Xuất siêu hay bán hàng hộ?

Thứ tư, 25/12/2013 12:34

(Cadn.com.vn) - Dù xuất siêu 2 năm liên tiếp nhưng Việt Nam dường như đang xuất hộ Trung Quốc, đó là thông tin được ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra khiến chúng ta phải giật mình. Trong tín hiệu mừng vì 2 năm liên tiếp xuất siêu, chúng ta cũng rất cần một góc nhìn trái, phản diện để hiểu đúng, đủ bản chất của thành tích ấy.

Theo ông Lâm, 2013 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu và giá trị xuất siêu năm nay là 863 triệu USD, so với 780 triệu USD của năm 2012. Mặc dù xuất siêu nhưng phần giá trị gia tăng ở Việt Nam trong hàng hóa xuất khẩu vẫn rất thấp. “Chúng ta nhập khẩu rất nhiều, nổi lên xu hướng nhập hàng bán thành phẩm từ Trung Quốc, sau đó chế biến, gia công và xuất khẩu, song phần giá trị gia tăng rất ít.

Nói cách khác, tình trạng này có nét giống như chúng ta xuất khẩu hộ cho Trung Quốc”, ông Lâm nói. Dẫn chứng được đưa ra là trong cán cân xuất nhập khẩu, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 18,6 tỷ USD, xuất siêu sang EU 11,2 tỷ USD, xuất siêu sang Nhật Bản là 2,3 tỷ USD nhưng nhập siêu từ Trung Quốc tới 23,7 tỷ USD. Trong tổng số 131,3 tỷ USD nhập khẩu đầu vào, chúng ta nhập chủ yếu là tư liệu sản xuất, máy móc, phụ tùng, nguyên vật liệu tới 120,8 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cũng theo ông Lâm, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn chưa bền vững. Minh chứng là tỷ lệ đóng góp của vốn và lao động trong GDP vẫn rất lớn. Ví dụ như đối với tỷ lệ vốn trong GDP, năm 2010, tỷ lệ vốn chiếm 68%, năm 2011 là 55%, năm 2012 là 59,16% và năm 2013 là 55,79%. Dẫn thêm một số liệu khác, ông Hà Quang Tiến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia nêu, tỷ lệ đầu tư/GDP của Việt Nam rất cao, 30,44% GDP. Nhưng tăng trưởng dường như không tương xứng với lượng đầu tư, chứng tỏ việc đầu tư của Việt Nam là kém hiệu quả.

Theo kết quả điều tra DN 2011, vốn của DN cứ 1 đồng tự có thì phải vay trên 2 đồng, riêng DN Nhà nước vay trên 3 đồng. “Nếu tiếp tục tăng vốn đầu như những năm trước đây để duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế phải tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tiền từ bên ngoài. Vì vậy, việc kích thích tăng trưởng bằng cách tăng đầu tư vừa không hiệu quả, lại dẫn đến nợ nần nhiều, tăng giá và thâm hụt thương mại” - ông Tiến phân tích.

Trong khi đó, WB nhìn nhận, tăng trưởng năm 2013 của Việt Nam vẫn chậm chạp, khu vực kinh tế Nhà nước vẫn trì trệ. Ngân hàng HSBC thì khuyến cáo, nếu không có tiến triển trong các nút thắt cổ chai thì kinh tế Việt Nam sẽ còn có nguy cơ đi ngang trong nhiều năm.

Làm gì để từng bước giảm “bán hàng giúp”, theo các chuyên gia của Tổng cục Thống kê, Chính phủ nên duy trì tốc độ tăng trưởng vừa phải, giảm đầu tư công, khuyến khích huy động tăng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, đồng thời với tái cơ cấu kinh tế, kiểm soát và nâng cao hiệu quả đầu tư.

N.Minh