Ý nghĩa từ thông điệp Liên bang Nga
(Cadn.com.vn) - Ông chủ Điện Kremlin cho rằng, chủ quyền và niềm tự hào dân tộc là “điều kiện cần thiết cho sự sống còn” của Nga.
Trong bản thông điệp liên bang năm 2014 đọc trước Quốc hội hôm 4-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin kiên quyết bảo vệ chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, khẳng định “không chọn con đường bị cô lập” bất chấp sức ép từ phương Tây và đưa ra giải pháp cho nền kinh tế đang trì trệ.
Bài phát biểu hàng năm của ông chủ Điện Kremlin thật sự gây chú ý trong bối cảnh mối quan hệ Nga - phương Tây căng thẳng nhất là kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Bởi lẽ, đây là văn kiện cơ bản phác thảo lập trường chính sách của Tổng thống Nga, không chỉ cho năm tới mà còn cho cả tương lai.
Không để bị cô lập
Mở đầu bản thông điệp, ông chủ Điện Kremlin lên án cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, vụ việc dẫn đến cuộc khủng hoảng tồi tệ vốn cướp đi hơn 4.000 sinh mạng ở Ukraine.
Tổng thống Nga cáo buộc, việc lợi dụng vấn đề nhân quyền để che đậy vụ đảo chính này là đạo đức giả và khẳng định, Moscow có quyền theo đuổi con đường phát triển duy nhất của mình. Bất chấp áp lực và chỉ trích từ phương Tây, Tổng thống Putin vẫn kiên quyết bảo vệ chính sách đối ngoại của Nga, khẳng định, những động thái của Điện Kremlin là cần thiết cho sự sống còn của nước nhà.
Trong bản thông điệp được chờ đợi này, ông Putin cũng cho rằng, chủ quyền và niềm tự hào dân tộc là “điều kiện cần thiết cho sự sống còn” của nước Nga. “Nếu đối với nhiều nước Châu Âu, chủ quyền và niềm tự hào dân tộc đang bị lãng quên và trở nên xa xỉ, thì đối với Liên bang Nga, đó là điều kiện hoàn toàn cần thiết cho sự tồn tại của đất nước”, ông Putin tuyên bố trước nội các, các nghị sĩ và các nhà lãnh đạo cộng đồng. “Tôi muốn nhấn mạnh: chúng ta hoặc sẽ khẳng định chủ quyền hoặc sẽ hòa tan trong thế giới...”, ông nói thêm.
Nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới cũng buộc tội các cường quốc phương Tây mang “chủ nghĩa hoài nghi” vào tình hình ở Ukraine và nhấn mạnh, thật vô ích khi nỗ lực đàm phán với Nga qua lập trường sức mạnh. Ông khẳng định, “họ sẽ thất bại như Hitler từng thất bại với ý tưởng độc tài của ông ta”. Tuy nhiên, ông Putin khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và Châu Âu chứ “không để bị cô lập”.
Tổng thống Putin đọc bản thông điệp liên bang trước Quốc hội hôm 4-12. Ảnh: Itar-Tass |
Chú trọng kinh tế
Việc đồng rouble và giá dầu giảm mạnh, lạm phát leo thang, và nguy cơ phải hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt từ phương Tây khiến triển vọng kinh tế Nga đang rơi xuống nhanh hơn nhiệt độ mùa đông Siberia.
Đồng rouble lập mức thấp kỷ lục vào ngày 4-12. Tất nhiên, bài phát biểu của ông chủ Điện Kremlin không thể bỏ qua vấn đề quan trọng này. Tổng thống Putin kêu gọi Ngân hàng Trung ương nhanh chóng can thiệp và nỗ lực chống “đầu cơ” - những người đang kéo đồng rouble xuống dưới đáy. “Các nhà chức trách biết ai đang đầu cơ và các công cụ chúng ta có thể sử dụng để gây ảnh hưởng đến họ”, ông Putin nói. Và theo ông, “đã đến lúc phải sử dụng các công cụ này”.
Thực tế, ông Putin đang chịu áp lực phải tìm ra liều thuốc tốt cho nền kinh tế đang đi xuống của nước Nga, vốn do bị hứng chịu các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây. Uy tín và quyền lực của ông Putin là điều không cần phải bàn cãi. Trong suốt sự nghiệp nắm quyền ở nước Nga, ông Putin không gặp bất kỳ chỉ trích lớn nào về cách điều hành kinh tế. Thậm chí, 4 năm ông Putin làm Thủ tướng Nga là thời điểm nền kinh tế phát triển thịnh vượng nhất.
Nhưng mối nguy hiểm lớn nhất của Tổng thống Nga là nền kinh tế đang chịu áp lực kép của lệnh trừng phạt và giá dầu giảm.
Khả Anh