Xin đừng làm mất đi nét cao quý của nghề giáo

Thứ ba, 13/10/2015 12:25

(Cadn.com.vn) - Vụ cháu bé 14 tháng tuổi bị 3 bảo mẫu của cơ sở giáo dục mầm non tư thục Sơn Ca (Đồng Hới, Quảng Bình) bạo hành, được chính ba mẹ cháu phát hiện phản ánh trên facebook cùng vụ cháu bé 2 tuổi ở Văn Quan (Lạng Sơn) thò tay vào thùng rác nhặt rác ăn do bị cô giáo nhốt ngoài cửa lớp vì khóc quấy, rồi vụ bảo mẫu ở một trường mầm non tư thục Hà Nội dùng tay tát cháu bé 17 tháng tuổi vì “cái tội” ăn chậm... đầu tháng 10 vừa qua đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Xâu chuỗi các vụ việc liên quan đến hành vi bạo hành trẻ của giáo viên, bảo mẫu trong thời gian qua, có thể thấy, đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức nghề giáo...

Trẻ em như búp trên cành, phải chăm sóc, dạy dỗ, rèn nết ăn, nết ngủ, các kỹ năng sống
bằng tất cả lòng yêu thương và trách nhiệm của người thầy (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: P.T

1. Thực tế diễn ra trong môi trường giáo dục hiện nay cho thấy, phụ huynh và xã hội ngày càng thiếu tin tưởng vào môi trường GD-ĐT nước nhà, đặc biệt là ở bậc tiểu học (TH) và mầm non (MN). Nếu như với bậc THCS và THPT, phụ huynh hay ta thán về thực trạng thầy cô tìm mọi cách để “đì” HS, nếu không đi học thêm các môn do thầy cô dạy, thì đối với bậc TH và MN lại là vấn đề lạm thu và bạo hành...

Tại sao hiện tượng phụ huynh “nói xấu” sau lưng thầy, cô giáo ngày một nhiều? Tại sao lòng tin vào đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên giữ trẻ ngày một giảm sút? Điều này, bản thân những người đang công tác trên lĩnh vực này phải nghiêm túc nhìn lại chính mình. Đừng bao biện và quy chụp xã hội quá định kiến với nghề giáo. Có câu: “Không có lửa làm sao có khói?”. Nếu như các thầy, cô giáo luôn xác định được đạo đức là một trong những phẩm chất hàng đầu của nghề giáo, luôn hết lòng vì HS thân yêu thì tin chắc rằng, sẽ không bao giờ phụ huynh, xã hội “nói hành, nói tỏi”...

Không phải ngẫu nhiên mà nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh là nghề cao quý. Bởi những người thầy đang gánh trên vai trọng trách “trồng người”, đào tạo ra những chủ nhân tương lai cho đất nước. Bên cạnh kỹ năng sư phạm tốt, một trong những yêu cầu tối thượng của người thầy chính là phẩm chất đạo đức. Người thầy chính là tấm gương để HS noi theo. Ngược lại, HS chính là tấm gương phản chiếu lại hình ảnh người thầy và phương pháp giảng dạy của họ. 

Ai cũng hiểu và luôn trân trọng, cảm thông với những vất vả, nhọc nhằn của các thầy cô giáo, nhất là đối với cô giáo, bảo mẫu bậc MN, nhà trẻ. Bởi ở độ tuổi này, các em chưa ý thức được điều gì. Chính vì vậy mà công việc chăm sóc, dạy dỗ, rèn cho trẻ nết ăn, nết ngủ, đi vào khuôn khổ, nề nếp là một công việc vô cùng vất vả, nhọc nhằn. Nếu không có tình thương yêu, tinh thần trách nhiệm thì khó lòng đảm đương được công việc này. Nhất là ngày nay do được chăm sóc trong điều kiện tốt hơn, được ba mẹ chiều chuộng nhiều hơn nên có không ít trẻ rất khó dạy bảo, khó rèn vào khuôn phép... Chính điều này gây áp lực không nhỏ cho các cô giáo, bảo mẫu. Áp lực công việc, tiền lương chưa thật tương xứng với công sức bỏ ra là nguyên nhân chính dẫn đến những tiêu cực đã xảy ra trong môi trường giáo dục ở 2 bậc học này... Tuy nhiên, không thể vin vào những điều này để đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp. Khi quyết định chọn nghề giáo, mỗi thầy cô phải xác định và phải chấp hành đúng các quy chuẩn sư phạm do ngành đặt ra. Theo đó, quy chuẩn mô phạm, đạo đức nghề nghiệp phải được đặt lên làm đầu.

2. Thực tế cũng cho thấy, không phải đến bây giờ ngành GD-ĐT mới nhìn thấy thực trạng đáng buồn này của ngành. Từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã có Quyết định số 16 ban hành quy định về đạo đức nghề giáo, đồng thời phát động phong trào thi đua “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, hay phong trào “Trường học thân thiện, HS thân thiện”. Cũng không phải ngẫu nhiên khi trong mùa tuyển sinh vừa qua, có 7 trường ĐHSP trên cả nước đã kèm tiêu chí thí sinh muốn đỗ vào ngành SP thì ngoài điểm số cần phải có hạnh kiểm của 3 năm THPT từ khá trở lên... Điều này đã phần nào nói lên được tính cấp bách của vấn đề đạo đức trong môi trường giáo dục hiện nay.

Bất kỳ thời đại nào cũng vậy, nghề giáo luôn được xã hội tôn trọng. Để đáp lại sự tôn trọng ấy, thiển nghĩ, ngoài việc các cơ sở đào tạo những nhà giáo tương lai luôn chú trọng đến việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp thì bản thân mỗi sinh viên sư phạm ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường và cả những thầy cô đang giảng dạy, chăm sóc trẻ trong các cơ sở trường học phải không ngừng tự rèn mình, răn mình. Đừng bao giờ viện dẫn lý do, hoàn cảnh để hành xử trái với đạo đức nghề giáo! Người viết cũng hy vọng đây chỉ là những trường hợp cá biệt, những “con sâu làm rầu nồi canh”. Xin hãy trân quý, gìn giữ nét cao quý của hai chữ “Nghề giáo” mà xã hội luôn tôn vinh.

P.Thủy