Yêu nước, thương dân, đạo đức vĩ đại của Bác Hồ
(Cadn.com.vn) - Đúng vào dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-2007), Bộ Chính trị, T.Ư Đảng phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nêu lên nội dung và ý nghĩa tấm gương đạo đức vĩ đại của Bác Hồ trong xây dựng và rèn luyện Đảng ta. Một trong những động lực xây dựng, rèn luyện, phát triển đạo đức Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân của Người. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, “không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Mục đích của xây dựng, rèn luyện đạo đức là phục vụ nhân dân và nhân loại. Chính vì vậy mà trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chữ “NHÂN” luôn đứng hàng đầu. Người khẳng định, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, không có lực lượng nào bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân.
Toàn bộ cuộc đời và hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh là tổ chức, giáo dục và mưu cầu hạnh phúc cho dân. Ham muốn tột bậc của Người là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Yêu nước, thương dân là đức lớn nhất của Bác và cũng là động lực to lớn nhất thôi thúc Người hoạt động cách mạng, xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, phấn đấu vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Từ lòng yêu nước, thương dân mà Bác đã bất chấp mọi hiểm nguy, gian nan, khổ cực, quyết chí ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Trước lúc “từ biệt thế giới này”, Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Bác căn dặn những công việc phải làm sau chiến tranh, trong đó “đầu tiên là công việc đối với con người”, chăm lo xây dựng con người, các thế hệ cách mạng cho đời sau “vừa hồng, vừa chuyên”.
![]() |
Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội |
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và khéo dùng khái niệm “trung với nước, hiếu với dân” thể hiện tư tưởng đạo đức cơ bản yêu nước thương dân của người cách mạng. Theo Người: "Trung với nước, hiếu với dân" là nội dung cơ bản nhất của đạo đức mới mà người cách mạng thường xuyên tu dưỡng và thực hành. Nội dung và yêu cầu của “trung với nước, hiếu với dân” trong điều kiện Đảng cầm quyền có nhiều vấn đề mới do Đảng và nhân dân có chính quyền làm công cụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, như Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo, ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, Đảng cầm quyền thì cán bộ, đảng viên dễ mắc vào quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, nhân dân; thoái hóa, biến chất, độc đoán, chuyên quyền, tham ô, lãng phí... vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, thậm chí có nơi, có lúc, có người còn chà đạp, ức hiếp dân, xâm phạm quyền lợi chính đáng của nhân dân. Và để chống các bệnh ấy, Bác đã chỉ rõ rằng: Đảng cầm quyền thì cán bộ, đảng viên càng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh, ra oai. Phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phải thật thà, ngay thẳng, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan; phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư” và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đó là đạo đức của người Cộng sản. Người đảng viên Cộng sản phải nêu gương và làm gương đạo đức để làm “mực thước cho người ta bắt chước”. Việc thấm nhuần tư tưởng đạo đức, tấm gương Hồ Chí Minh phải làm thiết thực, gắn liền quá trình phấn đấu rèn luyện lâu dài, bền bỉ của cán bộ, đảng viên và mỗi đảng viên cần nêu gương về đạo đức, tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời. Chính vì vậy, Đảng ta yêu cầu trong sinh hoạt Đảng, trong công tác cán bộ, đảng viên cần được học tập có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là về đạo đức cách mạng, các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức tư tưởng, năng lực hoạt động thực tiễn. Trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy cần thật sự mở rộng và phát huy dân chủ, nghiêm túc tự phê bình, phê bình, đề cao ý thức phòng, ngăn ngừa suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự tự giác rèn luyện, gương mẫu trong mọi việc, gắn bó với dân và vì dân. Cấp ủy các cấp lấy chất lượng cuộc sống của quần chúng, nhân dân, tinh thần, thái độ của dân đối với Đảng, Nhà nước, với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để đánh giá chất lượng sinh hoạt đảng, chất lượng, uy tín cán bộ, đảng viên. Đồng thời coi trọng nâng cao chất lượng và hiệu lực kiểm tra đảng viên và tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên. Có những chế tài cụ thể trong chống tham nhũng, lãng phí để khắc phục có hiệu quả sự thoái hóa, biến chất của đảng viên, nhất là đảng viên giữ các trọng trách ở các ngành, các cấp. Một khi kiểm tra, phát hiện ra những yếu kém, thoái hóa biến chất, vi phạm pháp luật và Điều lệ Đảng của đảng viên, cán bộ, tổ chức Đảng thì cần phải nhanh chóng xử lý và xử lý nghiêm minh, công bằng, đúng người, đúng tội. Đảng và Nhà nước cũng cần đề ra những chính sách mới chăm nuôi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cả vật chất, văn hóa phù hợp với lao động, cống hiến của họ và sự phát triển kinh tế văn hóa của đất nước.
Kỷ niệm sinh nhật Đảng một cách thiết thực, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng hãy liên hệ bản thân và tổ chức Đảng trong việc thấm nhuần đạo đức “yêu nước, thương dân” của Bác Hồ và thực hiện chương trình hành động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".