Xử lý sai phạm tại Cảng vụ Hàng không miền Trung: Giơ cao, đánh khẽ (?)

Thứ ba, 25/10/2016 11:00

* Bài 1:  Sai phạm nghiêm trọng, phê bình nội bộ

(Cadn.com.vn) - Hàng tỷ đồng từ ngân sách chi trả thu nhập tăng thêm (TNTT) cho cán bộ, viên chức (CBVC) đã được lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Trung (CVHKMT) chuyển từ kho bạc Nhà nước về tài khoản chuyên dùng thanh toán cá nhân của đơn vị tại ngân hàng nhưng không chi trả cho người lao động mà rút ra gửi tiết kiệm lấy lãi. Tiền lãi không được phản ánh trên sổ sách kế toán  và được “ngâm” trong két sắt từ năm 2010 đến cuối năm 2015 nhưng cơ quan có thẩm quyền chỉ xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Xung quanh sự việc còn gây nhiều tranh cãi, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã vào cuộc điều tra và nhận thấy có khá nhiều điều bất thường...

CVHKMT- đơn vị để xảy ra sai phạm số tiền TNTT hơn 2 tỷ đồng năm 2009.

Sự vụ “lùm xùm” ở CVHKMT đã kéo dài suốt nhiều năm liền. Người chịu trách nhiệm cao nhất là ông Lê Văn Nguyện, chức danh Giám đốc, còn bên đại diện người lao động vạch ra những sai phạm là bà Lê Hoài Hương, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra của đơn vị này.

Xuất phát từ đơn kiến nghị của bà Hương và phản ánh từ người lao động tại CVHKMT về những khuất tất trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước để chi trả thu nhập cho CBVC, Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập Đoàn xác minh các nội dung kiến nghị. Kết quả xác minh cho thấy, trong năm 2010, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Giám đốc CVHKMT Lê Văn Nguyện  đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền lập các chứng từ với lý do chi trả thu nhập tăng thêm năm 2009 cho CBVC nhưng lại không chi trả trên thực tế, mà số tiền này được rút ra đem đi gửi tiết kiệm lấy lãi gần 120 triệu đồng. Sau khi vụ việc bị phanh phui, số tiền lãi đã bị Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu thu hồi nộp Kho bạc để sung công quỹ Nhà nước.

Cụ thể, căn cứ trên ủy nhiệm chi, ngày 4-3-2010, kho bạc TP Đà Nẵng đã chuyển hơn 1 tỷ đồng về một tài khoản thanh toán cá nhân của CVHKMT tại ngân hàng NN&PTNT, nhưng đơn vị này rút về không chi trả cho ai. Cũng hình thức này, khoảng 2 tuần sau tiếp tục lập ủy nhiệm chi đề nghị kho bạc cho tạm ứng 1 tỷ đồng tiền TNTT năm 2009. Như lần trước, CVHKMT không chi cho CBVC (riêng bảng TNTT lần thứ 2, theo bà Hương không rõ ai lập, nhưng CVHKMT vẫn có đủ bộ chứng từ để được tạm ứng tiền – P.V).

Cũng trên cơ sở kết luận xác minh vụ việc, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã chỉ đạo CVHKMT kiểm điểm, rút kinh nghiệm về các nội dung lấy lý do chi trả TNTT cho CBVC để tạm ứng tiền chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn sai quy định, những thiếu sót trong việc công khai, minh bạch hoạt động tài chính, đặc biệt là công khai việc chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm cho CBVC đã gây nghi ngờ và dư luận xấu trong đơn vị. Sai phạm là vậy, song ông Lê Văn Nguyện (Giám đốc) và ông Bùi Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Tài chính – Kế toán chỉ bị xử lý với hình thức phê bình nội bộ.

Bà Hương cho hay, từ đơn tố cáo của cán bộ viên chức, cuối năm 2014, Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định thành lập Đoàn xác minh tố cáo đối với ông Nguyện liên quan đến công tác tuyển dụng hàng chục cán bộ chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chí, chưa phù hợp vị trí nhiệm vụ… Kết quả xác minh, thời gian từ năm 2008 - 2014, CVHKMT tuyển dụng 53 viên chức, 5 nhân viên hợp đồng, tuy nhiên chỉ có 12 trường hợp có chuyên ngành hàng không. Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ, việc tuyển dụng còn nhiều tồn tại khi có trường hợp được tuyển dụng, nhưng chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chí như thông báo đặt ra, chưa phù hợp với nhiệm vụ, tuyển dụng không có thông báo. Điển hình, thông báo tuyển dụng cán sự quản lý khai thác cảng (yêu cầu có bằng trung cấp chính quy khai thác cảng hàng không kèm bằng ĐH chuyên ngành ngoại ngữ, luật hoặc kinh tế), nhưng người trúng tuyển lại là người chỉ có bằng nghề khai thác hàng không, hệ 18 tháng và không có bằng ĐH Ngoại ngữ. Hay thông báo tuyển dụng chuyên viên đại diện CVHK tại Chu Lai (yêu cầu tốt nghiệp ĐH chuyên ngành cơ khí chế tạo máy bay, hàng không, điện tử viễn thông, không lưu, khai thác cảng hàng không, vận chuyển hàng không), tuy nhiên người trúng tuyển là một kỹ sư vận hành khai thác tàu thủy...

Tiếp đến, năm 2015, ông Nguyện cũng từng bị kỷ luật mức khiển trách vì liên quan đến hàng loạt các sai phạm trong công tác đấu thầu dự án trang bị hệ thống thông tin hành khách trước chuyến bay (APIS). Trong quá trình thực hiện dự án APIS, ông Nguyện chưa quán xuyến hết công việc, để xảy ra một số tồn tại, thiếu sót trong thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, chuẩn bị hồ sơ thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu và chọn nhà thầu. Chưa hết, vị “thủ lĩnh” này còn để xảy ra chuyện “chậm trả” một khoản thu nhập khác cho một số CBVC đã chết hoặc chuyển công tác đến đơn vị khác với số tiền 85 triệu đồng. Và vụ việc này cũng chỉ vỡ lở khi vợ của một viên chức đã qua đời tìm đến cơ quan “đòi” lại chế độ cho chồng của mình...

Với hàng loạt sai phạm nêu trên, liệu hình thức kỷ luật mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra đối với ông Nguyện phải chăng chỉ là “đánh khẽ” nhằm né tránh quy định về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ?

C.H
(còn nữa)