10 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ: Nhìn từ Mỹ An
(Cadn.com.vn) - Nếu để trả lời cho câu hỏi vì sao phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) ở P. Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn) lại là điển hình của Đà Nẵng, thì lý do thuyết phục hơn cả có lẽ chỉ gói gọn trong 2 chữ “gần dân”. Đây là bài học không mới, nhưng cách làm thì khác, và hiệu quả mang lại đã minh chứng rõ nét.
Tiểu phẩm tuyên truyền của CAP Mỹ An trong đợt phát động phong trào TDBVANTQ năm 2015. |
Dân có cần mới gọi
Khi tôi hỏi bí quyết để khơi dậy sức mạnh đoàn kết của người dân trong phòng chống tội phạm, thiếu tá Lê Nga (Phó trưởng CAP Mỹ An) bảo, chẳng có bí quyết gì đâu, vẫn chỉ là bài học gần dân vốn đã là kim chỉ nam trong công tác của lực lượng CA bấy lâu nay. Tuy vậy, trong câu chuyện thiếu tá Nga kể, tôi hiểu rằng cái cách gần dân, để được dân tin tưởng, giúp đỡ ở Mỹ An có sự khác biệt.
Xin được bắt đầu bằng câu chuyện của thượng úy Huỳnh Bá Tiếng - Tổ trưởng CSKV cụm dân cư số 2 Mỹ An. Tiếng mới lập gia đình, có con nhỏ chưa đầy 2 tuổi, nhà ở mãi Hòa Quý (cách nơi công tác hàng chục km), nhưng có những đêm mưa tầm tã, dù không phải ca trực, nhưng khi nghe người dân gọi điện là anh tới liền. Tiếng bảo, người dân có cần họ mới gọi. Mình đến trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, dân sẽ hiểu tấm chân tình của mình, mới quý, mới thương. Mà khi dân thương, giúp đỡ, làm việc gì cũng dễ.
Với trung úy Lê Tiến Công - Tổ phó CSKV thì việc nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình trong tổ dân phố mình phụ trách chính là “bí quyết” giúp anh thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhưng muốn hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình, đòi hỏi người CA phải thực sự giản dị, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ những lúc dân cần. Trung úy Công kể, nhà có đám cưới, đám giỗ, thậm chí con đậu đại học, thôi nôi con... dân cũng gọi CKSV xuống chia vui. Lúc đó, dù có mệt nhọc hay bận bịu việc nhà, việc đơn vị cũng phải sắp xếp mà xuống. “Mình đối đãi với người dân chân tình thì họ sẽ chia sẻ với mình những buồn vui, nguyện vọng. Lúc đó, mình hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của họ, để có thể động viên kịp thời bằng tình cảm hoặc có thể vận động, chia sẻ bớt gánh nặng mưu sinh trong cuộc sống của họ” - trung úy Công chia sẻ.
Thượng úy Tiếng và trung úy Công chỉ là hai trong số nhiều CBCS của CAP Mỹ An luôn thấm sâu bài học gần dân. Cũng chính vì thân thiện, gần gũi với dân nên mỗi một phong trào, một mô hình về bảo vệ ANTQ nào đó được triển khai, khi xuống động đều được người dân hưởng ứng nhiệt tình, tham gia rất tích cực. Đó cũng là tiền đề quan trọng để tình hình ANTT ở địa bàn luôn được giữ vững. “Nếu nói về phức tạp thì Mỹ An cũng là địa bàn điển hình cho sự phức tạp. Bởi vì Mỹ An là nơi giáp ranh với nhiều phường của Q. Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, lại là nơi có 5 ngàn sinh viên lưu trú từ các trường ĐH, CĐ, cũng là nơi có tới 150 khách sạn, nhà nghỉ luôn biến động về lượng khách lưu trú. Tuy vậy, nhờ thực hiện tốt phong trào TDBVANTQ mà trong nhiều năm qua tình hình ANTT ở Mỹ An luôn được giữ vững, là điển hình trên toàn TP” - thiếu tá Nga nói.
Cái bắt tay thật chặt thể hiện tình cảm chân thành, gắn bó giữa thượng úy Huỳnh Bá Tiếng với người dân Mỹ An. |
Việc không của riêng ai
Phòng chống tội phạm là việc của mọi người, song không phải ở đâu người dân cũng ý thức được điều đó. Riêng với Mỹ An, phần lớn người dân hiểu rằng, việc phòng chống tội phạm, giữ gìn môi trường sống bình yên là để cho chính mình, vì thế người dân rất tích cực tham gia, trở thành một phong trào sôi nổi. Ở Mỹ An hiện có 11 mô hình quần chúng bảo vệ ANTQ, nổi bật trong số đó là mô hình CLB sinh viên tạm trú. Mô hình này có trong từng tổ dân phố với nòng cốt là các sinh viên vừa tham gia tuyên truyền pháp luật cho người dân, đồng thời vừa tạo sân chơi lành mạnh, giúp các em tránh xa các loại TNXH. Hoặc mô hình Cựu sĩ quan phòng chống tội phạm quy tụ các sĩ quan quân đội, CA đã nghỉ hưu sống tại địa bàn để huy động trí tuệ của họ trong việc tuyên truyền, giáo dục các vấn đề liên quan đến ANTT, phòng chống tội phạm. Những mô hình này ra đời từ chính những đặc điểm mang tính khu biệt của địa phương và đã mang lại hiệu quả tốt. “Xây dựng mô hình thì phải thiết thực chứ không phải là kiểu cách, xây cho có. Vì vậy, hằng năm chúng tôi đều đánh giá lại các mô hình, nếu còn hiệu quả thì để, hết hiệu quả thì loại bỏ” - thiếu tá Lê Nga cho hay.
Minh chứng cho hiệu quả phong trào TDBVANTQ ở Mỹ An chính là một môi trường sống an lành, tình hình tội phạm giảm đáng kể, các vụ án được khám phá trên 75%, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, TNXH được đẩy lùi... Cũng chính vì có phong trào mạnh mà hầu hết các vụ việc xảy ra trên địa bàn được phát hiện, xử lý từ nguồn tin báo của nhân dân. Trong rất nhiều vụ án, thiếu tá Lê Nga kể về vụ đấu tranh với “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân. Chính người dân đã phát hiện dấu hiệu bất minh từ Đặng Ngọc Tân, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến đối tượng, đặc biệt đã trợ giúp đắc lực cho CA trong quá trình triển khai công tác nghiệp vụ đấu tranh chuyên án.
Phong trào muốn mạnh thì phải dựa vào nhân dân. Nhưng muốn dựa vào dân phải có được 3 yếu tố. Thứ nhất, người CA phải gần dân, được dân giúp đỡ. Thứ hai, phải tuyên truyền để dân nghe, dân hiểu, rằng phòng chống tội phạm là việc chung của mọi người, mình làm vì chính sự bình yên của mình. Thứ ba, phải có mô hình hay, thiết thực, tập hợp được đông đảo người dân tham gia. Đấy là bài học lớn nhất rút ra được từ Mỹ An.
Hải Quỳnh