Xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ ba, 28/06/2016 09:56

(Cadn.com.vn) - Ngày 27-6 tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBT.Ư MTTQVN) Nguyễn Thiện Nhân, Đoàn Chủ tịch UBT.Ư MTTQVN tổ chức hội nghị lần thứ 9 (khóa VIII) để thảo luận, bàn giải pháp triển khai nhiều vấn đề quan trọng trong thời gian tới.

Các đại biểu thảo luận bên lề hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBT.Ư MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vui mừng trước sự kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra thành công tốt đẹp. Đóng góp vào thành công của các sự kiện chính trị trọng đại này có vai trò trực tiếp, quan trọng của UBT.Ư MTTQVN các cấp và Đoàn Chủ tịch UBT.Ư MTTQVN. Sự thành công của Đại hội Đảng và kế tiếp là thành công của cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp đã góp phần củng cố niềm tin, sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự đổi mới, phát triển của đất nước.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, trong 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; dự trữ ngoại tệ tăng khá; lãi suất cho vay có xu hướng giảm; tín dụng đối với nền kinh tế tăng; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. ANCT và TTATXH được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; tăng trưởng kinh tế chịu tác động tiêu cực bởi diễn biến bất lợi của thời tiết, biến đổi khí hậu và tác động của ô nhiễm môi trường biển; sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm... “Những khó khăn, thách thức của tình hình kinh tế - xã hội của đất và những diễn biến trong đời sống nhân dân sẽ gắn liền với những yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của UBMTTQVN các cấp trong thời gian tới”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Vì vậy, ông Nguyễn Thiện Nhân mong muốn Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần này sẽ tập trung thảo luận và cho ý kiến vào các nội dung như góp ý vào dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận 6 tháng cuối năm 2016; góp ý và thông qua Chương trình hành động của MTTQVN thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; bổ sung nội dung và góp ý để hoàn thiện Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN về tình hình nhân dân và đất nước trong 6 tháng đầu năm 2016; thảo luận chuyên đề về phát huy vai trò của MTTQVN trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chương trình đánh giá sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ hành chính công; chương trình giám sát việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. “Đây là các nội dung rất quan trọng và thiết thực trong công tác Mặt trận ở cơ sở, rất cần có sự tổng hợp đánh giá, rút kinh nghiệm để xác định các nội dung và cách thức triển khai trong thời gian tới”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đồng tình và đánh giá cao kết quả hoạt động của UBT.Ư MTTQVN trong thời gian qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng MTTQVN đã tiếp tục phát huy tốt vai trò là cơ sở chính trị quan trọng của chính quyền nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ, huy động được sự tham gia của nhân dân, tạo đồng thuận trong xã hội...

Theo bà Trương Thị Mai, thời gian tới, yêu cầu của quá trình phát triển đất nước đòi hỏi công tác dân vận và công tác của MTTQVN phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đánh giá và dự báo được những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đề xuất chủ trương, giải pháp phù hợp; góp phần thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân... Vì vậy, bà Trương Thị Mai đề nghị MTTQVN hiệp thương, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị các cơ chế còn thiếu, chưa đồng bộ ảnh hưởng đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời đề xuất thể chế hóa về đại đoàn kết toàn dân tộc theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân.

Bên cạnh đó, bà Trương Thị Mai cũng yêu cầu MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, khắc phục xu hướng hành chính hóa trong tổ chức hoạt động, tập trung cho cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân phù hợp với dân trí và đặc điểm tình hình cụ thể của từng giai tầng xã hội, văn hóa vùng miền; nâng cao chất lượng trong thực hiện các quy chế, chương trình phối hợp trong công tác dân vận; xây dựng lực lượng cốt cán, tập hợp, đoàn kết các cá nhân tiêu biểu và động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp trí tuệ, tài năng cho lợi ích quốc gia, dân tộc và mỗi người, mỗi nhà, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Doãn Hùng