Xử lý nghiêm hành vi cản trở thi công dự án mở rộng QL1A
(Cadn.com.vn) - Trong cuộc họp ngày 10-4 của UBND tỉnh Quảng Nam nhằm tìm hướng tháo gỡ vướng mắc trong Dự án mở rộng QL1A đoạn qua địa bàn H. Thăng Bình, nhiều ngành chức năng đã phân tích những nguyên nhân, hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Trong đó, nguyên nhân đáng nói là do sự yếu kém của lãnh đạo H. Thăng Bình cũng như các ban, ngành của huyện, xã.
Ông Lê Phước Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phê bình lãnh đạo H. Thăng Bình. |
NGƯỜI DÂN CỐ TÌNH CẢN TRỞ
Theo báo cáo của UBND H. Thăng Bình, Dự án mở rộng QL1A đoạn qua địa bàn huyện có 1.180 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, có 727 hộ ảnh hưởng đất ở, nhà cửa, vật kiến trúc và 453 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp. Toàn tuyến hiện nay còn lại 70 trường hợp chưa thực hiện bàn giao mặt bằng khiến cho tiến độ thi công dự án bị ảnh hưởng. Qua thống kê, 70 hộ dân này yêu cầu giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, chủ yếu yêu cầu đòi bồi thường thêm 2m đất thuộc hành lang ATGT, mặc dù khi thực hiện dự án những hộ này đã được bồi thường đất ở; đề nghị cấp lại GCNQSDĐ và đề nghị bồi thường đất ở trong đất thuộc hành lang giao thông…
Với những yêu cầu trên, tỉnh, huyện đã nhiều lần tổ chức đối thoại nhưng vẫn chưa có kết quả. Nguyên nhân chủ yếu được xác định do trong quá trình triển khai, đã có nhiều đối tượng xấu lợi dụng tình hình để thực hiện các hành vi kích động, xúi giục người dân. Thậm chí, có nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên địa phương cố tình không tuân thủ chủ trương đưa ra và có những yêu sách quá mức so với thực tế bị ảnh hưởng. Từ đó, dẫn đến có đơn khiếu nại kéo dài, tụ tập đông người để ngăn cản, chống đối lực lượng thi công dù đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ dẫn đến mất ANTT, gây bất bình trong dư luận. Trong đó, đặc biệt tại xã Bình Nguyên, nhiều hộ dân cố tình không bàn giao mặt bằng. Thậm chí có những đoạn đường đã thảm nhựa xong, đơn vị thi công đặt dãy phân cách giữa đường nhưng các hộ này vẫn ra ngăn cản.
Dù đã nhận tiền hỗ trợ nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. |
HUYỆN THỪA NHẬN TRÁCH NHIỆM
Ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND H. Thăng Bình cho biết: Các ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động, đối thoại, rà soát các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện, có quyết định phương án bồi thường. Tuy nhiên, các hộ dân này không nhận tiền, hoặc nhận tiền nhưng không bàn giao mặt bằng, cố tình cản trở đơn vị thi công bằng nhiều hình thức, như phao tin đồn địa phương làm sai, xúi giục, vận động, thuê luật sư kiện cáo, qua đó xuất hiện nhóm luật sư chuyên tư vấn pháp lý để nhận phần trăm… “Huyện thừa nhận có khuyết điểm về mặt quản lý, nhận thấy có những sai sót từ các cấp tham mưu. Do vậy vừa qua huyện đã đình chỉ cán bộ địa chính xã Bình Nguyên và cho thôi chức vụ Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên. Qua đây, huyện cũng đề nghị tỉnh tăng cường thêm người để hỗ trợ, giúp đỡ” - ông Ngữ đề nghị.
Tuy nhiên, đề nghị trên của lãnh đạo H. Thăng Bình không được chấp nhận. Ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho rằng, cấp huyện cũng có những ban, ngành đầy đủ để giải quyết công việc. Sở chỉ có nhiệm vụ tư vấn cho huyện chứ không thể cử người về làm thay cấp huyện được.
Ông Thân Hóa - Chủ tịch HĐQT Cty CP xây dựng công trình 545 (đơn vị thi công) cho biết: Đoạn đường chưa hoàn thành qua địa bàn H. Thăng Bình chỉ còn khoảng 2km. Nếu không có gì trở ngại sẽ hoàn thành trước 30-4. Thế nhưng, tại đây đơn vị thi công vấp phải sự cản trở của người dân, sự kích động, xúi giục của một số đối tượng. Thậm chí có lúc đơn vị thi công bị dân hăm dọa nhưng chính quyền không xử lý. “Chính quyền cho rằng chủ đầu tư phải vào cuộc, chung tay xử lý để giải quyết vụ việc. Chúng tôi sốt ruột vì tiến độ thi công chậm nên hỗ trợ thêm tiền cho người dân để có mặt bằng thi công. Nhưng nhận tiền xong, có biên bản bàn giao mặt bằng rồi người dân vẫn cản trở thi công. Lúc này chính quyền lại quy trách nhiệm bảo chúng tôi sao lại đưa tiền cho dân” - ông Hóa bức xúc cho biết thêm.
XỬ LÝ NGHIÊM NHỮNG HÀNH VI CẢN TRỞ
Sau khi nghe báo cáo, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phê bình công tác xử lý của huyện quá chậm. Nhiều vấn đề tỉnh, huyện đã họp trước đó lâu rồi nhưng… vẫn còn trên giấy. Tương tự, trường hợp 10 hộ có thửa đất do UBND xã quản lý phía trước lô đất của dân, tỉnh có thông báo từ đầu tháng 3-2015 nhưng đến nay huyện vẫn chưa triển khai. Việc họp dân cũng đã tổ chức nhiều mà không hiệu quả.
Đại tá Nguyễn Viết Lợi - Giám đốc CA tỉnh nhìn nhận, thực tế huyện vào cuộc chưa quyết liệt, chưa thể hiện chính kiến rõ ràng, cách triển khai không cụ thể, còn qua loa. Nhiều vấn đề huyện làm chưa đúng nhưng lại quy trách nhiệm cho lực lượng CA. “Lực lượng CA sẽ làm hết trách nhiệm, nhưng phải làm đúng luật. Vụ việc này chúng tôi đã giao cho CAH giải quyết, không đến mức phải đưa người của CA tỉnh ra. Tôi chỉ đạo cho lãnh đạo CAH cử lực lượng xuống hiện trường, nếu có trường hợp cản trở thì phải lập biên bản xử lý ngay. CAH phải vào cuộc điều tra, làm rõ những người có hành vi kích động người dân để được đòi tiền ăn chia; phải thu hồi hết băng rôn phản đối treo dọc đường. Phải đảm bảo được ANTT trên đoạn đường đó. Đơn vị thi công chịu trách nhiệm lập biên bản về những thiệt hại do người dân cản trở để có cơ sở tính toán, xử lý thích đáng” - Đại tá Nguyễn Viết Lợi nói.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, ông Lê Phước Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phê bình lãnh đạo H. Thăng Bình và các ngành chức năng của huyện còn yếu kém, lúng túng trong việc giải quyết các tồn đọng liên quan, thiếu sự vào cuộc tuyên truyền vận động để người dân nắm, hiểu về chủ trương và các căn cứ pháp lý trong việc áp giá bồi thường hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án; trong việc xác định nguồn gốc đất, hồ sơ, giấy tờ đất của các hộ dân.
“Quan điểm của tỉnh là không để cho dân thiệt thòi, nhưng chính quyền phải làm đúng luật. Các ngành chức năng phải tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm, phải xắn tay vào cuộc, khó chỗ nào gỡ chỗ đó, cho vận dụng hết những điều khoản có lợi cho dân… Nếu đã giải quyết hết sức nhưng người dân vẫn cản trở thì phải xử lý mạnh tay. Đối với các trường hợp cán bộ, đảng viên địa phương không gương mẫu, không chấp hành chủ trương thì lãnh đạo H. Thăng Bình phải có hình thức xử lý kiên quyết, nghiêm túc… Nếu lãnh đạo huyện yếu kém, làm không được thì phải thay thế người khác” - ông Thanh khẳng định.
Liên quan đến việc ông Nguyễn Thạnh (56 tuổi, trú thôn 3, xã Bình Phục, H. Thăng Bình) có hành vi cản trở thi công bị xe chở vật liệu đổ lên người, tại cuộc họp, Thượng tá Trần Văn Xuân - Trưởng CAH Thăng Bình cho biết: Sau khi ông Thạnh xuất viện, chúng tôi nhiều lần gửi giấy mời, trực tiếp xuống nhà làm việc nhưng ông Thạnh không hợp tác. “Hiện chúng tôi đang củng cố hồ sơ để xử phạt hành chính đối với ông Thạnh theo khoản 3, Điều 5 Nghị định 167 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội vì đã có hành vi gây rối, cản trở đơn vị thi công, mức xử phạt từ 2-3 triệu đồng” - Thượng tá Xuân khẳng định.
Trần Tân