Xét xử vụ án buôn tiền giả quy mô lớn

Thứ bảy, 08/02/2014 13:04

(Cadn.com.vn) - Cuối tháng 1-2014, TAND tỉnh Phú Yên vừa xét xử sơ thẩm vụ án “lưu hành tiền giả” được xem là lớn nhất từ trước đến nay tại Phú Yên, với nhiều đối tượng tham gia, thiết lập một đường dây vận chuyển liên tỉnh, kéo dài trong gần 1 năm.

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 22-1.

THIẾT LẬP  ĐƯỜNG DÂY TẠI TÂY HÒA

Theo hồ sơ vụ án được công bố, tháng 1-2013, anh Nguyễn Văn Hòa dẫn Nguyễn Thế Quân (1982, trú xã Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên) đến nhà Nguyễn Văn Pha (1954, trú xã Sơn Thành Tây, H. Tây Hòa) chơi. Tại đây, sau khi làm quen, Pha rủ Hòa và Quân đi Trung Quốc để dùng tiền Việt thật mua tiền giả đem về Phú Yên tiêu thụ kiếm lời. Thấy việc làm ăn bất chính, anh Hòa không tham gia, nhưng Quân nhận lời đề nghị của Pha. Đầu tháng 6-2013, Quân rủ thêm Trần Lê Tín Phát (1994) và Nguyễn Hữu Tính (1985, cùng trú xã Sơn Hà, Sơn Hòa) đi buôn tiền giả. Cả 2 nhận lời nên cùng bàn bạc và thống nhất là Pha sang Trung Quốc mua tiền giả về bán lại cho Quân và Phát đưa đi tiêu thụ. Cụ thể, Pha sẽ đổi lại cho Quân và Phát theo tỷ lệ 1-2, tức là 1 triệu đồng tiền thật lấy 2 triệu đồng tiền giả. Cách thức tiêu thụ của nhóm này là dùng tiền giả đi mua hàng hóa có giá trị nhỏ để được thối lại tiền thật.

Bàn bạc, thống nhất phương thức làm ăn, đầu tháng 7-2013, Pha vượt Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) sang Trung Quốc mua tiền giả. Phi vụ đầu tiên này, Pha mua 46 triệu đồng tiền giả, loại có mệnh giá 100.000 đồng và 200.000 đồng, hết 15 triệu đồng. Có “hàng”, Pha đón xe khách về xã Hòa Thành, Đông Hòa rồi và thông báo cho Quân và Phát đến nhà Pha để giao dịch. Như thỏa thuận, Pha mua 24 triệu đồng, Phát 22 triệu đồng tiền giả đem đi tiêu thụ. Cả hai đã “đổi” được 17,6 triệu đồng tiền giả cho các cửa hàng bằng hình thức mua hàng để nhận tiền thối lại, sau đó “đổi” cho Tính 4,4 triệu để Tính đem đi tiêu thụ hưởng chênh lệch.

Phi vụ đầu tiên “xuôi chèo mát mái”, thấy dễ ăn, cuối tháng 7-2013, Pha tiếp tục sang Trung Quốc mua tiền giả. Trước khi đi, Quân đưa trước cho Pha 3 triệu đồng, Phát 1,5 triệu đồng tiền thật để Pha mang sang mua tiền giả. Lần này Pha dùng 7 triệu đồng tiền thật mua 20 triệu đồng tiền giả, loại mệnh giá 100.000 và 200.000 đồng. Pha đưa tiền giả về “đổi” lại cho Quân và Phát mỗi người 10 triệu đồng đem đi tiêu thụ. Riêng Phát tiếp tục bán lại cho Tính 3 triệu đồng tiền giả.

Hầu hết số tiền giả các đối tượng buôn bán có mệnh giá 200.000 đồng.

MỞ RỘNG QUY MÔ

Đầu tháng 8-2013, Quân đến nhà vợ chồng chị ruột là Nguyễn Thị Lệ Hiền (1977) - Nguyễn Văn Thúy (1976, trú xã Sơn Hà), vợ chồng Nguyễn Văn Châu (1979) - Nguyễn Thị Thủy (1979, trú xã Sơn Hà (Thủy là em ruột của Thúy) nhưng mục đích chính là mở rộng, kết nạp thêm thành viên vào đường dây làm ăn phi pháp của mình. Sau khi thăm dò, Quân cho mọi người biết mình đang tiêu thụ tiền giả kiếm lời cũng như chỉ rõ cách thức tiêu thụ, tỷ lệ “đổi” tiền. Để tăng thêm sức thuyết phục, Quân đưa cho Hiền và Châu xem một số tiền giả và khẳng định như đinh đóng cột rằng không ai có thể phát hiện ra đó là tiền giả, đó là cách làm giàu nhanh chóng, lại khỏe. Vốn lười lao động, lại nghe Quân “thuyết” ngọt nên 2 cặp vợ chồng Hiền và Châu xin tham gia vào đường dây lưu hành tiền giả này.

Có thêm thành viên, Quân liên lạc với Pha thì được Pha cho biết ngày 22-8 sẽ sang Trung Quốc mua tiền giả. Vậy là vợ chồng Hiền đưa cho Quân 4 triệu đồng, vợ chồng Châu 5 triệu đồng tiền thật để chuyển cho Pha. Đúng hẹn, ngày 22-8, Quân hẹn Pha tại một quán cà-phê và đưa cho Pha 10 triệu đồng tiền thật. Sau đó, Pha bỏ thêm 21 triệu đồng tiền thật nữa rồi sang Trung Quốc mua 103,8 triệu đồng tiền giả. “Gom” được số “hàng” lớn, Pha khẩn trương đón xe khách đem về Phú Yên.

PHÁ ÁN

Qua công tác nắm tình hình, tháng 5-2013, các TS CAH Tây Hòa, Phú Yên nắm được nguồn tin do một số người bán vé số phản ánh rằng họ thường xuyên bị một số đối tượng lừa mua vé số bằng tiền giả loại mệnh giá 100.000 đồng và 200.000 đồng. Thông tin này nhanh chóng được báo cáo cho lãnh đạo CAH Tây Hòa và rất nhanh chóng, một chuyên án đã được xác lập. Từ những tài liệu TS thu thập được, BCA nhận thấy Nguyễn Văn Pha là đối tượng tình nghi số 1 trong đường dây lưu hành tiền giả. Từ đó, mọi di biến động của đối tượng được TS trong BCA theo sát. Khẩn trương thu thập, củng cố chứng cứ, các TS có đủ cơ sở khẳng định Pha là đối tượng cầm đầu đường dây, nhưng việc bắt giữ phải được tính toán kỹ nhằm phục vụ công tác đấu tranh tiếp theo.

Trong khi BCA đang khẩn trương hoàn tất những thông tin, chứng cứ cho việc phá án thì thông tin từ TS báo về, ngày 22-8, Pha sẽ đi lấy “hàng”. Theo lịch trình của Pha mà TS nắm được thì ngày 29-8, Pha sẽ đưa “hàng” về Phú Yên. Kế hoạch bắt Pha được vạch ra với 5 tổ TS được bố trí dọc QL1A và QL29 theo lộ trình Pha sẽ về nhà. Quả nhiên, Pha xuống xe tại ngã tư tuyến tránh QL1A với ĐT645, sau đó đón xe buýt về nhà. Khi Pha vừa bước xuống xe buýt thì các TS ập đến bắt giữ cùng tang vật. Cùng lúc này, Quân trên đường ra đón Pha cũng bị một mũi TS khác bắt giữ. Sau khi hoàn tất hồ sơ ban đầu, CQĐT CAH Tây Hòa chuyển giao đối tượng, tang vật cho Cơ quan ANĐT CA tỉnh Phú Yên thụ lý theo thẩm quyền.

Ngày 25-11-2013, VKSND tỉnh Phú Yên đã có cáo trạng truy tố đối với Nguyễn Văn Pha, Nguyễn Thế Quân, Trần Lê Tín Phát, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Thị Lệ Hiền, Nguyễn Văn Thúy, Nguyễn Văn Châu và Nguyễn Thị Thủy về tội “Lưu hành tiền giả”. Riêng Nguyễn Văn Hòa, Cơ quan ANĐT CA tỉnh Phú Yên xử lý hành chính…

Trong quá trình chờ TAND tỉnh Phú Yên đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, vào lúc 23 giờ ngày 3-1-2014, Trực ban Cảnh sát bảo vệ Trại tạm giam Công an nghe tiếng kêu của một số phạm nhân đang tạm giam ở buồng số 3A nên khẩn trương kiểm tra và phát hiện can phạm Nguyễn Văn Pha có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe. Sau khi nhân viên y tế sơ cứu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên để cấp cứu nhưng đã tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi đã xác định nguyên nhân Nguyễn Văn Pha tử vong là do bệnh lý nhồi máu cơ tim, xuất huyết não. Sau đó, thi thể của Nguyễn Văn Pha được chính quyền địa phương và gia đình tổ chức mai táng.

TRẢ GIÁ

Ngày 22-1-2014, TAND tỉnh Phú Yên đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Sau khi xem xét toàn bộ chứng cứ, tài liệu cũng như lời khai nhận của các bị cáo, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, HĐXX nhận định: Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi của bị cáo tiêu thụ tiền giả nhằm thu lợi bất chính là nguy hiểm cho xã hội, việc lưu hành tiền giả không chỉ gây thiệt hại cho nhiều người dân, mà còn ảnh hưởng đến an ninh kinh tế. Vì vậy, tội phạm do các bị cáo thực hiện là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm quyền quản lý tài chính của Nhà nước về tiền tệ, gây rối loạn an ninh tiền tệ.

Do đó, cần phải có bản án nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Kết thúc phiên xử, tòa tuyên phạt 7 bị cáo tổng cộng 27 năm 6 tháng tù về tội “Lưu hành tiền giả”. Trong đó, Nguyễn Thế Quân 8 năm tù; Trần Lê Tín Phát 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Văn Châu 3 năm tù; Nguyễn Hữu Tính 3 năm tù; Nguyễn Văn Thúy 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Thủy 3 năm tù (hưởng án treo) và Nguyễn Thị Lệ Hiền 2 năm 6 tháng tù (hưởng án treo).

P.V