746 người. Theo Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc, Phụ trách Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Đà Nẵng: Để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, những năm qua Trung tâm đã triển khai hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV lưu động cho các nhóm nguy cơ cao tại các điểm cung cấp dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới... Trong đó, thông qua hoạt động tiếp cận cộng đồng, các đồng đẳng viên tiếp cận các cơ sở vui chơi giải trí có tiếp viên để thực hiện truyền thông cung cấp những kiến thức về HIV/AIDS, giới thiệu các dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS trên địa bàn thành phố, trong đó có hình thức tư vấn xét nghiệm HIV lưu động miễn phí. Bên cạnh đó, trung tâm thường xuyên mở các lớp tập huấn tư vấn, xét nghiệm HIV cho cán bộ y tế tại cơ sở xã phường. Hàng năm, Trung tâm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các phòng xét nghiệm HIV trên địa bàn, trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng công tác xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi nhất.

Việc tư vấn xét nghiệm HIV lưu động tại các điểm cung cấp dịch vụ được thực hiện theo đúng quy trình tư vấn trước và sau xét nghiệm, kết quả xét nghiệm HIV sẽ được trả cho khách hàng bảo đảm tính riêng tư, bí mật. Việc cung cấp thông tin, xét nghiệm HIV, trả kết quả được thực hiện ngay tại nơi tiến hành làm xét nghiệm đã tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại điều này giải  tỏa được tâm lý e ngại khi đến các phòng tư vấn xét nghiệm. Chính mô hình tư vấn xét nghiệm HIV lưu động, đã tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ một cách thuận lợi, từ đó tỷ lệ xét nghiệm HIV cũng tăng cao.

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm y tế (BHYT), đồng thời hỗ trợ bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV mua BHYT. Đến nay 100% số người Đà Nẵng đang điều trị ARV đã tham gia BHYT. Nhằm đảm bảo 100% số người nhiễm HIV được quản lý tại các phòng khám điều trị ngoại trú có thẻ BHYT và sử dụng thẻ khi tham gia điều trị, góp phần giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ lây nhiễm (đặc biệt, bắt đầu từ năm 2018 khi các dự án hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của tổ chức nước ngoài chấm dứt), Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS TP Đà Nẵng đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT nhằm giảm bớt gánh nặng chi trả trong việc điều trị bệnh.

 Trên thực tế, đối với người nhiễm HIV/AIDS, nguy cơ ốm đau và mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị nội trú với tần suất nhiều hơn bệnh khác, thêm vào đó điều trị bằng thuốc ARV dài hạn, liên tục và suốt đời nên tham gia BHYT là rất quan trọng. Chính vì nhận thức được điều đó, trên 95% số người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV tại các Phòng khám ngoại trú (chỉ còn một số ít bệnh nhân ngoại tỉnh chưa có BHYT do vướng các quy định về hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú) tương đương 100% số người Đà Nẵng đang điều trị ARV đã tham gia BHYT. Theo Bác sĩ Chung, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục rà soát danh tính người nhiễm HIV tại các địa phương trên địa bàn thành phố, đồng thời tăng cường công tác truyền thông để người nhiễm HIV nắm được quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế cũng như tiếp tục thanh toán kinh phí cho bệnh nhân mới tham gia BHYT, đảm bảo cho bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị liên tục, lâu dài một cách hiệu quả nhất.

TRANG TRẦN