Xét xử vụ mua bán gần 2 kg ma túy từ Lào sang Việt Nam: 2 bị cáo có oan?

Thứ sáu, 17/07/2015 10:45

(Cadn.com.vn) - Sau nhiều lần hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 15 và 16-7, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử đối với các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Lan (1958, trú thôn Nhuế, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), Trần Thị Bích Liên (1974, trú P.Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Noy (Vientiane - Lào) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy".

Bị cáo phản cung

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vào hồi 22 giờ ngày 14-11-2012, Cơ quan CSĐT Bộ CA phối hợp với CATP Đà Nẵng bắt quả tang Lan, Liên, Noy có hành vi mua bán trái phép 1.968,1 gam Methamphetamine từ Lào về Đà Nẵng và vận chuyển ra Hà Nội để tiêu thụ. Trong vụ án này Nguyễn Thị Ngọc Thanh (em gái của Lan, trú tại Lào) là chủ mưu cung cấp ma túy và cùng với  Lan, tổ chức đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Liên và Noy là những người tích cực thực hiện hành vi phạm tội.

Trong quá trình bị điều tra cũng như tại Tòa, bị cáo Lan một mực kêu oan. Bị cáo cho biết, bị cáo là người được Liên rủ đi vào Đà Nẵng để đi du lịch. Đến khi Liên bị bắt tại ga tàu, vì bất ngờ nên khi bị cáo hỏi "con dâu tôi bị làm sao thế" thì được mời theo về làm việc, lập biên bản. Lúc này bị cáo mới biết rằng trong túi hàng hóa mà Liên xách để lên tàu có chứa ma túy. Dự định chuyến đi vào Đà Nẵng chơi 3-4 ngày, tuy nhiên mới đến ngày hôm trước hôm sau Liên nói với bà Lan, dì Thanh ở bên Lào có gửi về cho Liên 40.000 USD, có người mang đến khách sạn. Vì nhiều tiền nên không thể ở lại chơi lâu cũng không thể đi bằng máy bay nên Liên đề nghị đi bằng tàu để về lại Hà Nội.

Các bị cáo tại tòa.

Ngược lại, bị cáo Liên trả lời rất rành rọt, đặc biệt nhận lỗi từ đầu đến cuối nhưng bị cáo cho rằng mình phạm tội vì làm theo sự chỉ đạo của bị cáo Lan. Theo đó, bị cáo Liên nói bà Lan là người gọi điện rủ mình cùng con trai vào Đà Nẵng chơi và nhận ma túy của dì Thanh gửi từ Lào về, bị cáo đồng ý và đi theo. Khi xuống máy bay, Lan, Liên và con của Liên đi taxi đến khách sạn Lousi (Hùng Vương). Tại đây, cả ba thuê phòng 301 ở và quá trình liên lạc với nhau qua điện thoại, Liên đã đón 2 người đàn ông sau này xác định là bị cáo Noy và người đàn ông tên Ngô Văn Khởi theo chỉ đạo của Lan để nhận ma túy. Sau khi nhận ma túy xong thì Liên cùng con trai của mình ra xe taxi, lúc này Lan đã ngồi đợi sẵn ở đó. Bị cáo Liên khẳng định mình chỉ làm theo sự chỉ đạo của bị cáo Lan.

Riêng bị cáo Noy, vì là người có quốc tịch Lào, không thông thạo tiếng Việt nên ngay sau khi được phiên dịch bản cáo trạng, cũng như công bố lời khai hỏi cung của bị cáo trước đây, bị cáo cho rằng hoàn toàn không đúng sự thật. Theo bị cáo, ở Lào bị cáo quen bà Thanh và được bà Thanh hứa dẫn sang Việt Nam để khám chữa bệnh đau lưng. Vì không thể đi nên bà Thanh nói với Noy lần này có Khởi qua Việt Nam nên đi cùng để Khởi phiên dịch. Sau đó bà Thanh có cho Noy 200 baht tiền Thái Lan để đi đường. Noy và Khởi đến Đà Nẵng, gặp Liên và được đưa lên phòng 301 khách sạn Lousi, Khởi đưa cho Liên một túi xách và sau đó cả hai bị bắt tại đây. Bị cáo Noy khẳng định mình không khai những lời như trong các bút lục. Và bị cáo yêu cầu phải có Khởi, vì tất cả những việc làm này đều do Khởi thực hiện. Bị cáo Noy còn đề nghị được chuyển vụ việc để cơ quan chức năng Lào điều tra xem xét, không để lọt Khởi trong vụ án này.

Luật sư không thống nhất nội dung cáo trạng

Qua phần xét hỏi công khai đối với 3 bị cáo, đại diện VKS phát biểu quan điểm và bản luận tội đối với các bị cáo. Theo đó đại diện VKS khẳng định nội dung bản cáo trạng của VKSND Tối cao hoàn toàn có căn cứ. Trên cơ sở đó, xác định bị cáo Lan là người chủ mưu, điều hành mọi việc, Liên và Noy là đồng phạm. Trong vụ án này, Lan và Noy không thành khẩn khai báo, liên tục kêu oan gây cản trở cho quá trình điều tra. Với tính chất và mức độ phạm tội, đại diện VKS đã đề nghị mức án 20 năm tù cho bị cáo Liên và chung thân cho bị cáo Lan và Noy.

Tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho bị cáo Lan có 3 Luật sư (LS). Cả 3 LS đều đồng quan điểm không thống nhất với nội dung của bản cáo trạng và không đồng tình với nội dung luận tội của vị đại diện VKS. Các LS khẳng định, các nội dung trong bản cáo trạng đã mô tả các hành vi của bị cáo Lan không phù hợp với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ. Việc quy kết và buộc tội của nội dung bản cáo trạng là trái ngược với nguyên tắc xác định sự thật của vụ án được quy định tại Điều 10, 72 BLHS. Trên cơ sở này, LS đã đưa ra những nội dung đề nghị HĐXX xem xét: Thứ nhất, bị cáo Lan không hề gọi điện thoại cho Liên vào trưa ngày 12-11-2012 và cũng không đề xuất bảo Liên đi Đà Nẵng nhận ma túy. Từ lời khai của Lan có trong hồ sơ vụ án cũng như trước tòa, đều thể hiện Liên là người rủ bị cáo đi Đà Nẵng du lịch. Lan là người điện thoại đến phòng vé để đặt vé máy bay cho 3 người, lúc đó là 8 giờ ngày 12-11-2012. Lời khai này phù hợp với các list điện thoại và đây là chứng cứ phù hợp với thời gian. Trong khi đó Liên khai sau khi ngủ trưa dậy (12-11-2012) Lan điện thoại rủ Liên đi Đà Nẵng nhận ma túy. Lời khai này không có căn cứ bởi theo list điện thoại thể hiện thì không có cuộc điện thoại nào của Lan gọi cho Liên sau buổi trưa, và Lan gọi cho phòng vé máy bay sau trưa ngày 12-11-2012. Cáo trạng quy buộc cho bị cáo Lan bằng lời khai duy nhất của bị cáo Liên  là không phù hợp với nguyên tắc chứng minh tội phạm quy định tại Điều 72 BLHS.  Các LS cũng cho rằng, bị cáo Lan không thực hiện hành vi liên hệ với những đối tượng giao ma túy tại Đà Nẵng như cáo trạng nêu. Tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã chứng minh không có cuộc điện thoại nào bị cáo Lan gọi cho Thanh ở bên Lào sau khi nhận phòng 301 và Lan không chỉ đạo cho Liên mua 2 sim điện thoại ở Đà Nẵng.

Cũng theo các LS, căn cứ lịch sử liên lạc thể hiện Liên đã sử dụng số điện thoại có số đuôi 839 từ thời điểm 12 giờ 25 ngày 13-11-2012 khi Liên còn ở Hà Nội, Liên đã dùng số điện thoại này để liên lạc suốt thời gian từ ở sân bay Nội Bài và tại Đà Nẵng với các đối tượng giao nhận ma túy. Tại khách sạn Lousi, Liên đã gọi cho Thanh để biết được địa điểm liên hệ. Cáo trạng đã không sử dụng chứng cứ này để chứng minh sự thật và hành vi cụ thể mà Liên thực hiện...

Ngoài ra, tại hồ sơ thể hiện Liên hơn 10 lần gọi điện thoại cho Thanh và ngược lại, trong khi đó số điện thoại của bà Lan không thể hiện điều này. Các luận cứ mà LS đưa ra chứng minh bị cáo Lan không phải là người rủ Liên đi Đà Nẵng nhận ma túy vào trưa 12-11-2012. Lan không chỉ đạo Liên mua 2 sim điện thoại để sử dụng vào việc trao đổi giao nhận ma túy. Thanh ở bên Lào không liên lạc bằng điện thoại với Lan từ trước khi đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng đến khi bị bắt bị cáo Lan không phải là đối tượng để Thanh giao dịch. Lan không biết Noy và Khởi vào Việt Nam và đến khách sạn để chỉ đạo Liên.

Bên cạnh đó, LS cũng đã nêu ra sự thay đổi vô lý trong quá trình trả hồ sơ điều tra bổ sung như, cùng một bút lục song có chèn thêm người phiên dịch, Bút lục bổ sung có chữ ký của Khởi ở các trang trong khi trước đó không hề có, và quá trình xét xử nhiều lần hoãn yêu cầu triệu tập Khởi nhưng không thể tìm ra?... LS đề nghị HĐXX áp dụng quy định của pháp luật về nguyên tắc chứng minh tội phạm để xem xét không chấp nhận những nội dung của bản cáo trạng không đúng sự thật khách quan, không phù hợp với những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ để tuyên bố không đủ căn cứ buộc tội bị cáo Lan.

LS bào chữa cho bị cáo Noy cũng không thống nhất về nội dung bản cáo trạng vì cho rằng khi thả Khởi, không có ai để đối chất. Noy khai rằng nội dung tại các bút lục đều không đúng sự thật. Khi bị bắt Khởi lại là người phiên dịch cho Noy nên như vậy hoàn toàn không khách quan...

Đại diện VKS đối đáp ý kiến LS, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố về tội danh đối với các bị cáo. Sau khi xem xét, HĐXX đã bác các quan điểm bào chữa của các LS, đồng tình với bản luận tội của VKS, vì vậy tuyên phạt bị cáo Lan mức án tù chung thân, bị cáo Liên 18 năm tù và bị cáo Noy  20 năm tù cùng về tội "Mua bán trái phép chất ma túy".

Trang Trần