Xử lý hơn 60 ngàn cây xanh trước mùa mưa bão

Thứ ba, 23/09/2014 07:21

(Cadn.com.vn) - Rút kinh nghiệm từ bão Nari năm ngoái, để bảo vệ hệ thống cây xanh của TP, bảo vệ an toàn tính mạng người dân, ngay từ tháng 7- 2014, TP Đà Nẵng đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để ứng phó. Cụ thể Chủ tịch TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã ký ban hành kế hoạch chi tiết phòng chống và khắc phục bão đối với hệ thống cây xanh đô thị.

Ông Trần Hữu Kim, Phó Giám đốc Cty Công viên - Cây xanh TP Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn TP hiện có khoảng 100 ngàn cây xanh, trong đó gần 70% cần phải có biện pháp gia cố, cắt tỉa khẩn cấp để đảm bảo an toàn trước mùa bão. Cụ thể sẽ có khoảng 62 ngàn cây xanh được gia cố, cắt tỉa ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào từng tuyến đường, từng khu vực.

Ngay từ tháng 7-2014, Cty đã huy động 100 công nhân cùng 10 xe thùng thực hiện cắt tỉa trên các tuyến đường, trong đó có 50 tuyến đường trọng yếu đã hoàn thành trong tháng 8-2014 theo đúng chỉ đạo của TP. Cũng theo ông Kim, điểm mới của việc cắt, tỉa 40 ngàn cây xanh trong năm nay là mức độ cắt tỉa được TP cho phép nâng từ 30% lên 50%.

Cá biệt với một số loại cây như xà cừ, muồng tím có thể cắt tỉa tới 70% vì đây là các loại cây lớn, có nguy cơ ngã đổ cao gây nguy hiểm khi mưa bão, đồng thời có khả năng sinh trưởng, phục hồi rất nhanh. Tại một số tuyến đường như Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Phan Bội Châu, Nguyễn Hữu Thọ... hầu hết cây xanh đều được cắt tỉa.

Riêng các tuyến đường biển như Nguyễn Tất Thành, Trường Sa, Hoàng Sa khi bão đổ bộ vào sức công phá rất lớn vì thế cây xanh ở đây phải được cắt tỉa tới mức cao nhất có thể. Ông Kim nói, tại các tuyến đường này, ngay cả gạch vỉa hè còn bị lật tung lên nói gì tới cây xanh, vì thế ngoài việc cắt tỉa, các cây xanh cũng được khống chế để không cho vượt độ cao trên 8m.

Công nhân của Cty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng cắt tỉa cây xanh đô thị trong mùa mưa bão 2014. Ảnh: H.Q

Bên cạnh việc cắt tỉa được coi là tối ưu nhất để chống chọi với bão thì với nhiều cây xanh mới trồng hoặc thân còn yếu, trồng ở các vị trí rễ không có điều kiện bám sâu vào đất thì phải kết hợp thêm gia cố bằng cột chống. Với khoảng 10 ngàn cây cần gia cố thì số lượng cột chống lên tới hơn 40 ngàn cột, ước kinh phí khoảng 700 triệu đồng. Chủ yếu các cột này bằng tre, bạch đàn vì chi phí rẻ hơn cột thép.

Tuy vậy, tại tuyến đường Nguyễn Văn Linh cũng được thí điểm dùng cột chống bằng thép để đảm bảo mĩ quan, chịu lực tốt. Tuyến đường này hiện có khoảng 300 cây lim xẹt, muồng tím có kích thước lớn, nhưng hạ tầng ngầm bên dưới không thuận lợi để bảo đảm rễ cây phát triển bình thường. Cơn bão năm ngoái dù được cắt tỉa song số lượng cây thiệt hại vẫn nhiều, trong khi đây lại là trục đường quan trọng, mật độ giao thông đông đúc, để chống chọi mùa bão buộc phải gia cố nhưng nếu bằng cọc tre, bạch đàn thì rất mất mĩ quan, vì thế đã thí điểm sử dụng cọc thép.

Ông Trần Hữu Kim cũng cho biết, tới nay thì việc cắt tỉa cây xanh vẫn là phương án đối phó hiệu quả nhất với bão, cho dù việc cắt tỉa khiến cây mất đi vẻ đẹp, cây suy kiệt khó phục hồi. Mặc dù triển khai hết các biện pháp từ cắt tỉa kết hợp với gia cố thì cây xanh đô thị cũng chỉ có thể chịu được bão tới cấp 8, nếu bão mạnh hơn, việc ngã đổ, hư hại là điều không tránh khỏi.

Hải Quỳnh