Xét xử phúc thẩm vụ án tại PVC: Vũ Đức Thuận xin giảm hình phạt

Thứ ba, 08/05/2018 06:30

Chiều 7-5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi trong Phiên phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC. Nhiều bị cáo xin giảm hình phạt và trách nhiệm bồi thường dân sự, bên cạnh đó phần xét hỏi tập trung làm rõ liên quan đến những sai phạm tại Hợp đồng EPC số 33 của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Bị cáoVũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) là bị cáo đầu tiên thực hiện phần xét hỏi và giải trình liên quan đến nội dung kháng cáo. Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Vũ Đức Thuận 7 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; 15 năm tù về tội "Tham ô tài sản", tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 22 năm tù. Bản án sơ thẩm nhận định, bị cáo Vũ Đức Thuận với cương vị là Tổng Giám đốc PVC, mặc dù biết Hợp đồng số 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC (viết tắt Hợp đồng EPC số 33) của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chưa đủ điều kiện để ký kết nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC), ký kết Hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng và trực tiếp tham gia việc quyết định sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích. Ngoài ra, thực hiện yêu cầu của Trịnh Xuân Thanh, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút tiền từ Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng. Theo bản án sơ thẩm, cá nhân bị cáo Vũ Đức Thuận được ăn chia số tiền 800 triệu đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Đức Thuận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cả hình sự và trách nhiệm dân sự với lý do mức án sơ thẩm là quá nặng. Bị cáo Thuận cho rằng mình cũng không phải là chủ mưu của tội "Tham ô tài sản", không chỉ đạo, lập hồ sơ khống để tham ô tài sản, đã tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng điều tra nhưng không được cấp sơ thẩm xem xét; bên cạnh đó gia đình có truyền thống cách mạng. Bị cáo Vũ Đức Thuận cho biết thêm, gia đình bị cáo cũng đã nộp 375 triệu đồng để khắc phục hậu quả theo bản án sơ thẩm.

Bị cáo Vũ Đức Thuận thừa nhận, mặc dù Hợp đồng EPC số 33 chưa đầy đủ như chưa có thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và hồ sơ yêu cầu... nhưng bị cáo vẫn ký. Lý do là bởi thời điểm đó, tình hình tài chính của PVC rất khó khăn khi khoản vay ngân hàng 800 tỷ đồng đã đến hạn thanh toán và trả nợ. Ngoài ra, theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị phải góp vốn vào các đơn vị thành viên, chuyển tiền đến các công trình của PVC... Theo bị cáo Thuận, trước khi ký, bị cáo có lấy ý kiến Hội đồng Quản trị và được sự đồng ý của các thành viên Hội đồng Quản trị.

Bị cáo Vũ Đức Thuận lập luận, việc ký hợp đồng sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn cán bộ, nhân viên của PVC. Bị cáo ký hợp đồng với tư cách người đại diện theo pháp nhân, thực hiện theo chủ trương của tập thể chứ một mình bị cáo không thể quyết định được.

X.TÙNG – P.PHƯƠNG