Xử lý ngập úng ở Đà Nẵng: Thông điểm này, tắc điểm khác

Thứ hai, 18/10/2021 08:34

Dù đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xử lý ngập úng, song nhiều khu vực ở Đà Nẵng cứ mưa là ngập. Nhiều điểm ngập úng xử lý chưa xong thì đã xuất hiện các điểm ngập úng mới khiến người dân rất bức xúc.

Trong khi nhiều điểm ngập úng cũ chưa xử lý dứt điểm thì thêm một điểm ngập úng mới trên đường Lê Đình Thám quận Hải Châu xuất hiện. (Ảnh chụp ngày 17-10).

Hơn 2.000 tỷ đồng chống ngập

Tháng 7-2020, Hội đồng nhân dân Đà Nẵng thông qua chủ trương đầu tư hàng loạt dự án thoát nước kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng với mục tiêu thoát nước, xử lý ngập úng tại nhiều khu vực, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân. Tuy nhiên đến nay hầu hết các dự án chưa đảm bảo tiến độ thực hiện theo yêu cầu, nhiều dự án còn đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu…

Tại nhiều khu vực, người dân vẫn phải sống chung cảnh “bì bõm” khi mùa mưa đến. Võ Tiến Dũng, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê cho biết, trong các năm qua, tuyến đường Hà Huy Tập (đoạn trước Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ) thường xuyên xảy ra tình trạng ngập sâu gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho việc đi lại của người dân và học sinh. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị song đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong nói, do nền đường thấp nên đã ngập úng cục bộ trên đường Hà Huy Tập đoạn trước cổng Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ. Thời gian qua, một số hộ dân đã tự nâng nền nhà để hạn chế ngập úng. Để giải quyết căn cơ điểm ngập úng này, Sở Xây dựng đã tham mưu giải pháp nâng cao mặt đường lên khoảng 40cm và cải tạo hạ tầng thoát nước, bổ sung cửa thu nước tại khu vực. Nguồn vốn thực hiện hạng mục này trước đây từ vốn Ngân hàng Thế giới, sau đó hết thời hạn, phải chuyển sang vốn ngân sách TP nên việc triển khai có chậm trễ. “Hiện nay TP đã phê duyệt quyết định đầu tư, Ban quản lý dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến khởi công vào tháng 3-2022 và hoàn thành sau 3 tháng thi công”- ông Phong cho biết.

Trước Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ chỉ là một trong số nhiều điểm ngập úng khu vực trung tâm Đà Nẵng hiện nay. Trong số hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư các dự án thoát nước trên địa bàn TP có dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn Thanh Khê, Liên Chiểu với tổng kinh phí 315 tỷ đồng. Hạng mục xử lý ngập úng trước Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ nằm trong dự án này.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân Đà Nẵng cho biết, về cơ bản việc xử lý ngập úng trên địa bàn TP có tiến bộ, nhiều tuyến đường, tuyến cống không còn ngập úng sâu như trước đây. Một số điểm phải có mưa thật lớn mới ngập úng cục bộ. Ông Tiến nói, vừa qua một số điểm ngập cục bộ là do không nạo vét, khơi thông tuyến cống. Tại các điểm ngập úng trước đây đã đầu tư hệ thống máy bơm nước chống ngập, nhưng để lâu ngày không dùng tới, khi đụng đến thì trục trặc. Từ thực tế đó, để chống ngập úng, ngoài đầu tư hạ tầng kỹ thuật thoát nước cần thường xuyên nạo vét, khơi thông hố thu, chủ động sẵn sàng hệ thống máy bơm… tránh tình trạng khi cần thì tắc.

Sau những đợt mưa lớn nhiều tuyến đường Đà Nẵng biến thành sông. 

Khổ vì dự án vây quanh

Không chỉ ngập úng ở trung tâm TP, tại nhiều khu vực vùng ven như Hòa Liên (Hòa Vang) nhiều tổ, thôn cũng bị ngập úng do các dự án đang triển khai vây quanh. Ông Ngô Nhơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) phản ánh, hiện 70 hộ dân tổ 4 thôn Trung Sơn và 80 hộ dân thôn Quan Nam 2 thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa. Tình trạng ngập úng khiến chia cắt các tuyến đường, khó khăn cho việc sinh hoạt, đi lại, chưa kể nước tràn vào nhà cửa, ngập sâu từ 30-50cm. Ông Nhơn nói, tại Hòa Vang hiện có hàng trăm dự án, riêng xã Hòa Liên có gần 40 công trình, nhiều dự án treo hoặc thi công ì ạch đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân.

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong thừa nhận hiện 6 dự án đang triển khai vây quanh 70 hộ dân khu vực Trung Sơn, dẫn tới ngập úng, cuộc sống bất tiện. Theo ông Phong, khu vực này địa hình thấp trũng, tuyến thoát nước chính là kênh số 4 KCN Hòa Khánh, khẩu độ khoảng 9m, nối ra sông Cu Đê. Do 6 dự án đang triển khai, chưa đồng bộ hạ tầng thoát nước đã dẫn tới ngập úng mùa mưa.

Vì thế TP đã chỉ đạo các đơn vị thi công dự án thực hiện đào tuyến mương, khơi thông để thoát nước tạm. Song song với đó, TP cũng yêu cầu huyện Hòa Vang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công các dự án để hoàn thành dự án, khớp nối hạ tầng. Tương tự với 80 hộ dân thôn Quan Nam 2 cũng đang bị 5 dự án vây quanh, đã 10 năm chưa thể di dời, cứ mưa xuống là ngập nước. Cũng do vướng giải phóng mặt bằng nên các dự án này chưa thể hoàn thành, khớp nối hạ tầng đồng bộ, vì thế giải pháp theo ông Phong vẫn là khơi thông các kênh thoát nước tạm, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, tại Hòa Liên nhiều dự án đang triển khai, chưa khớp nối hạ tầng, dẫn tới ngập úng. Để giải quyết căn cơ tình trạng này, TP đã có chủ trương và sẽ triển khai hệ thống Kênh thoát lũ Hòa Liên. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này nguồn kinh phí để đầu tư cho Kênh thoát lũ Hòa Liên tương đối lớn. Do vậy, TP sẽ phân kỳ ra từng giai đoạn để đầu tư dự án này. Trước mắt, TP chỉ đạo khơi thông, kết nối một số hạ tầng kỹ thuật thoát nước, nhưng chắc chắn không giải quyết hết bài toán ngập úng tại đây. Về lâu dài trong vài năm tới, TP sẽ đầu tư hệ thống kênh thoát lũ Hòa Liên.

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu rà soát, đánh giá tình hình ngập úng trên toàn TP, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể để báo cáo Thường trực HĐND TP trong tháng 11-2021. Trong đó, ông Triết lưu ý phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp các tuyến cống chính; đầu tư, khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng thoát nước. Trước mắt cần tiến hành khơi thông, nạo vét, kiểm tra hố thu… đảm bảo thoát nước hiệu quả cho mùa mưa năm nay.

HẢI QUỲNH