Xung quanh vụ việc 3 người tử vong nghi do ngộ độc Botulinum ở Kon Tum
Ngày 8-3, Sở Y tế Kon Tum vừa có báo cáo về kết quả điều tra, giám sát các trường hợp tử vong nghi do bị ngộ độc Botulinum tại thôn Kon Kum, xã Măng Cành (H.Kon Plong, Kon Tum).
Toàn cảnh buổi hội chẩn từ xa tại BV Bạch Mai kết nối với BVĐK tỉnh Kon Tum về vụ việc nghi ngộ độc Botulinum ở Kon Tum. |
Nôn ói, đau bụng sau khi ăn tiệc "Tết chuồng trâu"
Theo đó, ngày 17-2, làng Kon Kum tổ chức ăn "Tết chuồng trâu". Sau vài ngày ăn uống, 6 người ngồi cùng 1 mâm trong làng có các biểu hiện sốt, nôn ói, đau bụng... Sau đó các bệnh nhân được đưa đi điều trị tại Trung tâm y tế (TTYT) huyện và Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, 3 người đã không qua khỏi.
Bệnh nhân tử vong đầu tiên là A.V (36 tuổi, trú thôn Kon Kum, xã Măng Cành, H.Kon Plong). Ngày 21-2, A.V có các triệu chứng đau đầu, đau bụng, ăn uống kém, chóng mặt buồn nôn. Ngày 22-2, A.V nhập viện tại TTYT H.Kon Plong với tình trạng hôn mê sâu. Sau đó bệnh nhân được chuyển xuống BVĐK tỉnh Kon Tum trong tình trạng thở chậm, yếu, môi tái. Đến 6 giờ ngày 25-2, bệnh nhân tử vong chẩn đoán do suy hô hấp/viêm não. Trường hợp khác là Y.N (tên gọi khác Y.B, 65 tuổi, trú thôn Kon Kum). Ngày 22-2, bệnh nhân có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ho nhiều, ho kéo dài từng cơn. Ngày 25-2, bà Y.N nhập viện tại TTYT huyện trong tình trạng sốt, ho, sợ ánh sáng. Đến rạng sáng 2-3, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán: Suy hô hấp/viêm phổi. Bệnh nhân có tiền sử nghiện thuốc lá, nghiện rượu hơn 20 năm.
Trước khi mắc bệnh, bệnh nhân không đi đâu xa và không tiếp xúc với người bệnh.
Tiếp theo là bệnh nhân Y.K (tên gọi khác Y.B, 64 tuổi). Ngày 28-2, bệnh nhân bắt đầu phát bệnh với triệu chứng đau bụng, đau lan ra sau lưng, kèm thể trạng suy kiệt. Tuy nhiên bệnh nhân không đến TTYT, không uống thuốc và điều trị. Đến 3 giờ ngày 1-3, bệnh nhân tử vong tại nhà. Ngoài ra, có 3 trường hợp khác cũng tham gia ăn "Tết chuồng trâu" và có các triệu chứng tương tự gồm: A.L, A.V (cùng 24 tuổi) và A.D (25 tuổi, cùng trú tại thôn Kon Kum). Trong đó A.L và A.V phát bệnh vào ngày 25-2, với triệu chứng đau bụng, nôn khi ăn thức ăn và uống nước, chóng mặt. Cả hai được đưa đến TTYT huyện và chuyển lên BVĐK điều trị ngày 25-2. Đến ngày 2-3, bệnh nhân A.L khỏi bệnh và được cho ra viện với chẩn đoán viêm dạ dày. Còn bệnh nhân A.V được chẩn đoán rối loạn tiền đình, suy thận. Hiện tại A.V vẫn đang được điều trị tại khoa nội tổng hợp BVĐK tỉnh.
Riêng bệnh nhân A.D phát bệnh vào ngày 1-3 với triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Ngay trong ngày, A.D nhập viện tại TTYT huyện rồi chuyển đến BVĐK. Hiện bệnh nhân đang điều trị tại Khoa hồi sức tích cực - chống độc với tình trạng suy hô hấp, viêm gan - suy gan cấp.
Nghi do ngộ độc Botulinum
Ngay trong ngày 2-3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Kon Tum phối hợp với BVĐK tỉnh Kon Tum điều tra dịch tễ và lấy mẫu dịch ngoáy họng, dịch não tủy đối với bệnh nhân A.V và A.D, gửi mẫu bệnh phẩm về Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm. Kết quả mẫu bệnh phẩm của 2 trường hợp trên đều âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm điều tra và lấy 1 mẫu nước và 7 mẫu rượu để xét nghiệm. Hiện ngành y tế tỉnh Kon Tum vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ việc. Trong khi đó, theo các nguồn tin, có thể các nạn nhân bị ngộ độc Botulinum. Theo thông tin người nhà cung cấp, trước khi nhập viện 1 ngày, bệnh nhân có ăn thịt trâu được nấu chín. 22 giờ cùng ngày, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện nôn ói, nhìn mờ, đau đầu, yếu tay chân, người nhà phải dìu, sau đó được người nhà đưa đến Trung tâm y tế huyện Kon Plong và sau đó được chuyển đến BVĐK tỉnh Kon Tum. Thông qua hệ thống Telehealth, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã khai thác rất kỹ các yếu tố về thực phẩm, tiền sử bệnh, diễn biến... để loại trừ các nguyên nhân gây ngộ độc. Cũng qua hệ thống Telehealth, TS Nguyễn Văn Tuận - Chuyên gia về điện cơ và thần kinh cũng đã trực tiếp hướng dẫn cho các đồng nghiệp tại Kon Tum để thực hiện kỹ thuật điện cơ, kích thích lặp lại nhiều lần trên bệnh nhân nhằm phát hiện tổn thương thần kinh cơ điển hình trong các trường hợp ngộ độc Botulinum.
Sau khi nghe ý kiến phân tích của các chuyên gia, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn nhận định, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể nghiêm trọng. Có 5 người ăn thì 4 người bị trước, trong đó 2 người đã tử vong và đây là trường hợp cuối cùng có biểu hiện bệnh sau 13 ngày. Qua lâm sàng và các bằng chứng đang có hiện các chuyên gia nghiêng nhiều về ngộ độc thịt (ngộ độc Botulinum). Giám đốc BV Bạch Mai đánh giá, xử lý ban đầu của các y bác sĩ tại BVĐK Kon Tum rất chính xác. Tuy nhiên, Hội đồng hội chẩn yêu cầu BVĐK Kon Tum làm thêm một số xét nghiệm liên quan đến chuyên ngành chống độc như cấy phân, xét nghiệm dịch dạ dày... để có thêm căn cứ khẳng định chẩn đoán ngộ độc thịt.
Ngay sau đó, Giám đốc BV Bạch Mai cũng đã cử chuyên gia chống độc mang theo thuốc giải độc Botulinum vào Kon Tum để trực tiếp hỗ trợ, cứu chữa cho bệnh nhân.
B.T