Xúc động lễ tri ân những người hiến xác cho khoa học
(Cadn.com.vn) - Ngày 19-5, lần đầu tiên lễ tri ân những người hiến xác cho khoa học được tổ chức trang nghiêm và xúc động tại Đà Nẵng. 300 sinh viên y khoa, các thầy cô giáo, y bác sỹ đã kết đài hoa, dâng hương tri ân những "người thầy thầm lặng" với lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc.
Hoa cúc vàng và trắng được tết dọc lối đi, trên thi hài những chuỗi hoa được phủ đầy, rồi từng hàng sinh viên tay bưng đèn hoa tiến vào, trong lặng lẽ, trong nghẹn ngào, lòng tri ân bỗng chuyển thành nước mắt. Với mỗi sinh viên y khoa, họ trân trọng gọi những thi hài nằm đây là thầy, người thầy thầm lặng, bất tử. Bởi lẽ, người thầy bình thường lên lớp truyền giảng bằng bài học, lời nói, còn những "người thầy thầm lặng" này truyền giảng bằng chính thân xác của mình.
Sinh viên Nguyễn Thị Thu Hường (K14 khoa Y Dược - ĐH Đà Nẵng) chia sẻ, dẫu những "người thầy thầm lặng" đã rời xa cuộc sống đời thường để vào cõi vĩnh hằng, nhưng thân thể họ vẫn ở lại, vẫn âm thầm trao tặng những gì cuối đời còn lại để các thế hệ sinh viên được học hành, nghiên cứu. Hình ảnh giải phẫu của họ luôn khắc sâu trong tâm trí sinh viên và sẽ theo mãi suốt quãng đời học và hành nghề. Sự cống hiến của họ tuy âm thầm, lặng lẽ, không có tượng đồng, bia đá nhưng trong trái tim của thầy và trò y khoa thì họ luôn được coi là những "người thầy bất tử".
Sinh viên y khoa rước đèn hoa tri ân những "người thầy thầm lặng". |
Tại Đà Nẵng, từ năm 2008, khoa Y Dược đã tiếp nhận 2 tiêu bản thân thể (thi hài) từ ĐH Y Dược TPHCM về đặt tại Bệnh viện Đà Nẵng để các sinh viên học tập, nghiên cứu. Mới đây, khoa tiếp tục tiếp nhận 2 tiêu bản thân thể mới đặt tại Trung tâm pháp y Đà Nẵng. TS.BS Phan Thế Phước Long- Phó trưởng khoa Y Dược -ĐH Đà Nẵng cho biết: Trong quá trình học tập để trở thành bác sỹ y khoa, sinh viên phải trải qua môn Giải phẫu học, là môn học xương sống, môn học cơ sở của các môn cơ sở. Muốn học tốt môn này, điều cơ bản, quyết định nhất phải có tiêu bản thân thể. Tuy vậy, để có được thi thể phục vụ nghiên cứu, lịch sử y khoa đã phải trải qua nhiều thăng trầm. Một người khi chết, hiến xác cho y học đó là điều vô cùng trân trọng, thể hiện sự hy sinh rất lớn của bản thân và cả gia đình. Bởi vậy, suốt cuộc đời học, hành nghề của sinh viên, thầy thuốc luôn mãi mãi mang nặng nghĩa ân của họ.
Còn TS.BS Nguyễn Đăng Quốc Chấn- Trưởng khoa Y Dược chia sẻ: Ngay từ năm đầu sinh viên vào giảng đường, học môn Giải phẫu học đã được giáo dục phải biết trân trọng những thi hài đã hiến dâng. Đây là những người thầy tuy không thể nói được nhưng không thể thiếu trong cuộc đời mỗi sinh viên y khoa. Đóng góp của họ không thể đo lường bằng những con số thể hiện qua những luận án tiến sĩ, thạc sĩ, những đề tài nghiên cứu khoa học đến những công việc nội trú của các bác sĩ hàng ngày trên khắp đất nước. Cũng theo TS.BS Chấn, những người tuy đã nằm xuống nhưng vẫn tiếp tục cống hiến cho tương lai của đất nước, của ngành y, của các bác sỹ y khoa để góp phần cứu chữa cho các bệnh nhân thể hiện nghĩa cử cao đẹp, rất đáng trân trọng.
Hầu hết các trường y khoa cả nước, hằng năm đều làm lễ tri ân cho những người hiến xác, riêng Đà Nẵng đây là lần đầu tiên tổ chức. Buổi lễ đã để lại niềm xúc động, hàm ơn sâu sắc đối với những "người thầy thầm lặng". BS Phan Quốc Khánh- Phó Chủ tịch Hội hình thể học Việt Nam chia sẻ: Lễ tri ân là dịp để biểu thị cảm phục sâu sắc với những người đã hiến xác cũng như gia đình họ. Song điều quan trọng nữa là giáo dục cho các em sinh viên về lòng biết ơn thầy cô, về đức hy sinh cao cả để từ đó khi ra trường, làm một thầy thuốc, bác sĩ, các em luôn biết cống hiến với nghề, cứu người bằng cái tâm trong sáng.
Nghẹn ngào phút giây làm lễ tri ân. |
BS Khánh tâm sự: "Với truyền thống coi trọng "mồ yên mả đẹp" nên việc hiến xác cho y học với người Việt không phải chuyện dễ với người tự nguyện hiến lẫn gia đình. Có người cha nói với con rằng thân xác con có được là do ba mẹ cho, anh em nuôi nấng mà thành, khi chết phải được nguyên vẹn, không thể tự con quyết định hiến tặng được. Anh con trai phải giải thích thân xác khi chết cũng thành tro, thành đất còn đem hiến cho y học sẽ giúp ích cho việc cứu người, vài năm sau thành tro bụi cũng không muộn, và quyết bảo vệ quan điểm của mình. Cũng có người giấu gia đình quyết định hiến xác, khi gia đình biết chuyện, phải giải thích và thuyết phục rất vất vả gia đình mới đồng ý".
BS Khánh cho biết thêm, gần đây quan niệm hiến xác cho y học đã cởi mở hơn, ở TPHCM đã có hàng ngàn lá đơn tự nguyện xin hiến xác sau khi chết. Đó là tín hiệu rất mừng.
Hải Quỳnh