Xử lý thực bì, ban quản lý rừng phòng hộ... đốt luôn rừng tự nhiên (Kỳ cuối: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo làm rõ)

Thứ ba, 25/05/2021 09:50

Kiểm lâm giữ, chủ rừng đốt

Liên quan đến vụ “đốt rừng để... trồng rừng” đã phản ánh ở kỳ trước, P.V Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã làm việc với ông Nguyễn Văn Tình- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phước Sơn, được biết: Khu vực rừng bị đốt tại khoảnh 3, 4 và 5 của Tiểu khu 689 (địa phận xã Phước Kim) được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ với diện tích khoảng 20ha. “Sau khi phát hiện sự việc, Hạt đã chỉ đạo lực lượng trực tiếp kiểm tra hiện trường và có báo cáo nhanh. Theo đó, lực lượng kiểm lâm ghi nhận nhiều cây gỗ bị đốt cháy, một số cây bị chặt hạ, do diện tích lớn, khối lượng lâm sản bị thiệt hại nhiều nên đến nay chưa tiến hành xong việc thống kê, xác định cụ thể”, ông Tình nói.

Nhiều diện tích rừng bị cháy lấn sang diện tích rừng có cây gỗ lớn.

Theo báo cáo nhanh của Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn, diện tích 20ha thuộc Dự án trồng rừng thay thế có 0,72ha là rừng tự nhiên, ngoài diện tích rừng tự nhiên còn có một số cây gỗ đứng rải rác. Tuy nhiên, vào ngày 8 và 9-5, đơn vị thi công đã tiến hành chặt hạ một số cây gỗ nhỏ, đốt xử lý thực bì, gây cháy toàn bộ diện tích trồng rừng và cháy lan sang các khu vực lân cận. Do khối lượng lâm sản thiệt hại nhiều, diện tích lớn nên Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn đề nghị Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam hỗ trợ lực lượng để phối hợp, khẩn trương xác định diện tích, lâm sản thiệt hại. Đồng thời đề nghị UBND huyện Phước Sơn chỉ đạo BQL rừng phòng hộ huyện, UBND xã Phước Kim tăng cường lực lượng để bố trí canh giữ, bảo quản lâm sản còn lại hiện trường để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật. 

Ông Tình cũng thông tin thêm, trước khi BQL Rừng phòng hộ huyện Phước Sơn tiến hành đốt thực bì, Kiểm lâm địa bàn đã kiểm tra phát hiện một số cây gỗ tự nhiên. Hạt Kiểm lâm đã có văn bản cảnh báo, đề nghị không phát luỗng, đốt tại vị trí có rừng tự nhiên, giữ lại các cây rừng tự nhiên còn sót, thế nhưng sau đó cũng bị đốt cháy. 

Nhiều cây gỗ lớn cháy đen lớp vỏ, chết đứng giữa rừng, bên cạnh là những vạt rừng có nhiều cây dày đặc.

Tạm dừng dự án để xác minh, làm rõ

Trước sự việc được xem là nghiêm trọng trên, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, ông đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện xác minh, làm rõ; đồng thời yêu cầu tạm dừng Dự án trồng rừng thay thế trên để xem xét, giải quyết. “Trong quá trình đơn vị được thuê phá thực bì, dọn dẹp trước khi trồng rừng đã tác động đến một số cây gỗ, hiện trường còn lại vài cây gỗ bị cháy. Tôi giao cho Phó Chủ tịch huyện chỉ đạo các ban, ngành đo lại, định vị, kiểm tra cây gỗ đó là cây gì và diện tích này có đúng theo diện tích được phê duyệt hay không?”, ông Trung nói.

Lán trại của đơn vị thi công đã tháo dỡ khỏi khu vực sau khi các ngành chức năng vào cuộc vụ đốt rừng trên.

Nói về báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn xác định vị trí bị cháy có 0,72 ha rừng tự nhiên, ông Trung cho rằng đây chưa phải là kết luận (!?). “Có thể Hạt Kiểm lâm huyện bằng biện pháp nào đó xác định là rừng tự nhiên, nhưng có thể thực trạng không phải rừng tự nhiên... Báo cáo của Hạt Kiểm lâm là thông tin để UBND huyện nắm tình hình chỉ đạo chứ không phải kết luận”, ông Trung nói. 

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tại sao Hạt Kiểm lâm Phước Sơn đã có văn bản đề nghị BQL rừng phòng hộ huyện chừa lại toàn bộ cây gỗ trên diện tích rừng đó, nhưng sau đó cũng bị đốt cháy? Ông Trung nói: “Như thế là ẩu! BQL rừng phòng hộ phải giám sát, để cho đơn vị thi công tự làm là chết!”.

Liên quan vụ việc “đốt rừng để trồng rừng” trên, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông đã nắm được vụ việc thông qua báo chí và đang chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ.

TRẦN TÂN

Nhận được báo cáo của Hạt Kiểm lâm Phước Sơn, xét thấy vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã cử lực lượng đến hiện trường phối hợp với kiểm lâm địa phương thống kê, điều tra trữ lượng gỗ bị thiệt hại... Một cán bộ thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, theo Thông tư Số  29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16-11-2018 của Bộ NN&PTNT, khi thực hiện phát dọn thực bì phải theo băng hoặc theo đám. Thực bì được gom thành dải dọc theo đường đồng mức và không được đốt, được phát trắng thực bì ở nơi có độ dốc dưới 15°, nhưng phải chừa lại đai cây xanh ở đỉnh dông, ven khe suối, bờ sông, hồ. Khi xử lý thực bì phải chừa lại toàn bộ cây gỗ có sẵn và cây tái sinh... 

P.V