ZIPPO - không chỉ là bật lửa (2)

Thứ sáu, 06/11/2009 00:00

>> Zippo - không chỉ là bật lửa

Kỳ cuối: Zippo và những chuyện thật – giả

(Cadn.com.vn) - Được lùng mua ráo riết nên chỉ trong một thời gian ngắn những chiếc Zippo có khắc dòng chữ của lính Mỹ ngày càng hiếm, ấy thế mà hiện nay tại các điểm bán Zippo trên vỉa hè hoặc trên mạng Internet nhiều chiếc bật lửa như thế vẫn được rao bán. Tôi đã cất công đi tìm những chiếc Zippo để biết thế nào là Zippo thật-giả.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại Zippo khác nhau, từ những chiếc có giá cả ngàn USD đến những chiếc chỉ giá vài chục ngàn đồng, có chiếc do Mỹ sản xuất, cũng có chiếc do Trung Quốc hoặc “made in Chợ Lớn” làm ra. Vì thế, đối với những người không chuyên thì việc tìm mua Zippo thật đúng nghĩa giống như bước vào ma trận. H. đã dẫn tôi đến những địa điểm bán bật lửa Zippo trên TP Đà Nẵng để tìm hiểu về những ngón nghề buôn bán Zippo. Bước vào một điểm bán trên vỉa hè đường Hùng Vương, chúng tôi hỏi:

- Còn có cái Zippo nào thời chiến tranh không bà chủ?

- Loại đó làm gì còn nữa. Chỉ có loại đời sau và hàng cầm tay thôi.

- Thế bao nhiêu một chiếc?

- 300 trăm ngàn đồng một chiếc, còn nếu muốn rẻ hơn thì mua hàng Trung Quốc, chỉ mấy chục ngàn đồng thôi.

 Những chiếc Zippo thật tại nhà chị Yên.

Nghe bà chủ tiệm nói thế, H. kéo tôi đi ngay, vì theo H. thì hiện nay những chiếc Zippo do Mỹ sản xuất rất hiếm, cái mà bà chủ tiệm cho chúng tôi xem chỉ là hàng giả được làm một cách tinh vi. Theo H., để phân biệt Zippo thật - giả thì có nhiều cách, nhưng cách chủ yếu là xác định năm sản xuất và ký hiệu được dập dưới đáy bật.

Nếu được sản xuất từ năm 1958 - 1965, Zippo sử dụng các dấu ngoặc kép (“), còn nếu sản xuất giai đoạn 1966 - 1973 dùng dấu gạch thẳng đứng (|), năm 1974 - 1981 là dấu gạch chéo (/), từ năm 1982 - 1986 dùng gạch chéo theo chiều ngược lại (\). Còn những chiếc được sản xuất sau này thì Zippo dùng chữ La-tinh để xác định tháng và số La Mã để xác định năm sản xuất. Ngoài ra, phải căn cứ vào vài yếu tố khác như bánh đá hoặc lò xo. H. nói: “Hiện nay, công nghệ làm giả phát triển lắm nên đã có rất nhiều người mua nhầm hàng giả mà không biết”.

Khi đi tìm hiểu về Zippo tại TP Đà Nẵng, tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Hường. Cái tiệm nhỏ sửa chữa bật lửa của ông nằm trên vỉa hè đường Hùng Vương ấy thế mà từ 20 năm nay nó đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người mê Zippo. Ông Hường cho biết: “Bây giờ mà tìm được một chiếc Zippo của lính Mỹ ngày trước thì khó lắm vì mấy năm trước đây người ta đi săn lùng mua hết rồi, chủ yếu là để bán làm kỷ niệm cho lính Mỹ từng ở Việt Nam và các nhà sưu tầm. Trước đây tôi cũng có một chiếc, vừa rồi có một ông Tây đến hỏi nên tôi đã bán cho với giá hơn 1 triệu đồng”. Ông Hường trước đây từng là người chuyên đi săn tìm Zippo để bán lại kiếm lời và công việc này đã đem lại cho ông nguồn thu nhập đáng kể.

Những chiếc Zippo được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, thép, bạc, thậm chí bằng vàng. Giá trị của chúng tùy vào độ hiếm, cổ xưa cũng như tình trạng hay ký hiệu được khắc trên đó. Chiếc bật lửa Zippo thông thường có giá từ vài chục đến vài trăm USD vì thế mà nó trở thành mục tiêu săn tìm của nhiều người. Ông Hường kể: “Để có được chiếc Zippo có giá trị tôi phải đi đến nhiều vùng quê để tìm như Đại Lộc, Quế Sơn, Trà My... Lúc trước thì có nhiều nhưng chừ tìm đỏ mắt cũng không còn nữa. Bởi thế nên khi nghe ai nói là có Zippo thật thì anh đừng vội tin, coi chừng mua nhầm của giả”. Không còn đi săn tìm những chiếc Zippo thật có giá trị, bây giờ ông Hường hài lòng với việc được sửa chữa và bơm xăng cho Zippo và với công việc này ông cũng có thu nhập đủ trang trải cho sinh hoạt hằng ngày của mình.

Những chiếc bật lửa Zippo mang hồn của quá khứ gần như đã vắng bóng, thế nhưng khi dạo qua vài điểm bán, nhất là các trang bán Zippo qua mạng ta thấy những chiếc Zippo vẫn được rao bán, với giá không rẻ chút nào. Chiếc đắt nhất được ra giá đến vài triệu đồng, còn rẻ nhất cũng 300-400 ngàn đồng. Thế nhưng nhiều người vẫn bỏ tiền ra mua, dù chưa biết thật giả thế nào. Khi trò chuyện với tôi về Zippo, chị Yên - người bán kỷ vật chiến tranh tại khách sạn Bamboo Green tiết lộ: “Nói thật, không phải cái Zippo nào tôi bán cũng là thật, trong đó cũng có những cái chỉ có cái vỏ là thật, còn lại bên trong đều là đồ giả. Khi những người rà phế liệu tìm được cái vỏ thì chúng tôi mua lại, rồi sau đó lấy các bộ phận mới ghép vào.

Những người Mỹ qua lại Việt Nam chỉ mua Zippo để làm kỷ niệm, để làm quà tặng nên họ không quan tâm đến việc có dùng được hay không”. Cũng giống như ông Hường, công việc kinh doanh bật lửa Zippo của chị Yên không còn phát đạt như ngày xưa. Do những chiếc Zippo có từ thời chiến đã không còn nữa và người mua cũng dần nhận ra được chiếc bật lửa thật, giả. Khi tôi nài nỉ muốn được xem chiếc Zippo thật, chị Yên nói rằng những cái Zippo thật chị để ở nhà, khi nào gặp khách hiểu biết chị mới đem ra. Theo chị Yên về nhà, để tận mắt nhìn thấy những chiếc Zippo có dòng chữ bi quan của lính Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam hay những hình tượng mang đậm chất Mỹ và nghe được cái âm thanh “ti...ing” đặc trưng của Zippo, tôi mới hiểu vì sao có nhiều người muốn sở hữu nó như vậy.

Zippo, nỗi kinh hoàng của những người dân Nam Việt Nam sau những lũy tre làng, là vị cứu tinh của lính Mỹ trong bạt ngàn rừng nhiệt đới âm u, là thú chơi sành điệu hiện nay của ai đó... Song với tôi, Zippo luôn là câu hỏi lớn, là nỗi dằn vặt của ai đó trong cuộc chiến phi nghĩa mà một ngày tôi đã từng đọc...

Phóng sự: Lưu Hoàng Anh