Y Thim Byă - người nhạc trưởng của buôn làng
(Cadn.com.vn) - Ở Buôn Ea Bông, xã Cư Eabur, TP Buôn Ma Thuật, Đắc Lắc, người ta có tiền thì xây nhà, tậu trâu, sắm ô-tô, xe máy xịn... còn vợ chồng Y Thim Byă (42 tuổi) và H’Điu Êban (40 tuổi) thì khác. Có lúc, họ bỏ ra hàng tạ cà-phê để tậu về một bộ chiêng Lào, hay một chiếc ghế K’pan, J’hưng mà ai đó vứt đi, nằm vất vưởng trong các nương rẫy...
Nhà Y Thim giờ đây là cả một không gian văn hóa kỳ vĩ, đậm đà bản sắc vùng đất cao nguyên.
Đổi của lấy chiêng, dựng nhà trưng bày
Có một điều làm Y Thim luôn trăn trở: “Dân tộc mà mất bản sắc là mất tất cả. Văn hóa gốc tích đã có sẵn. Dù không mặc khố, không ở nhà sàn nhưng vẫn là con người Ê ĐÊ”. Thế là anh bàn với vợ đổi từng tạ cà-phê để cất công đi tìm, mang về rất nhiều “báu vật” làm giàu cho bộ sưu tập của mình. Tích cóp, dành dụm hơn 20 năm trời, vào năm 2008, vợ chồng Y Thim cất được căn nhà dài đúng “kiểu” của người Ê ĐÊ, đặng có nơi để “giữ hồn” cái chiêng, cái ché. “Nhà dài nhưng đồ nhiều, vẫn chưa đủ chỗ để trưng bày hết được”-Y Thim tâm sự.
Sau mấy bậc cầu thang , bước vào nhà Y THIM chẳng khác nào bước vào nhà một người tù trưởng giàu có, danh giá nhất của buôn làng. Bộ trống da trâu (gồm 2 chiếc; trống đực và trống cái) to kềnh, đen bóng có từ lâu đời đặt chính giữa như làm tăng thêm cái vị thế uy nghi cho chủ nhà.
Theo cách tính của người Ê ĐÊ thì Y Thim giàu có sánh ngang hàng với các M’tao ngày xưa. Giờ đây, Y Thim là chủ sở hữu của gần 20 bộ chiêng cổ (bộ chiêng Ê ĐÊ:10, bộ chiêng Mơ Nông: 6 , bộ chiêng Gia Rai: 4). Trị giá của những bộ chiêng của Y Thim chỉ có thể đem tính bằng đàn voi, đàn trâu, hoặc hàng tấn cà-phê. Nhà Y Thim giờ không thiếu thứ gì: từ đồ cúng thần, dụng cụ lao động, đồ đựng thức ăn, dụng cụ thể dục, nghệ thuật như: lư hương, nồi đồng, ché tang, ché tuk, xà vạt, gùi Mơ Nông, Đinh buk, Đinh năm, Tù và, Tar...
Trong số đó, chiêng ché là thứ có mặt nhiều nhất trong bộ sưu tập: từ chiêng kur, chiêng kbuăn, chiêng kđơ, chiêng kram đến ché tub, ché tang, ché bô... tất cả đều có giá trị văn hóa vật chất và tinh thần cần được gìn giữ.
Cạnh hai hàng chiêng, ché chạy dài theo căn nhà là hàng trưng bày các dụng cụ lao động của người Ê Đê: máy tách bông bằng gỗ, khung dệt, cuốc, xà vạt, cung tên, cối giã gạo, bầu nước... trong đó, có cả bộ nồi đất mà khó khăn lắm Y Thim mới “chuộc” từ Gia Lai bằng 4 tạ cà-phê lúc đó. Những chiếc gùi bắc Tây Nguyên, gùi lên nương của người Ê Đê, Mơ Nông (có gùi dành cho đàn ông và gùi dành cho phụ nữ) có mặt trên giá trưng bày ở nhà Y Thim đều rất gần gũi với đời sống đồng bào. Đặc biệt, chiếc bầu nước được anh lặn lội mang về từ H. Krông Buk không đơn thuần là một dụng cụ đựng nước lên nương mà xưa kia còn dùng làm “hũ gạo tiết kiệm” của đồng bào dân tộc Ê ĐÊ ở Tây Nguyên theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
“Một dân tộc mất văn hóa là mất hết tất cả”- Y Thim khẳng định như vậy. Gìn giữ văn hóa dân tộc là tâm nguyện cả đời của Y Thim.
![]() |
Y Thim trong căn nhà trưng bày của mình. |
Người nhạc trưởng của buôn Ea Dông
Đam mê nghệ thuật, giàu nhiệt huyết với buôn làng, Y Thim lập hẳn đội cồng chiêng. “Đội cồng chiêng nhà Y Thim” có 2 dàn: dàn trẻ và dàn già. Đội nổi tiếng nhất khi chơi các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, thường xuyên đi lưu diễn trong và ngoài tỉnh. Đội nhạc này có hơn 30 nghệ nhân lớn tuổi tham gia, chơi điêu luyện các nhạc cụ dân tộc.
“Nhiều người cùng giữ, cùng đánh, cùng thưởng thức mới gọi là bảo tồn. Cái chiêng, cái ché mang về để mãi trong nhà mà không mang ra đánh thì tiếng sẽ không thanh, Giàng không nhập là chiêng không có linh hồn”. Từ suy nghĩ đó, Y Thim vào vai người nhạc trưởng, tuyển chọn và đào tạo hàng chục thanh niên trong buôn biết chơi các loại nhạc cụ dân tộc “Có hiểu được ý nghĩa của những cái chiêng, cái ché thì mới biết yêu, biết quý nó”- Y Thim giảng nghĩa.
Tiếng đàn T’rưng, Đinh pá, Đinh buk vang dội đêm ngày, say sưa bên cạnh từng điệu hát Ay Ray. Vợ chồng nhà Y Thim mừng thầm: nhà lúc nào cũng “dài như tiếng chiêng ngân”, vang vọng cả núi rừng Tây Nguyên.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là Y Thim không chỉ biết lưu giữ, bảo tồn mà còn tự chế tác các loại nhạc cụ dân tộc. Từ chiếc đàn T’rưng đến chiếc Đinh Pá, Đinh tuk trong nhà đều do tay anh chế tạo nên. Anh quan sát, tìm tòi những gì mới lạ từ các loại nhạc cụ có sẵn rồi hòa phối thêm các thanh âm. Chiêng Arắp M’ô là loại nhạc cụ dân tộc mà Y Thim chế tác dành riêng cho con trai là Y Thu tham dự Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Đắc Lắc lần thứ VI vừa rồi. Mới 8 tuổi, Y Thu đã là “nghệ nhân nhí” biết chơi thành thạo hơn 5 loại nhạc cụ dân tộc và sành sỏi từng âm sắc trong các điệu hát Ay Ray truyền thống.
Bản làng ngày một thay đổi, nhìn hàng trăm ngôi nhà khang trang, xây cách tân hiện đại mọc lên. Mừng cho buôn làng ngày một đổi mới. Song, Y Thim lại đau đáu lo cho sự phai nhạt của nền văn hóa dân tộc mình. Y Thim nhắn gửi: “Đi đến đâu thì đi, làm gì thì làm nhưng phải biết giữ gìn và quay về với gốc tích”.
Trường nguyễn - y. Lan