Y tế tuyến xã - muôn vàn khó khăn

Thứ bảy, 04/10/2014 09:50

(Cadn.com.vn) - Trạm y tế xã là nơi trực tiếp chăm lo sức khỏe cho người dân thế nhưng một thực trạng hiện nay là các cơ sở y tế này đa phần đã xuống cấp một cách đáng báo động.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho phép sử dụng kinh phí từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2014 để đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, giếng cấp nước tại 8 trạm y tế tuyến xã thuộc 4 huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên.

Trạm y tế xã Duy Tân, H. Duy Xuyên có lẽ là một trong những trạm y tế “lâu đời” nhất với tuổi đời hơn 30 năm. Từ khi xây dựng đến nay trạm chỉ được sửa chữa, đóng gạch men một lần vào năm 2002 với nguồn kinh phí từ tổ chức Thầy thuốc không biên giới của Bỉ. Dãy nhà gồm 5 phòng với những cánh cửa đã bạc màu theo năm tháng là nơi khám chữa bệnh của hơn 4.000 người dân trong vùng.

Sau khi phát thuốc cho một bệnh nhân, dược sĩ Đàm Thị Phương thở dài: “Người dân đến trạm hầu hết là người già, họ nghe trên ti vi quảng cáo thuốc gì là đòi cho thuốc đó nhưng mỗi bệnh khác nhau làm sao kê theo ý họ được. Trong những cuộc họp tôi cũng thường hay nói với các chị em khi khám chữa bệnh phải chú ý giải thích cho người dân hiểu. Làm việc ở tuyến xã là phải tâm lý nữa”.

Dược sĩ Phương đang cấp phát thuốc cho người dân.

Trạm y tế xã Duy Tân có 5 cán bộ gồm 2 y sĩ, 2 nữ hộ sinh trung học, 1 y tá và 1 dược sĩ. Tuy nhiên, số lượng công việc nhiều nên khi có ai đó nghỉ thì rất khó sắp xếp công việc. Trung bình một tháng phải khám cho 600 lượt bệnh nhân, rồi còn phải chia ca trực và làm công tác tuyên truyền, tiêm vắc xin. Không chỉ khó khăn về nhân lực mà sự thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng là một vấn đề lớn.

Hiện nay khu nhà vệ sinh của trạm đã xuống cấp, các máy móc, phương tiện khám chữa bệnh cũng thiếu trầm trọng. Chị Phương cho biết: “Không chỉ riêng trạm y tế của chúng tôi mà hầu hết tất cả các trạm y tế ở địa phương khác cũng gặp nhiều khó khăn như vậy. Công tác y tế vốn đã có nhiều khó khăn huống hồ là làm y tế ở những vùng quê còn nhiều thiếu thốn như thế này”.

Hiện nay công việc chính của trạm là cấp phát thuốc cho người dân còn công tác sinh sản thì đã ít hơn vì hầu hết người dân giờ đều sinh con ở bệnh viện huyện, thành phố. Khi có ca sinh khó, lại rơi vào mùa lũ lụt càng vô cùng khó khăn khi xử lý, đòi hỏi sự xử lý khéo léo, bình tĩnh của đội ngũ y sĩ, nữ hộ sinh...

Ngoài trạm y tế xã Duy Tân, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều trạm y tế đa phần đã xuống cấp như trạm Bình Tú (Thăng Bình), Quế Châu (Quế Sơn)...Trước thực tế đó UBND tỉnh đã có Đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Quảng Nam đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. Theo đó từ nay đến 2020 ngành Y tế sẽ bổ sung 1.300 cán bộ y tế thôn bản. Bên cạnh đó Sở Y tế cũng đã tham mưu HĐND, UBND huyện tỉnh huy động nguồn lực xây dựng và nâng cấp các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 có 90% số trạm y tế xã đạt chuẩn.

Trên hành trình xây dựng nông thôn mới, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân là vô cùng quan trọng góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống con người. Tháo gỡ khó khăn cho y tế tuyến xã là vấn đề cần được quan tâm, sâu sát nhiều hơn nữa!

H.D