Xử lý xây dựng trái phép không chỉ là tháo dỡ

Thứ tư, 20/10/2021 10:25

Tình trạng đất nông nghiệp không sản xuất được và xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại Đà Nẵng khá nhức nhối nhưng xử lý mãi chưa xong. Vì sao việc xử lý này khó đến vậy, có phải đơn giản chỉ là tháo dỡ, đền bù, giải tỏa?

Tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp là vấn đề nóng tại Đà Nẵng nhưng chưa xử lý dứt điểm. 

Do ảnh hưởng của các dự án, diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được tại Đà Nẵng không ngừng tăng lên, đi liền với đó là tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp. Dù là vấn đề nóng, người dân bức xúc, tuy nhiên nhiều năm qua Đà Nẵng vẫn loay hoay, chưa xử lý dứt điểm. Trong hơn 334 ha đất nông nghiệp không sản xuất được trên toàn TP có 276 ha nằm trong ranh giới các đồ án quy hoạch.

Ông Nguyễn Đình Thu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang cho biết, TP có một phần diện tích lớn đất nông nghiệp không sản xuất được, là dư địa để phát triển. Mặc dù TP đã có kế hoạch thu hồi, chuyển đổi mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển về kinh tế, xã hội nhưng từ nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện có kết quả. Nguyên nhân vì chậm xử lý tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, công tác thống kê về diện tích, lập đề án để thu hồi đất quá chậm…

Mặt khác, hiện nay nhiều đồ án quy hoạch đã được phê duyệt nhưng không thể triển khai thực hiện được do việc người dân xây dựng nhà trái phép, khớp nối quy hoạch, hạ tầng giữa các dự án chưa đảm bảo. Nhiều khu đất nằm ngoài ranh giới các dự án hoặc trong dự án có mật độ xây dựng cao, để giải tỏa, đền bù chi phí lớn dẫn đến hiệu quả, tính khả thi của dự án thấp, dự án bị chậm trễ kéo dài.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng thừa nhận, đất nông nghiệp không sản xuất được là vấn đề nóng, kéo dài trong nhiều năm, song việc tiếp cận giải quyết không đồng bộ. Hiện nay Sở đang hoàn thiện đề án khắc phục đất nông nghiệp không có cả năng sản xuất. Trong đó, đất nông nghiệp không sản xuất được nằm ngoài ranh giới các dự án thì ưu tiên khôi phục khả năng sản xuất bằng cách đầu tư khôi phục lại mương nội đồng, khả năng tưới tiêu và vận động người dân quay lại sản xuất.

Cũng là đất không sản xuất được nằm ngoài quy hoạch nhưng không thể khắc phục được thì sẽ xử lý bằng cách lập các dự án triển khai phù hợp với quy hoạch chung. Với đất nông nghiệp không sản xuất được nằm trong ranh giới các dự án, khoảng 276 ha, ông Hùng cho biết cũng chia làm 2 loại và 2 hướng xử lý khác nhau. Nếu đất đã có dự án rồi thì đề nghị Ban quản lý các dự án tập trung triển khai việc thu hồi, đền bù thực hiện dự án. Với đất nằm trong dự án, nhưng dự án đó mới phê duyệt ranh giới quy hoạch thì rà soát lại, dự án nào không còn phù hợp thì đưa ra khỏi danh mục, dự án nào phù hợp với quy hoạch chung thì tiếp cận phê duyệt quy hoạch chi tiết, triển khai dự án.

Lực lượng chức năng Liên Chiểu xử lý tình trạng xây nhà trái phép.

Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Đà Nẵng còn một loại đất nông nghiệp không sản xuất được nhưng nằm xen kẽ trong khu dân cư, người dân xây nhà trái phép. Ông Hùng nói, nếu tiếp cận vấn đề này một cách tổng thể thì nguyên nhân sâu xa dân xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp xuất phát từ nhu cầu nhà ở. Thực tế Đà Nẵng là một trong những đô thị có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, lượng dân nhập cư, tăng dân số cơ học rất lớn. Nhu cầu nhà ở với người dân rất lớn trong khi nhà ở xã hội thì TP không đáp ứng đủ, còn tiếp cận đất nền phân lô hình thành từ các dự án bất động sản thì người dân không đủ khả năng. Từ thực tế đó dẫn tới chuyện dân lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép và tất nhiên ở đây có sự hậu thuẫn của cán bộ quản lý cũng như một số cá nhân đầu nậu để thu gom đất nông nghiệp rồi phân lô, xây dựng nhà trái phép để bán. Ông Hùng khẳng định đây là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay.

Để tiếp cận vấn đề này, ông Hùng nêu lên một số giải pháp. Cụ thể, rà soát lại các khu đất này, nếu phù hợp về đất ở với đồ án quy hoạch chung, đồng thời đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thì TP sẽ tính toán đến phương pháp cho người dân có thể chuyển mục đích và công nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Tuy nhiên, biện pháp này cũng phải hết sức cân nhắc, vì không khéo TP lại đi hợp thức hóa lại việc xây dựng trái phép và nó cũng mở ra tiếp theo đây những cơ hội để các cá nhân tiếp tục có sai phạm này. Còn nếu như TP rà soát lại mà không phù hợp với quy hoạch đất ở thì kiên quyết thực hiện việc thu hồi, xử lý vi phạm. "TP đã giao Sở tiếp cận vấn đề này dưới một đề án để giải quyết tổng thể chứ không phải đơn giản là xây dựng trái phép thì xử lý sai phạm, tháo gỡ, giải tỏa, đền bù. Nếu làm như vậy thì mới giải quyết được việc xây dựng trái phép. Nếu không có giải pháp tổng thể sẽ đối diện với vấn đề xã hội, vấn đề trật tự"- ông Hùng nói.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Đà Nẵng cho biết, xử lý đất nông nghiệp không sản xuất được cần thống nhất cách làm trên toàn TP chứ không để mỗi nơi hiểu một cách khác nhau, từ đó không triển khai việc này. Chẳng hạn đất lấn chiếm xây nhà trái phép trước tháng 7-2004, từ tháng 7-2004 đến tháng 7-2014 và từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến nay thì xử lý thế nào phải cụ thể, thống nhất. Có thống nhất phương án xử lý thì mới có cơ sở để các địa phương mạnh dạn xử lý đất nông nghiệp không sản xuất được và mạnh dạn gắn với xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan đến quản lý để xảy ra xây dựng trái phép.

HẢI QUỲNH