Xử lý thông tin báo nêu chênh lệch hàng nghìn tỷ đồng tại các dự án ODA
Ảnh minh họa. |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về xử lý thông tin báo chí nêu "Hàng nghìn tỷ đồng chênh lệch tại các dự án ODA bị kiểm toán phát hiện". Xét kiến nghị của Bộ Tài chính về xử lý thông tin báo chí nêu "Hàng nghìn tỷ chênh lệch tại các dự án ODA bị kiểm toán phát hiện", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản các dự án có ý kiến về các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng hướng dẫn chi tiết hơn về định mức lương tư vấn quốc tế hoặc nguồn dữ liệu tham khảo để xây dựng mức lương tư vấn quốc tế khi lập dự toán hạng mục này trong tổng mức đầu tư dự án đầu tư, dự án đầu tư xây dựng.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài chặt chẽ theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 5-10-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thẩm định chương trình, dự án đầu tư vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài phối hợp chặt chẽ các cơ quan chủ quản dự án trong việc phân tích lợi thế so sánh giữa chi phí vay vốn và ràng buộc công nghệ, thiết bị và nhà thầu.
Đối với các khoản vay đang và sẽ đàm phán ký kết trong thời gian tới, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan chủ quản dự án đàm phán với nhà tài trợ nới rộng điều kiện về lựa chọn nhà thầu và tỷ lệ xuất xứ hàng hóa để tạo điều kiện cho việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi và không tạo ra bất công trong quá trình thực hiện dự án, nhất là việc thanh toán theo tỷ lệ xuất xứ như hiện nay.
* Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về tình hình thực hiện, các tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, căn cứ quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 2 dự án cao tốc quy mô lớn là cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang chậm tiến độ. Hiện cả 3 đoạn tuyến của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đều đang chậm từ 8% - 18%. Với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ hiện đã thông xe và tiến hành thu phí, còn lại đoạn tuyến Tam Kỳ - Quảng Ngãi sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) mới thông xe tạm và chưa thu phí do chưa hoàn thiện mở rộng 5 nút giao: Túy Loan, Hà Lam, Tam Kỳ, Dung Quất, Bắc Quảng Ngãi.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, 2 dự án chậm tiến độ là do công tác điều hành, quản lý dự án của VEC chưa thống nhất, chưa quyết liệt và chưa hiệu quả. Đặc biệt, từ khi chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC đã thực hiện không đầy đủ các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp, chỉ đạo VEC thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, giảm thiểu thiệt hại do chậm tiến độ.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài toàn tuyến 57,1 km, đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Đồng Nai. Dự án là công trình quan trọng, nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp giao thông giữa các tỉnh Tây và Đông Nam Bộ không phải qua trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng.
Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một trong những dự án trọng điểm quốc gia và cũng là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư và quản lý khai thác. Dự án khởi công năm 2013, đi qua địa phận các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (7,9 km), Quảng Nam (91,2 km) và Quảng Ngãi (40,1 km). Tổng chiều dài toàn tuyến cao tốc là 139,204 km, trong đó tuyến cao tốc có chiều dài 131,5 km, đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 1A có chiều dài 7,7 km.
PHƯƠNG BÌNH