Xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội: Chế tài chưa nặng sẽ còn dây dưa
(Cadn.com.vn) - Tính đến cuối tháng 3 năm 2014, trên địa bàn Đà Nẵng có 527 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) bắt buộc từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền lên đến hơn 76 tỷ đồng. Đáng nói, có nhiều đơn vị nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH với số tiền lớn trong nhiều năm liền... Tình hình nợ, nợ đọng BHXH, BHYT đang là vấn đề nóng và rất đáng được quan tâm, đó là khẳng định của ông Văn Phú Long, Trưởng phòng thu, BHXH TP Đà Nẵng.
Ông Văn Phú Long chia sẻ về những nan giải trong việc thực hiện công tác thu tại BHXH Thành phố Đà Nẵng. |
“TRAO PHƯƠNG TIỆN NHƯNG CHƯA TRAO CÔNG CỤ XỬ PHẠT”
Nợ đọng BHXH, BHYT đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn lao động đang bị chính doanh nghiệp (DN) của mình cắt đi quyền lợi chính đáng mà lẽ ra họ được hưởng. Trong đó phải kể đến hàng loạt các đơn vị có số tiền nợ đọng BHXH, BHYT lớn, dây dưa kéo dài như Chi nhánh Công ty cổ phần Someco Sông Đà tại miền Trung nợ hơn 4,1 tỷ đồng với 191 lao động; Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu nợ hơn 3,6 tỷ đồng (669 lao động); Chi nhánh Trung tâm ĐTDĐ C.D.M.A tại Đà Nẵng nợ 2,5 tỷ đồng...
Ông Văn Phú Long cho biết “Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT không phải là vấn đề mới ở Đà Nẵng mà đã tiếp diễn trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhiều lao động lại không hề hay biết mình chưa được đơn vị nộp BHXH bởi hàng tháng các đơn vị này vẫn trích trừ % nộp BHXH của các nhân viên, tuy nhiên không nộp vào đơn vị BHXH mà chiếm dụng luôn. Vì vậy, chỉ khi cần đến quyền lợi, đi làm chế độ thì nhiều người mới hay mình không được giải quyết chỉ vì chủ sử dụng lao động chưa nộp BHXH cho họ”.
Bên cạnh một số đơn vị chậm nộp BHXH, BHYT cho lao động vì thực sự khó khăn do hoạt động kinh doanh, sản xuất không hiệu quả thì có không ít đơn vị có chủ đích trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài với mục đích chiếm dụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động, vi phạm pháp luật lao động.
Thời gian qua, BHXH Đà Nẵng đã phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức các đợt thanh, kiểm tra tình hình nợ đọng ở một số đơn vị, tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong đợi. Ông Văn Phú Long cho rằng:“ Rất khó khi chỉ trao phương tiện mà không trao công cụ xử phạt, bởi hiện BHXH không có chức năng xử phạt mà chỉ được quyền lập biên bản và sau đó báo cáo lên các cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra, điều này khiến cho công tác thanh tra xử phạt không được chủ động”.
Quyền lợi của người lao động sẽ không được đảm bảo khi chủ sử dụng không thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH (ảnh minh họa). |
HÀNG LOẠT DOANH NGHIỆP BỊ KHỞI KIỆN
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, BHXH TP Đà Nẵng đã tiến hành khởi kiện 49 đơn vị có hành vi cố tình chây ì đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Trong đó, có 31 đơn vị tòa đang trong quá trình thụ lý. Ngoài ra, có 9 đơn vị tòa đang trong quá trình xử lý hồ sơ, 4 đơn vị đang chờ ngày xử và một số đơn vị được rút đơn kiện do đã nộp tiền là Công ty CP dịch vụ bảo vệ Hoàng Ân; Công ty CP Việt Tân Phát; Cty TNHH du lịch và Thương mại Trời Đất Việt; Cty CP đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông T.I.D.I.
Trong khi vẫn chưa có một giải pháp nào gọi là hữu hiệu trong việc giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT trong những năm trở lại đây thì hiệu quả từ việc khởi kiện các đơn vị cố tình chây ì trong việc chậm nộp BHXH, BHYT cũng có thể xem là những tín hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, những người làm công tác thu ở BHXH Đà Nẵng cho rằng, chế tài xử phạt vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng, dây dưa kéo dài ở các đơn vị nhất là khi quyền lợi của người lao động ngày càng bị ảnh hưởng. Cần phải có một giải pháp mạnh tay hơn là điều cần thiết, có như vậy quyền lợi của công nhân lao động mới được đảm bảo.
Phương Minh