Xoay xở trước "cơn bão" giá

Thứ bảy, 25/06/2022 18:33
Sau hơn 2 năm "lên bờ xuống ruộng" với đại dịch COVID-19, từ đầu năm 2022 đến nay, người dân và doanh nghiệp càng thêm khó khăn chồng chất khi lạm phát ngày càng gia tăng, giá cả leo thang, nhất là giá tiêu dùng, nguyên vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu. Người dân và doanh nghiệp xoay xở thế nào trước "cơn bão" giá để ổn định cuộc sống và sản xuất, kinh doanh?
Đầu tư máy khắc gỗ mỹ nghệ tự động để tiết giảm chi phí nhân công ở Xí nghiệp Mộc Hùng Nga.
Đầu tư máy khắc gỗ mỹ nghệ tự động để tiết giảm chi phí nhân công ở Xí nghiệp Mộc Hùng Nga.

Tiết kiệm là quốc sách

Đó là lời đầu tiên từ cửa miệng anh Trần Quốc Vinh, ở P.Xuân Hà (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng), làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, khi được chúng tôi hỏi anh về thu nhập, đời sống hiện nay như thế nào trước việc vật giá leo thang. Anh Vinh bộc bạch: "Thời buổi "thóc cao, gạo kém", trong khi đó, thu nhập giảm sút nên gia đình tôi nói chung, bản thân tôi nói riêng "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm mạnh chi tiêu mới có thể ổn định đời sống được". Anh Vinh đơn cử như trước đây, hàng ngày, khi đến nhà máy, anh đi bằng xe gắn máy, nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng liên tục tăng cao nên anh chọn đi bằng phương tiện xe buýt để tiết kiệm tiền xăng. Hay như trước đây, khi đi làm, anh thường ăn uống buổi sáng buổi trưa ngoài hàng quán thì nay anh bới theo cơm nước để giảm tiền chi tiêu ăn uống hàng ngày.

Dù có thu nhập ổn định nhưng anh Bùi Thanh Quang, ở P.Bình Hiên (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng), chuyên môi giới, buôn bán bất động sản ở khu vực Hòa Xuân (P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ) và Nam Hòa Xuân (P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn) vẫn cắt giảm chi tiêu, tiêu dùng hàng ngày của gia đình lẫn bản thân anh. Anh Quang cho biết, trước đây, khi nghỉ trưa hoặc khi đi ngủ, gia đình anh thường bật điều hòa thì nay thay bằng quạt máy để tiết kiệm tiền điện, chỉ khi nào trời nóng quá mới dùng điều hòa. Nhờ đó, trong vài tháng trở lại đây, mỗi tháng, gia đình anh tiết kiệm hơn 1 triệu đồng tiền điện. "Trước đây, khi hành nghề, hàng ngày, tôi thường dử dụng ô-tô làm phương tiện đi lại, nay sử dụng xe gắn máy nhiều hơn để tiết kiệm tiền xăng, chỉ khi nào có khách hàng mua đất, tôi mới sử dụng ô-tô để hỗ trợ khách đi lại", anh Quang chia sẻ thêm.

Cắt giảm tối đa chi phí

Với doanh nghiệp, "cơn bão" giá còn gây khó khăn, áp lực hơn gấp bội. Qua tìm hiểu tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng, chúng tôi được biết, để xoay xở trước "cơn bão" giá, nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi phương pháp tính toán, điều tiết để kiểm soát giá thành sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất đưa tất cả chi phí phát sinh vào giá bán… Trong đó, giải pháp hàng đầu là cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết, tối ưu hóa chi phí nhằm mục tiêu hướng đến việc đảm bảo rằng công ty nhận lại được nhiều hơn những gì đã chi ra hoặc thu về nhiều lợi nhuận nhất. Đồng thời, các nỗ lực tối ưu hóa chi phí của doanh nghiệp phải không ảnh hưởng đến chất lượng hay phạm vi cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đang kinh doanh mà vẫn duy trì hoặc nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Ông Trần Minh Dõng - Chủ tịch HĐQT Viettronimex Đà Nẵng, cho biết: Trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị này đã cân nhắc tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, tránh mua những vật dụng văn phòng không cần thiết. Với Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ thì cho thanh lý các nguyên vật liệu thừa, đồng thời tìm cách sử dụng phế phẩm để tạo ra các sản phẩm dệt may mới như khẩu trang vải kháng khuẩn. Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Hải Vân là doanh nghiệp vận tải hành khách sở hữu hàng trăm phương tiện vận tải nên hàng năm, chi phí xăng dầu và chi phí mua bảo hiểm cho phương tiện và người ngồi trên xe chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp. "Để giảm tối đa chi phí, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm xăng dầu trong quá trình chạy xe, về chi phí dành cho bảo hiểm, chúng tôi lựa chọn nhà cung cấp mức phí bảo hiểm cạnh tranh nhất", ông Hồ Văn Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Hải Vân cho biết thêm. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp tìm giải pháp tiết kiệm chi phí nhờ vào việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số. Đơn cử, như Công ty TNHH Phần mềm A.T, chuyên gia công phần mềm cho khách hàng nước ngoài, bắt đầu từ năm 2021, doanh nghiệp này đã trả lại đến 3/4 diện tích mặt bằng thuê để làm việc, chỉ giữ lại 1/4 mặt bằng thuê để làm văn phòng, tất cả các bộ phận còn lại làm việc theo hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp đến văn phòng công ty như trước đây nên đã tiết kiệm một khoản chi phí khá lớn nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu như Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Hương Quế, trước sức ép chi phí sản xuất, giá nguyên vật liệu đầu vào và vận chuyển tăng mạnh, doanh nghiệp này đã chủ động đàm phán với đối tác, khách hàng nước ngoài điều chỉnh lại giá trên hợp đồng kinh tế đã ký. "Thời gian qua, giá một số nguyên liệu đầu vào của công ty tăng từ 10 - 20% như vải, đế làm dép và quế tăng hơn 20%.... đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của doanh nghiệp. "Chúng tôi chủ động làm việc với khách hàng về vấn đề tăng giá sản phẩm theo hướng giá tăng nhẹ. Doanh nghiệp chịu bớt một phần lợi nhuận và đối tác cũng như vậy để đảm bảo hài hòa cả hai bên", ông Nguyễn Xuân Sơn - Tổng Giám đốc công ty này cho biết. Một doanh nghiệp xuất khẩu khác là Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng thì chọn giải pháp đầu tư máy móc công nghệ sản xuất hiện đại để tăng năng suất lao động, giảm chi phí giá thành. "Chúng tôi liên tục đầu tư máy móc sản xuất, riêng năm 2022, chúng tôi đầu tư thêm khoảng hơn 8 tỷ đồng cho máy móc thiết bị để giảm bớt sức lao động nhưng tăng khả năng đáp ứng đơn hàng xuất khẩu cho đối tác", ông Huỳnh Trinh - Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng thông tin thêm.

PHÚ NAM