Xung quanh việc giáo viên sử dụng ví dụ "nhạy cảm" khi ra đề ngữ văn

Thứ ba, 19/01/2021 13:00

Trong đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn lớp 9, giáo viên đã sử dụng ví dụ được cho là "nhạy cảm" khiến người đọc, phụ huynh bức xúc.

Đề Ngữ văn ở Gia Lai có ngữ liệu nhạy cảm.

Sở GD-ĐT Gia Lai vừa cho biết, Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê đã yêu cầu giáo viên viết giải trình vì đã ra đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 9 cuối học kỳ I (2020-2021) chứa nội dung "nhạy cảm". Theo đó, Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê đã xác định mức độ vụ việc chưa đến mức kỷ luật nên đã kiểm điểm giáo viên này, đồng thời yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc. Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê cho biết đã yêu cầu giáo viên trong ngành cẩn trọng trong việc dùng từ ngữ khi ra đề thi và giảng dạy cho học sinh.

Trước đó, đề kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2020-2021, môn Ngữ văn lớp 9 của Phòng GDĐT huyện Chư Sê đã sử dụng truyện cười "Cắn răng mà chịu" có nội dung: "Mẹ chồng và con dâu nhà kia đều góa bụa. Mẹ chồng dặn con dâu "Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì cắn răng mà chịu". Không bao lâu sau, mẹ chồng có tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn của mẹ thì mẹ chồng đã trả lời: "Mẹ dặn là mẹ dặn con, chứ mẹ già rồi, có còn răng đâu nữa mà cắn".

Nhiều phụ huynh có ý kiến rằng, đề Ngữ văn này không hợp lý, dung tục, không phù hợp với học sinh lớp 9. Chưa kể, đề Ngữ văn trên sẽ hướng học sinh tới câu chuyện lật lọng trong cuộc sống. Không chỉ phụ huynh mà nhiều giáo viên cũng tỏ ra bất bình và không thể chấp nhận được với cách ra đề văn như vậy. Tuy nhiên, với những đề thi cho học sinh, về nguyên tắc phải có sự thống nhất trong tổ bộ môn và được tổ trưởng tổ bộ môn duyệt. Nếu trong nội dung đề về ngữ điệu có vấn đề thì tổ trưởng và các thành viên của tổ bộ môn góp ý. Tuy nhiên với đề thi này thì nhiều người nhận định là khá cẩu thả, và ít được đầu tư cho chuyên môn.

Đây là một đề văn, trên lý thuyết là truyện cười dân gian hài hước nhẹ nhàng, nhưng thực tế có thể ảnh hưởng đến tư duy và nhận thức cửa các em học sinh, thế hệ tương lai của đất nước. Khi các em còn quá nhỏ, nhận thức và tư duy đều non nớt, những đề văn như này sẽ rất dễ gây ra những suy nghĩ lệch lạc, ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động và nhận thức của trẻ trong cuộc sống.

Theo ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê, giáo viên ra đề đã giải thích đây là vấn đề bình thường, khi tiếp cận với phương pháp ra đề mới thì Sở GD-ĐT và Bộ GDĐT cũng khuyến khích lấy những câu chuyện ngụ ngôn, truyện cười để học sinh đánh giá. "Nhưng thực tế người đọc, phụ huynh khó chịu. Do đó, chúng tôi đã nhắc nhở giáo viên lần sau ra đề cẩn trọng khi dùng từ bởi các em đang trong lứa tuổi học sinh" - ông Hoàng nói.

Trong khi đó, ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở GD-ĐT - đánh giá đề thi chưa tốt, ngữ liệu đọc hiểu không có tính giáo dục cao nhưng không phải lỗi sai quá trầm trọng. "Việc ra đề thi có kỹ thuật riêng của ra đề. Đề thi học kỳ luôn có 2 phần đọc hiểu và làm văn. Đề thi này có vấn đề ở phần đọc hiểu. Giáo viên ra đề chọn ngữ liệu không có tính giáo dục cao", ông Định nhận xét. 

T.H