Xử lý an toàn 150.000m3 bùn đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Thứ tư, 07/11/2018 09:52

Ngày 6-11, Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701) phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo quốc tế về kết quả hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ thực hiện dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cùng các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia tham quan khu vực hình ảnh ghi lại quá trình xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Theo Đại tá Phạm Quang Vũ - cán bộ phụ trách dự án của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng do Bộ Quốc phòng phê duyệt vào tháng 4-2011, Bộ Tư lệnh Phòng không không quân làm chủ đầu tư phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện Dự án từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 60 tỷ đồng, nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ khoảng 110 triệu USD. Dự án sử dụng phương pháp khử hấp thụ nhiệt tại chỗ, nguyên lý khử hấp thu nhiệt trong mỗ IPTD xử lý đất bùn. Công việc xử lý bắt đầu từ năm 2012 với nhiệm vụ lắp hệ thống xử lý nhiệt, vận hành và lấy mẫu xác nhận kết quả xử lý và làm nguội, sau đó vận chuyển đất ra khỏi mố hấp thụ nhiệt.

Kể từ năm 2016, dự án bắt đầu vận chuyển đất, bùn đã khô vào mố xử lý, sau đó tiến hành lưu chứa đất nhiễm dioxin dôi dư có nồng độ thấp tại khu vực Tây - Nam sân bay Đà Nẵng và bàn giao cho Sư đoàn 372 quản lý. Từ tháng 3 đến tháng 10-2018, dự án thực hiện dọn dẹp công trường và phục hồi cảnh quan môi trường. Trong 6 năm qua, dự án đã thực hiện xúc đào tổng cộng 150.000m3 đất và bùn nhiễm dioxin, trong đó đã xử lý triệt để được khoảng 90.000 m3, cô lập an toàn khoảng 50.000 m² bùn đất ô nhiễm dioxin dưới ngưỡng cần xử lý, giải phóng 29ha diện tích đất hồ, ao ô nhiễm đưa vào phục vụ việc mở rộng sân bay, phát triển KT-XH của thành phố Đà Nẵng.

Trong khi đó, ông Anthony Kolb - Trưởng nhóm xử lý môi trường của USAID phụ trách dự án khẳng định, dù đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai vì đây là một công nghệ mới  mẻ nhưng với sự hợp tác của các cơ quan, dự án xử lý dioxin lớn nhất từ trước tới nay tại Việt  Nam đã hoàn thành an toàn. "Chúng ta đã có hơn 27.000 giờ tập huấn cho nhân công, hơn 1,2 triệu giờ làm việc không có chấn thương, không ảnh hưởng tới cộng đồng. Các phát thải được quản lý thành công thông qua biện pháp quan trắc và giảm thiểu tác động môi trường. Kết quả là hơn 72% dioxin trong khối lượng bùn đất bị nhiễm đã được tiêu hủy và 99,99% dioxin được loại bỏ trong xử lý. Bây giờ có 29ha đất sử dụng để mở rộng sân bay", ông Anthony Kolb cho hay.

Thiếu tướng Bùi Anh Chung - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, Trưởng ban Quản lý dự án cho biết, đây là lần đầu tiên công nghệ mới xử lý dioxin được sử dụng ở Việt Nam. Chính vì vậy, việc nghiên cứu nắm bắt khối lượng công việc gặp rất nhiều khó khăn. Theo Thiếu tướng Chung, lúc đầu dự án chỉ định xử lý 74.000m3 đất nhưng sau đó phát sinh lên đến 164.000m3 nên phải báo cáo Bộ Quốc phòng và phía đối tác điều chỉnh lại dự án, nên thời gian kéo dài. Bên cạnh đó, công nghệ chủ yếu là đốt nên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đặc biệt là mưa bão. Tuy nhiên, với sự hợp tác hiệu quả, dự án đã đạt mục tiêu đề ra, xử lý thành công bùn đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm cho con người và môi trường xung quanh. "Kết quả của dự án thế hiện những cam kết của Hoa Kỳ đối với Việt Nam cũng như sự mong mỏi rất nhiều năm của người dân Việt  Nam về một môi trường sống an toàn, không còn nhiễm độc dioxin sau chiến tranh. Thành công tại sân bay Đà Nẵng sẽ là bài học kinh nghiệm cho các dự án xử lý dioxin sau này, đặc biệt là khoảng 500.000m3 trên tổng diện tích 50ha tại sân bay Biên Hòa", Thiếu tướng Chung nhấn mạnh.

CÔNG KHANH