Xung quanh vụ án Đinh Công Sắt bị lợi dụng, kích động, xúi giục khiếu kiện sai sự thật

Thứ năm, 18/09/2008 00:00

Kỳ 1: Vì sao Đinh Công Sắt phạm tội?  

Đinh Công Sắt 

(Cadn.com.vn) - Những ngày gần đây, trong dư luận rộ lên những câu hỏi khác nhau xung quanh vụ án Đinh Công Sắt. Đó là, trong những ngày trước, trong và sau cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII, tại TP Đà Nẵng (TPĐN), cơ quan CA đã phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu mang tính chất bí mật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được phát tán tại một số nơi công cộng ở các quận, huyện trong thành phố. Cùng thời gian này, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ ở T.Ư và một số cơ quan báo chí cũng nhận được các tài liệu này và đơn tố giác một số cán bộ lãnh đạo TPĐN, CATP ĐN sai sự thật. Cơ quan điều tra đã vào cuộc và phát hiện Đinh Công Sắt (1965), trú tổ 39, P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê, nguyên cán bộ CATP ĐN đã bị xử lý kỷ luật, là một trong những đối tượng thực hiện các hành vi nêu trên. Để bạn đọc hiểu rõ hơn, bắt đầu từ số báo này, Báo Công an TPĐN xin đề cập đến một số nội dung chính của vụ án.

Bạn đọc còn nhớ trong năm 2005, một số tờ báo đăng tải vụ thiếu tá Đinh Công Sắt, cán bộ Phòng CSQLHCVTTXH CATP ĐN, đưa xe tải về “ăn vạ” tại sân của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) CATP ĐN. Tham gia vào những “hung thần xa lộ” đã gây ra nỗi kinh hoàng cho người dân ở TPĐN, Sắt có đoàn xe tải gần 10 chiếc. Cậy thế là cán bộ CA, các xe tải của Sắt được gắn ký hiệu Fe, đã phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải... Trước những sai phạm như vậy, một xe của Sắt đang lưu thông trên đường Nguyễn Tri Phương-Đà Nẵng đã bị lực lượng tuần tra Phòng CSGT CATP ĐN xử phạt. Đúng ra, với tư cách là một sĩ quan CA, am hiểu luật pháp, Đinh Công Sắt phải chấp hành các hình thức xử phạt của cơ quan chức năng. Song với bản chất ngang ngược, chẳng những không chấp hành, Sắt đã có hành vi gian dối cho hạ tải rồi đưa chiếc xe tải vi phạm về án ngữ tại sân Phòng CSGT hàng tháng trời. Với những vi phạm nghiêm trọng này, Sắt đã bị ngành CA quyết định xử lý kỷ luật với hình thức tước danh hiệu CAND vào tháng 11-2005. Từ đây, Sắt bắt đầu trượt dài trên con đường phạm tội...

Sau khi bị xử lý kỷ luật, Sắt không khiếu nại nhưng đến tháng 10-2006, theo gợi ý, bày vẽ của một lãnh đạo trong ngành CA, Sắt đã làm đơn gửi lãnh đạo Bộ CA và Chính phủ kêu oan về việc mình bị xử lý kỷ luật. Và, từ tháng 1 đến 4-2007, Sắt đã viết nhiều đơn, thư tố cáo vô căn cứ đối với một số lãnh đạo CATP ĐN và lãnh đạo TPĐN, gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan ở T.Ư, một số cơ quan báo chí. Cụ thể, Sắt đã làm đơn tố cáo lãnh đạo CATP ĐN bao che một số vụ án tại TPĐN và tố cáo một số lãnh đạo TPĐN tham nhũng sai sự thật.

Không dừng lại ở đó, trong tháng 4-2007, được một đối tượng bất mãn ở ĐN ra Hà Nội cung cấp một đơn tố cáo có tít đề: “Đơn tố cáo phát giác thông tin tội phạm về hành vi tham nhũng...”, có nội dung sai sự thật và nhiều tài liệu khác liên quan đến việc giải tỏa đền bù đất đai tại TPĐN, Sắt đã photo nhiều bản sau đó ký vào đơn và gửi cho các cơ quan T.Ư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số cơ quan báo chí. Tiếp đến tháng 5-2007, được một đối tượng ở Hà Nội cung cấp Công văn số 73/KSĐT-KT ngày 31-10-2000 (gọi tắt là Công văn 73) và Công văn số 77/KSĐT-KT ngày 1-11-2000 (gọi tắt là Công văn 77) của VKSND TPĐN gửi lãnh đạo VKSND Tối cao và lãnh đạo có thẩm quyền “Về việc xin ý kiến chỉ đạo vụ án Phạm Minh Thông”,  Sắt đã photo hơn 80 bản để phát tán ở các nơi công cộng trên địa bàn TPĐN, đồng thời gửi cho một số cá nhân tiếp tục photo phát tán và gửi các cơ quan báo chí.

Sau khi Sắt thực hiện xong hành vi phát tán tài liệu, cơ quan ANĐT có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì Sắt bỏ trốn khỏi địa phương, mãi đến ngày 8-1-2008, CAP Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, TPĐN mới bắt được y theo lệnh truy nã. Việc làm nêu trên của Sắt đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT và gây dư luận xấu trong cán bộ, nhân dân, đặc biệt là vào thời điểm trước ngày bầu cử Quốc hội khóa XII. Vậy những ai đã đạo diễn cho Đinh Công Sắt thực hiện các hành vi phạm tội nêu trên?

(còn nữa)

Tổ P.V Điều Tra