Xử lý bạo lực học đường: Đừng đánh trống bỏ dùi!

Thứ tư, 03/04/2019 08:00

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - người đứng đầu ngành Giáo dục thừa nhận: bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong dư luận nhưng việc mạnh tay xử lý còn nhiều khó khăn, bất cập bởi vẫn còn đó những kẽ hở trong công tác quản lý. Những ngày qua, liên tiếp các vụ nữ sinh đánh nhau lại xảy ra, gây "sốt" trong cộng đồng, xã hội. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, nếu không xử lý nghiêm, quyết liệt thì việc những "chị đại" học đường biến trường học thành… "võ đường" sẽ còn được tái diễn.

Nữ sinh H.Y đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh TTX

Vụ việc nhóm nữ sinh lột đồ, hành hung bạn cùng lớp tại Trường THCS Phù Ủng (H. Ân Thi, Hưng Yên) đang được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh. Nếu tỷ lệ thương tích của nạn nhân từ 31% trở lên thì nhóm nữ sinh "xuống tay" hành hung có thể sẽ bị xem xét chịu trách nhiệm hình sự về tội danh "Cố ý gây thương tích". Trước đó, ngày 22-3, em Nguyễn Thị H.Y, học sinh lớp 9A, Trường THCS Phù Ủng đã bị nhóm nữ sinh cùng lớp đánh hội đồng. Không dừng lại ở đó, nhóm nữ sinh này còn lột quần áo của em Y. rồi liên tiếp đấm đá vào vùng mặt. Điều đáng nói là sự việc xảy ra ngay trên lớp học và diễn ra trong thời gian dài mà không có sự can ngăn của các bạn cùng lớp và giáo viên. Nhiều ngày sau khi sự việc bại lộ thì nhà trường mới thừa nhận có vụ việc xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến sự việc được xác định chỉ từ mâu thuẫn nhỏ nhưng nhóm nữ sinh lại hành hung bạn mình một cách rất côn đồ. Trước sự việc gây nhiều phẫn nộ, làm xấu hình ảnh giáo dục này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và tỉnh Hưng Yên chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc. Ngay sau đó, Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng cùng nhiều cán bộ nhà trường đã bị cách chức.

Vụ việc trên chưa lắng xuống thì ngày 1-4, trên mạng xã hội lại xôn xao đoạn video clip quay cảnh nhóm học sinh THCS bắt một bạn nữ sinh quỳ xuống đất để cả nhóm chửi bới và đánh đập. Đoạn video clip dài chừng 2 phút, chú thích rằng sự việc nghi xảy ra ở H. Diễn Châu (Nghệ An). Trong đoạn video clip này, nữ sinh vừa quỳ gối vừa liên tục khóc lóc trước yêu cầu "mày phải xin lỗi" của nhóm nữ sinh. Cuối đoạn video clip, một nữ sinh bất ngờ cầm tóc, tát tới tấp vào mặt nữ sinh đang quỳ. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, kết quả xác định đúng đó là nhóm nữ sinh đang theo học lớp 7 và lớp 8 tại Trường THCS Diễn Kim (H. Diễn Châu).

 Chưa bàn đến những hậu quả nghiêm trọng đằng sau những vụ "chị đại" học đường thể hiện "uy quyền", điều đầu tiên chúng ta nhìn rõ đó là hình ảnh đẹp của tuổi học trò đang bị bôi xấu đi rất nhiều. Ở cái tuổi chỉ biết ăn và học nhưng những nữ sinh lại có những hành động vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật và đáng bị lên án như vậy là điều không thể chấp nhận được. Nhiều ý kiến cho rằng, những vụ việc liên tiếp xảy ra cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, giáo dục. Đặc biệt là việc xử lý chưa đủ sức răn đe, nhiều vụ việc được khơi bày, chỉ đạo "dẹp" mạnh nhưng rồi lại "lặng" xuống như một lẽ dĩ nhiên theo kiểu đánh trống bỏ dùi. Những câu chuyện buồn về nữ sinh đánh nhau lại cứ thế tái diễn mặc cho sự bức xúc, phản đối từ cộng đồng, xã hội. Quay lại vụ việc xảy ra tại Trường THCS Phù Ủng, nếu không phải từ sức ép dư luận, có lẽ vụ việc cũng đã bị chôn vùi theo cái cách mà các thầy cô giáo và hiệu trưởng nhà trường mong muốn nhằm chạy theo thành tích thi đua "học tốt, dạy tốt"…

 Hai nữ sinh Trường THCS Diễn Kim bắt bạn quỳ xin lỗi đang gây bức xúc trong dư luận.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là ai mạnh tay xử lý bạo lực học đường? khi mà chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhìn nhận, qua các sự việc nữ sinh đánh nhau cho thấy, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa ý thức hết chức trách, nhiệm vụ được giao, chưa chủ động nắm bắt tình hình, chưa sát sao với học sinh và các hoạt động của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường đã buông lỏng quản lý, khi sự việc xảy ra chỉ nghe báo cáo, không có các giải pháp xử lý triệt để, kịp thời. Với vai trò là hiệu trưởng, là giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô phải có trách nhiệm sát sao nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh. Nếu có trường hợp học sinh cá biệt phải kịp thời có biện pháp hỗ trợ. Các thầy cô cần phải quan tâm hơn đến các em, khi thấy có dấu hiệu bất thường phải phối hợp với gia đình để có biện pháp giáo dục thích hợp nhưng trên thực tế đó là một bài toán không nhiều đơn vị trường học làm được.

Đối với những nạn nhân của các vụ hành hung, rồi đây, ký ức về một thời áo trắng cắp sách đến trường sẽ là một nỗi ám ảnh mãi không thôi. Để vượt qua được những lời gièm pha, những ánh mắt dè bỉu từ bạn bè là cả một thách thức không hề nhỏ. Chưa kể đến tinh thần các em sẽ hỗn loạn, rất dễ rơi vào tự ti, mặc cảm rồi sống khép mình, ảnh hưởng đến cả sức khỏe và học tập. Con đường đến trường có thể xem là một trong những cung đường đẹp nhất của cuộc đời. Bởi vậy, hy vọng từ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Bộ GD&ĐT, đây sẽ là những vụ bạo lực học đường cuối cùng xảy ra. Hãy xử lý mạnh tay, nghiêm minh, đủ sức răn đe để niềm mong ước về một nền giáo dục không bạo lực ấy trở thành hiện thực chứ đừng mãi xử lý theo kiểu đánh trống bỏ dùi!

Thành Danh