Xử nghiêm công chứng viên tiếp tay trốn thuế trong giao dịch bất động sản
Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng phát triển “nóng”, giá cả BĐS liên tục leo thang, giao dịch BĐS nhộn nhịp và sôi động... đã mang lại khoản lợi nhuận kếch xù cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch BĐS, bên cạnh nhiều doanh nghiệp, cá nhân chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước vẫn còn nhiều trường hợp dùng các thủ đoạn để trốn thuế, thu lợi bất chính.
Công chứng giao dịch BĐS tại một văn phòng công chứng. Ảnh: minh họa |
Có rất nhiều thủ đoạn trốn thuế trong mua bán, chuyển nhượng BĐS nhưng nổi cộm lên nhất hiện nay là tình trạng công chứng “ký gửi”, “ký chờ” để trốn tránh việc nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và các loại phí khác theo quy định của pháp luật. Thực chất công chứng “ký gửi”, “ký chờ” là việc người mua móc nối với công chứng viên của các văn phòng công chứng để thực hiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng BĐS nhiều lần nhưng chỉ đóng dấu công chứng có một lần. Công chứng viên chứng kiến việc mua bán đó nhưng không ký, không đóng dấu, không vào sổ lưu mà cho người mua gửi lại hồ sơ có chữ ký của người bán để người mua tiếp tục tìm người mua tiếp theo nhằm chuyển nhượng, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước...
Quan sát tại nhiều văn phòng công chứng trên địa bàn TP Đà Nẵng ở những thời điểm thị trường BĐS lên “cơn sốt”, chúng tôi đều thấy cảnh chen chúc kẻ bán người mua đến mức quá tải, cá biệt có văn phòng công chứng “thất thủ” phải hẹn lùi thời gian công chứng cho khách hàng. Trong cùng thời điểm đó, tại các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì số lượng người đến làm thủ tục trước bạ, sang tên lại ít hơn nhiều. Sở dĩ có tình trạng chênh lệch này là do nhiều doanh nghiệp, cá nhân sau khi hoàn tất việc mua BĐS đã không đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để làm thủ tục trước bạ, sang tên mà móc nối với công chứng viên thực hiện việc “ký gửi”, “ký chờ” để tìm khách hàng bán lại nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, thu lợi bất chính. Cứ như thế, có trường hợp 1 BĐS được “ký gửi”, “ký chờ” nhiều lần cho đến khi gặp người mua có nhu cầu trước bạ, sang tên thì mới thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Ở thời điểm “sốt”, có trường hợp trong một ngày, 1 BĐS, đặc biệt là BĐS ở khu vực “hot” được “ký gửi”, “ký chờ” đến hàng chục lần, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Ông Châu Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho biết: thực hiện Đề án chống thất thu thuế trên các lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn TP (trong đó, có lĩnh vực BĐS) do UBND TP ban hành trong năm 2018, thời gian qua, Sở Tư pháp TP đã có văn bản gửi các văn phòng công chứng trên địa bàn chấn chỉnh hoạt động công chứng giao dịch BĐS, tuyệt đối không được “ký chờ”, “ký gửi”, thậm chí, Sở Tư pháp TP tổ chức cho các văn phòng công chứng ký cam kết không tiếp tay thực hiện hành vi sai trái này... Đặc biệt, Sở Tư pháp TP còn nhiều lần giám sát, kiểm tra thực tế hoạt động công chứng giao dịch BĐS tại các văn phòng công chứng trên địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào mà chỉ phát hiện 4 văn phòng công chứng vi phạm trong việc thu phí công chứng không đúng theo quy định. “Nếu không bắt được quả tang và có chứng cứ trong việc giao dịch công chứng theo dạng “ký gửi”, “ký chờ” thì cơ quan chức năng không thể làm được gì. Trước tình hình “sốt” đất như hiện nay, nhất là tình trạng “ký gửi”, “ký chờ” vẫn diễn ra, Sở Tư pháp TP đã gửi văn bản đề xuất UBND TP về một số giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động các phòng công chứng trong lĩnh vực giao dịch BĐS. Trong đó, đề nghị UBND TP cho phép Sở Tư pháp TP chủ trì, phối hợp cùng CATP và Cục Thuế TP triển khai các biện pháp nghiệp vụ như lựa chọn ngẫu nhiên một số hồ sơ công chứng để tiến hành điều tra, xử lý. Nếu phát hiện các phòng công chứng có tình trạng “ký gửi”, “ký chờ” sẽ phạt nặng. Đối với công chứng viên vi phạm, ngoài xử phạt hành chính còn bị tước thẻ hành nghề trong 12 tháng”, ông Châu Thanh Việt cho biết thêm.
Mới đây, ngày 14-3, tại cuộc họp bàn giải pháp triển khai Đề án chống thất thu thuế trên các lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn TP trong năm 2019, ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP đã thống nhất với giải pháp chống tình trạng “ký gửi”, “ký chờ” gây thất thu ngân sách do Sở Tư pháp TP đề ra. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên nhấn mạnh phải xử lý nghiêm công chứng viên tiếp tay trốn thuế trong quá trình hành nghề.
PHÚ NAM
Ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng cho biết: trong năm 2018, Cục Thuế TP đã lập kế hoạch chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh BĐS và phát hiện nhiều hành vi trốn thuế, xử lý truy thu và phạt 26,5 tỷ đồng, giảm lỗ 162,2 tỷ đồng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ 697 triệu đồng; đồng thời kiểm tra 98 hồ sơ tại cơ quan Thuế, qua đó đã xử lý truy thu và phạt 6,5 tỷ đồng, giảm lỗ 327,2 tỷ đồng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ 29,8 tỷ đồng. Như vậy, qua kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và kiểm tra tại cơ quan Thuế, Cục Thuế TP đã xử lý truy thu và phạt với tổng số tiền 33,1 tỷ đồng, giảm lỗ 489,4 tỷ đồng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ 30,5 tỷ đồng. |