Ý kiến trái chiều về dự án đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn

Thứ ba, 25/06/2019 13:45

PGS.TS Trần Cát - một chuyên gia về cấp thoát nước, xử lý nước thải và môi trường cho rằng, chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng cần cân nhắc, cẩn trọng trong triển khai dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn bằng công nghệ đốt rác phát điện do Cty CP Môi trường Việt Nam đề xuất. Cụ thể là cần xem xét thấu đáo về công nghệ, hiệu quả kinh tế và chi phí vận hành thường xuyên.

Bãi rác Khánh Sơn hiện gần lấp đầy, nếu không mở rộng sẽ không còn nơi chôn và xử lý rác.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, hiện UBND thành phố đã thống nhất chủ trương nâng cấp dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn. Đơn vị thực hiện là Cty CP Môi trường Việt Nam đề xuất triển khai bằng công nghệ đốt rác phát điện, được thực hiện liên doanh với Cty Everbright International, một đối tác của Hồng Kông. Theo trình bày của Cty CP Môi trường Việt Nam, công nghệ đốt rác phát điện của Everbright International đang được triển khai cho dự án Đốt rác phát điện tại Cần Thơ. Mỗi tấn rác sinh hoạt có thể cung cấp lượng điện sạch trên 280KW.h. Dự kiến, mỗi năm, nhà máy tiếp nhận xử lý 146.000 tấn rác sinh hoạt, cung cấp khoảng 60.000.000KW.h điện sạch. Căn cứ  thực tế giai đoạn 1 dự án đã được triển khai, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương làm việc với đơn vị đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn có báo cáo đánh giá toàn diện về hiệu quả triển khai dự án của Cty Everbright International tại Cần Thơ, cả về công nghệ, quy trình triển khai dự án, đánh giá của các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương… qua đó đề xuất hướng đầu tư tại Đà Nẵng.

Theo PGS.TS Trần Cát, Cty Everbright (EB) là Cty Trung Quốc, có nhà máy chế tạo dây chuyền thiết bị đốt rác phát điện đặt tại Trung Quốc đại lục, chứ không phải là Cty của Hồng Kông. Đơn vị này có học công nghệ của Châu Âu rồi nội địa hóa và sản xuất được 100% ở Trung Quốc. Trong 10 năm trở lại đây, EB đã đầu tư và cung cấp các dây chuyền thiết bị cho hơn chục nhà máy xử lý rác ở nước này. Liên quan đến công suất xử lý 650 tấn rác/ngày đêm đối với Nhà máy xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn, ông Cát cho rằng  dự án này đưa ra các số liệu về lượng rác xử lý và lượng điện năng thu được là không chính xác. Cụ thể, nếu tính theo số liệu mà đơn vị đưa ra thì số lượng rác được xử lý hàng năm là: 650 tấn/ngày X 365 ngày/năm = 237.300 tấn rác. Con số này không thực tế vì dây chuyền mỗi năm cần có 30 ngày bảo dưỡng. "Cũng theo số liệu nêu trong dự án thì mỗi tấn rác khi đốt cung cấp được lượng điện là 300 KWh. Như vậy, tối đa lượng điện có thể đạt được về lý thuyết là 60,3 triệu kWh. Vì thế con số 90 triệu KWh điện thu được mỗi năm được nêu ra trong dự án cũng hoàn toàn không chính xác", ông Cát cho hay. Dự án cũng nêu tỷ lệ công suất điện tự dùng của nhà máy là 19%, điều này rất khó khả thi vì Nhà máy điện rác Nam Sơn, công nghệ Hytachi của Nhật có tỷ lệ điện tự dùng đến 38%! Cứ giả định tỷ lệ điện tự dùng của Trung Quốc chỉ bằng một nửa của công nghệ Nhật thì điện phát lên lưới là 60,3 triệu x 81% = 48,8 triệu KWh. Nếu so với công nghệ INTEC - TCP (CHLB Đức) thì công suất xử lý rác đầu vào (tất cả các loại rác chưa phân loại) là 1.131 T/ngày, lớn hơn 1,74 lần phương án của EB nhưng lượng điện phát lên lưới là trên 290 triệu KWh, tức là lớn hơn gần 6 lần sản lượng điện theo công nghệ của EB.

Như vậy có thể nói rằng hiệu quả đốt rác phát điện sử dụng công nghệ EB của TQ là rất  thấp.

 Ngoài ra, PGS.TS Trần Cát  chỉ ra trong dự án hoàn toàn không nêu các thông số kinh tế có tính quyết định đến hiệu quả đầu tư. Ngoài chi phí vốn trong giá thành thì dự án sẽ có các chi phí vận hành thường xuyên như: tiền lương và BHXH, chi phí quản lý, chi phí chuyên gia nước ngoài, bảo dưỡng duy tu, chi phí chôn lấp tro xỉ và tro bay, chi phí nước sản xuất và nước sinh hoạt, chi phí xử lý khí thải và tro bụi… Như vậy, tính cả chi phí vốn và chi phí vận hành thường xuyên thì tổng chi phí mỗi năm của nhà máy có thể lên tới khoảng 15 triệu USD (nếu tính toán so sánh với dự án ở Cần Thơ). Trong khi đó, dự án tại Đà Nẵng nếu tính toán thì có tổng doanh thu khoảng 9,47 triệu USD, tức là thấp hơn tổng chi phí rất nhiều. "Ước tính sơ bộ để thấy rằng dự án với công nghệ của Trung Quốc không có hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư vì doanh thu không đủ bù đắp cho chi phí. Công ty CP môi trường Việt Nam tại Đà Nẵng đã có những bài học khi công nghệ của họ không có hiệu quả và nhà máy xử lý rác của họ đã phải đóng cửa sau 2 năm hoạt động. Những điều phân tích chứng tỏ rằng, việc nâng cấp dự án hiện có bằng công nghệ EB (Trung Quốc) thì vấn đề xử lý rác thải ở bãi rác Khánh Sơn vẫn không có một câu trả lời rõ ràng về mặt kinh tế kỹ thuật và môi trường", ông Trần Cát đánh giá.

Ngày 24-6, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, Ủy ban MTTQVN thành phố mới tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về chủ trương nâng cấp bãi rác chứ chưa đề cập đến nhà máy xử lý rác. Còn về Nhà máy xử lý chất thải rắn do Cty CP Môi trường Việt Nam đề xuất triển khai bằng công nghệ đốt rác phát điện, hiện nay thành phố mới có chủ trương. Khi thực hiện các thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường sẽ mời chuyên gia lấy ý kiến thẩm định. Khi được hỏi về những ý kiến phản biện cho dự án do Cty sắp thực hiện tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty CP Môi trường Việt Nam nói: "Các nhà khoa học thì họ lập luận trên lý thuyết thôi. Vào xem tận mắt công nghệ và cách vận hành sẽ có cảm nhận tốt hơn chứ bây giờ người dân họ cũng mơ mơ hồ hồ, không nắm rõ. Lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành cũng đã vào tận Cần Thơ để khảo sát, xem xét. Tập đoàn họ đã tính toán, đảm bảo về khả thi kinh tế, mức độ lợi nhuận". Ông cũng cho hay Cty đang gấp rút tiến hành các thủ tục để khởi công dự án vào tháng 9 năm này và đưa vào vận hành vào năm 2021.

CÔNG KHANH

PGS.TS Trần Cát (85 tuổi) là chuyên gia chuyên ngành Cấp Thoát nước, xử lý nước thải và môi trường nước, được đào tạo về chuyên ngành nước tại Nga (1961 - 1966) và Đức (1978 - 1981). Trước đây, ông là Trưởng bộ môn Cấp và thoát nước của trường Đại học xây dựng Hà Nội, Trưởng Khoa Xây dựng của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ông cũng từng là Trưởng nhóm chuyên gia các dự án của thành phố như dự án Quản lý tổng hợp vùng bờ Đà Nẵng do WB tài trợ; dự án Cải thiện môi trường nước, xử lý nước thải cho các hộ chế biến thủy sản ở P. Thọ Quang do GEF (Quỹ môi trường toàn cầu) tài trợ.