Xét xử hai nguyên lãnh đạo TP Đà Nẵng: Tranh luận về việc giảm 10% tiền sử dụng đất

Thứ hai, 06/01/2020 09:13

Chiều 4-1, trong phần thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới đồng ý cho bán chỉ định, không qua đấu giá, đồng ý cho giảm 10% tiền sử dụng đất, giảm hệ số sinh lợi... Song bị cáo Minh không thừa nhận những chỉ đạo này là vi phạm pháp luật.

Bị cáo Trần Văn Minh tại phiên tòa.

Có được áp dụng Nghị định 38

Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, các bị cáo là cấp dưới của bị cáo Trần Văn Minh đều thừa nhận các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, khẳng định các sai phạm của họ xuất phát từ việc thực hiện các chủ trương, quyết định, chỉ đạo của bị cáo Trần Văn Minh với tư cách là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Trả lời thẩm vấn của Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Văn Minh cho biết 22 nhà đất công sản mà Viện Kiểm sát xác định có sai phạm và bị truy tố trong vụ án là tài sản nhà nước. Liên quan tới việc bán 22 nhà đất công sản này, bị cáo Trần Văn Minh cho rằng việc bị cáo ký các công văn liên quan đến việc cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất đối với các cá nhân, tổ chức đã nộp đủ tiền khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cho phép thay đổi tên người sử dụng đất là căn cứ vào Nghị định 38/2000/NĐ-CP ngày 23/8/2000 của Chính phủ. Trong Nghị định 38 có quy định giảm 20% hoặc cho nợ 5 năm tiền sử dụng đất, do đó việc lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định chỉ giảm 10% là đã thu lãi cho ngân sách nhà nước. Do vậy, bị cáo Minh cho rằng chỉ đạo của bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật.

Về điểm này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu rõ, Nghị định 38 hướng dẫn thực hiện theo Luật Đất đai năm 1993, trong khi toàn bộ 22 nhà đất công sản mà Viện Kiểm sát truy tố ở vụ án này được xác định sai phạm tính từ 2004 đến năm 2014, được áp dụng theo quy định của Luật Đất đai năm 2003. Mặt khác, Nghị định 38 đã được thay thế bằng Nghị định 198 năm 2004. Theo quy định của Nghị định 198 thì những người mua tài sản nhà nước không qua đấu giá thì không được giảm tiền sử dụng đất.

Trình bày tại tòa, Giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng nêu ý kiến: Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê để ở thì phải bán theo Nghị định 61, nếu bán theo Nghị định 61 thì người mua mới được giảm 10% giá bán với điều kiện thanh toán một lần ngay sau khi ký hợp đồng.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Minh đã ký ban hành Quyết định số 8712 ngày 1/11/2007 có quy định: “Đối với nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hiện do các tổ chức, cá nhân đang thuê ở, khi được UBND thành phố phê duyệt quyết định bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất theo diện công sản, nếu nộp tiền 1 lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký quyết định bán thì được giảm 10% tiền sử dụng đất (không giảm tiền nhà)”. Theo giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng, nội dung này là trái với Nghị định 61.

Tương tự ý kiến của Viện Kiểm sát, giám định viên Bộ Xây dựng cho biết: Nghị định 38 năm 2000 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, hết hiệu lực từ tháng 10-2004. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 198 thay thế Nghị định 38, quy định về thu tiền sử dụng đất, trong đó không quy định về miễn giảm tiền sử dụng đất như trường hợp mua bán nhà đất mà thành phố Đà Nẵng đã áp dụng.

Giám định viên Bộ Xây dựng cũng đã trích dẫn nội dung Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21-10-2008 sửa đổi bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg (ban hành ngày 19-1-2007) của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 140 quy định về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã quy định về 3 trường hợp được bán chỉ định, gồm: Hết thời hạn thông báo đấu giá, mà chỉ có 1 tổ chức, cá nhân đăng ký; Trong trường hợp xã hội hóa, vì mục đích giáo dục, y tế, thể dục thể thao…; Tổ chức, cá nhân đang thuê của cơ quan quản lý nhà nhà nước, nhưng nhà đất đó phải phù hợp với quy hoạch được duyệt và theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của các công ty có chức năng cho thuê nhà đất đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Cụ thể trong vụ án này, giám định viên kết luận: UBND thành phố Đà Nẵng chưa phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất mà đã bán chỉ định cho tổ chức, cá nhân đang thuê là trái với quy định của Quyết định 140/2008/QĐ-TTg.

Hai bị cáo xin thay đổi tội danh

Sáng 5-1, tiếp tục phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và đồng phạm về các tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", các luật sư bào chữa tham gia thẩm vấn các bị cáo và giám định viên. Trình bày lời khai tại Tòa, hai bị cáo Lê Anh Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty cung ứng Tàu biển Đà Nẵng) và Huỳnh Tấn Lộc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ phẩm Đà Nẵng) xin được thay đổi tội danh theo hướng giảm nhẹ hơn cho hai bị cáo.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc cho biết, Công ty cổ phần công nghệ phẩm Đà Nẵng được cổ phần hóa từ năm 2005. Hiện nay, Công ty là Công ty cổ phần không có vốn nhà nước. Trước khi chuyển thành công ty cổ phần, Công ty đã mua các tài sản trên đất tại mảnh đất số 37 Pasteur. Bị cáo Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, các tài sản trên đất không phải là tài sản công sản nữa mà là tài sản của công ty. Vì vậy, việc bị cáo bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219 - Bộ luật Hình sự năm 2015 là quá nặng. Theo bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nếu xác định bị cáo phạm tội thì cũng chỉ là tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại Điều 229 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tương tự, bị cáo Lê Anh Tuấn cũng xin được đổi tội danh từ Điều 219 sang Điều 229 – Bộ luật Hình sự năm 2015. Lý do bị cáo Tuấn đưa ra là sau khi mua nhà đất số 20 Bạch Đằng, nhà công sản trên mảnh đất đó đã bị xuống cấp, không sử dụng được nên Công ty của bị cáo đã đập nhà cũ đi, xây nhà mới trên đất đó và đã chuyển nhượng. Theo bị cáo Tuấn, nhà mới xây này là của Công ty bị cáo, không còn là nhà công sản nữa nên hành vi của bị cáo chỉ là “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Về hành vi của bị cáo Huỳnh Tấn Lộc và Lê Anh Tuấn, cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định: Lợi dụng việc được bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến phê duyệt chủ trương cho mua chỉ định các nhà, đất công sản do các Công ty này thuê làm trụ sở làm việc, Lộc và Tuấn đã bàn bạc, thỏa thuận với Phan Văn Anh Vũ để đứng tên xin mua chỉ định nhà, đất công sản, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, giảm 10% tiền sử dụng đất. Sau đó, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các nhà, đất công sản, Lộc và Tuấn đã ký văn bản đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất để giúp cho Phan Văn Anh Vũ đứng tên sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở tại 2 nhà, đất công sản không qua đấu giá, có giá trị cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trục lợi, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, Huỳnh Tấn Lộc đã giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất số 37 Pasteur, gây thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện, khởi tố, điều tra là hơn 112 tỷ đồng. Bị cáo Lê Anh Tuấn giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất số 20 Bạch Đằng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện, khởi tố, điều tra là hơn 264 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa đã nêu nhiều câu hỏi với giám định viên các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng định giá Trung ương. Đặt câu hỏi với đại diện Hội đồng định giá Trung ương, luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ hỏi về căn cứ nào để xác định giá nhà đất do Hội đồng định giá Trung ương đưa ra là giá thị trường đất?

Về nội dung này, đại điện Hội đồng định giá Trung ương nêu rõ: Quá trình định giá, Hội đồng phải thực hiện định giá theo những nguyên tắc và những phương pháp định giá theo quy định hiện hành. Cụ thể, liên quan đến nhà đất thì áp dụng theo phương pháp định giá đất theo hướng dẫn tại Thông tư 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thông tư số 145/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính tùy theo thời điểm định giá. Việc áp dụng theo các phương pháp này sẽ xác định được giá thị trường đất.

Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi: Quá trình giám định, cơ quan điều tra đề nghị xem xét lại một số kết luận giám định, theo ông việc này là như thế nào? Đại diện Hội đồng định giá Trung ương đã khẳng định: “Hội đồng chỉ thực hiện chức năng định giá, không tiến hành giám định, nên về nội dung này, đề nghị luật sư hỏi cơ quan giám định”.

Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Chiều 5-1, phiên tòa tạm nghỉ. Sáng 7-1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

TTXVN

Bị cáo Phan Văn Anh V ũ phủ nhận thân thiết với lãnh đạo

Sáng 4-1, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79) không thừa nhận có quan hệ thân thiết với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, trong khi trước đó nhiều bị cáo cho rằng bị cáo Vũ có mối quan hệ thân cận với lãnh đạo thành phố, thậm chí có bị cáo còn khai tạo điều kiện cho Vũ là do có sự giới thiệu của lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, bị cáo Phan Văn Anh Vũ khai không có quan hệ thân thiết với lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng. Bị cáo là doanh nghiệp nên không thể không biết tên tuổi của các lãnh đạo thành phố. Việc biết các đơn vị đang xin chuyển nhượng nhà đất công sản, muốn mua bán các dự án bất động sản là do Vũ nắm được qua nhiều kênh thông tin. Nếu cá nhân bị cáo xin mua thì bị cáo ký đơn, còn công ty xin mua thì công ty thì có tờ trình, tất cả các văn bản này đều được gửi theo đường văn thư đến UBND thành phố Đà Nẵng. Việc thanh toán tiền cũng như vậy, nếu là mua cho cá nhân thì bị cáo Vũ thanh toán, còn nếu của công ty mua thì công ty thanh toán.

Hội đồng xét xử đặt câu hỏi với bị cáo Vũ về việc tại sao trước đó nhiều bị cáo khai tại tòa là biết Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ thân cận với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Các bị cáo này cho biết đã ký vào các văn bản và phiếu trình, tạo điều kiện cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ được nhận chuyển nhượng các nhà đất công sản là theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng từng thời kỳ. Thậm chí, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ phẩm Đà Nẵng) còn khai, bị cáo quen biết bị cáo Phan Văn Anh Vũ do có sự giới thiệu của lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng.

Về việc này, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho rằng các bị cáo khai gì cũng phải có chứng cứ và một lần nữa khẳng định bị cáo có biết nhưng không có quan hệ thân thiết với lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng. Bị cáo Vũ cũng bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử làm rõ lời khai của bị cáo Huỳnh Tấn Lộc cho rằng bị cáo Lộc đã nhận chỉ đạo của lãnh đạo thành phố để bán lại nhà đất cho Vũ. Bị cáo Vũ khai không biết chuyện này và không gọi điện cho lãnh đạo nào để xin.

Khi chủ tọa phiên tòa hỏi: “Nếu bị cáo không viết đơn xin mua các dự án nhà đất thì lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và những người khác có bị xem xét về 2 tội danh này không?”, bị cáo Vũ không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ nói bị cáo chỉ là người đi mua, việc mua là theo thủ tục, còn bán sai quy định thì người bán phải chịu trách nhiệm. Bị cáo Vũ không thừa nhận tội danh theo cáo trạng truy tố.

Về chủ trương giảm 10% tiền sử dụng đất, giảm hệ số sinh lợi, bị cáo Vũ cho biết, thời điểm đó, bị cáo không nhận thức được chủ trương đó đúng hay sai, vì có rất nhiều người mua và được áp dụng chủ trương đó như bị cáo.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã công bố đơn của bị cáo Phan Văn Anh Vũ gửi Hội đồng xét xử đề nghị xem xét một số nội dung: Xem xét tài sản của bị cáo Vũ bị Cơ quan điều tra đang thu giữ; bị cáo Vũ không đồng ý với một số nội dung trong cáo trạng, không đồng ý việc kê biên một số tài sản.

Trong đơn, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cũng đề nghị không gọi bị cáo là Vũ “Nhôm” mà gọi đúng tên bị cáo là Phan Văn Anh Vũ. Về điểm này, Hội đồng xét xử chấp thuận và đề nghị các cơ quan báo chí không gọi tên bị cáo Phan Văn Anh Vũ là Vũ “Nhôm”.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, trong thời gian từ năm 2002 đến 2010, Phan Văn Anh Vũ đã thành lập 5 công ty để sử dụng tư cách pháp nhân các công ty này thực hiện hành vi mua nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Mặc dù biết rõ việc này nhưng nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh vẫn đồng ý và chỉ đạo cấp dưới hoàn thành thủ tục cho phép chuyển nhượng các nhà, đất công sản và các dự án đất không qua đấu giá hoặc áp dụng đơn giá chuyển quyền sử dụng đất thấp hơn giá do UBND thành phố Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ.

Chiều 4-1, đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục tham gia thẩm vấn các bị cáo.

TTXVN