Xử lý tài sản thi hành án

Thứ hai, 08/11/2021 17:50

Bạn đọc hỏi: Bà Nguyễn Thị B., trú Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng), hỏi: Năm 2017, chồng tôi và 2 người bạn thành lập Công ty A., chồng tôi là người đại diện theo pháp luật. Trong quá trình hoạt động, do thiếu vốn để nhập hàng từ nước ngoài về nên chồng tôi đã mượn khách sạn do tôi làm chủ sở hữu (đây là tài sản riêng của tôi do bố mẹ tặng cho trước thời kỳ hôn nhân) để thế chấp cho Công ty A. vay ngân hàng 15 tỷ đồng. Cuối năm 2020, do dịch COVID-19, Công ty A. gặp khó khăn về tài chính nên không trả được nợ gốc và lãi, ngân hàng (NH) đã khởi kiện ra tòa án để đòi nợ. Sau khi có bản án, do Công ty A. không có khả năng trả nợ nên Cơ quan Thi hành án (THA) thông báo sẽ xử lý tài sản (TS) của tôi để THA. Vậy cho tôi hỏi quy trình Cơ quan THA xử lý TS của tôi như thế nào? Nếu TS của tôi sau khi xử lý không trả hết được nợ cho NH thì Cơ quan THA có xử lý tiếp TS riêng của tôi hay không? Phí THA tôi có phải trả cho Cơ quan THA không?

* Luật sư Nguyễn Thị Sáu Hạnh - Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng trả lời: Theo quy định tại Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015: Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Như vậy, trong trường hợp này, bà Nguyễn Thị B. bảo lãnh cho khoản vay 15 tỷ đồng của Công ty A. với NH bằng hình thức dùng TS của mình thế chấp cho NH. Do đó, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, vì Công ty A. không có khả năng trả nợ nên NH hoàn toàn có quyền yêu cầu Cơ quan THA kê biên, phát mại TS mà bà B. đã thế chấp cho NH để THA. Cụ thể, nếu hết thời gian tự nguyện THA theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật THA dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (10 ngày, kể từ ngày người phải THA nhận được quyết định THA hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA) mà Công ty A. không THA thì Cơ quan THA có quyền xử lý TS của bà B. để THA.

Quy trình Cơ quan THA xử lý TS của bà B. để THA cụ thể như sau: ban hành quyết định cưỡng chế THA; thưc hiện kê biên TS; định giá TS kê biên; giao TS để THA - trường hợp đương sự thỏa thuận để người được THA nhận TS đã kê biên để trừ vào số tiền được THA thì chấp hành viên lập biên bản về việc thỏa thuận; bán TS đã kê biên - TS đã kê biên được bán theo các hình thức: bán đấu giá, bán không qua thủ tục đấu giá; giao TS bán đấu giá cho người mua được TS. Nếu việc xử lý TS của bà B. không trả hết được nợ cho NH thì Cơ quan THA sẽ không tiếp tục xử lý TS riêng của bà B., kể cả TS riêng của chồng bà B. hay TS chung của hai vợ chồng. Nguyên tắc, để đảm bảo THA, Cơ quan THA chỉ có quyền xử lý TS của người phải THA (TS của Công ty A.) và TS của người khác nếu TS này đã được dùng để bảo lãnh cho phần nghĩa vụ của người phải THA.

Theo quy định tại Điều 3 Luật THA dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, Công ty A. được xác định là người phải THA, NH là người được THA và bà B. là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, về phí THA và chi phí cưỡng chế THA, bà B. không có trách nhiệm phải trả phí cho Cơ quan THA. Cụ thể: phí THA sẽ do người được THA nộp khi nhận được tiền, TS theo bản án, quyết định; chi phí cưỡng chế THA do người phải THA chịu để tổ chức cưỡng chế THA, trừ trường hợp pháp luật quy định chi phí cưỡng chế THA do người được THA hoặc do ngân sách Nhà nước chi trả.

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 02363 572 456, 0903 573 138