10 ngày cuối cùng của "bà đầm thép" Thatcher

Thứ hai, 02/11/2015 11:47

(Cadn.com.vn) - Đã 25 năm trôi qua kể từ khi vị thủ tướng phục vụ lâu nhất thế kỷ XX, bà Margaret Thatcher bị buộc phải từ chức. Sau thời gian này, bà vẫn có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị Anh và là mối đe dọa lớn đối với nhiều người cánh tả. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bà không rời khỏi sân khấu chính trị vào tháng 11-1990? Đó là một giả thuyết thú vị trong lịch sử hiện đại của Anh.

Những ngày cuối cùng của bà Thatcher sẽ được tái hiện trong phim tài liệu phát sóng trên kênh BBC Radio 4. Trong phim, BBC xem xét một số thời điểm quan trọng, đặc biệt là sau khi bà Thatcher giành nhiều phiếu bầu hơn đối thủ Michael Heseltine trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên nhưng không đủ để giành chiến thắng hoàn toàn.

Sau 11 năm cầm quyền, bà Thatcher cuối cùng chấp nhận rút lui trong cuộc đua giành ghế lãnh đạo đảng với cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Michael Heseltine. Tuy nhiên, bà Thatcher vẫn duy trì đủ ảnh hưởng để đảm bảo ông Heseltine không thể kế nhiệm bà. Lên thay thế bà Thatcher là nhân vật được bà đỡ đầu, Thủ tướng John Major, người nắm quyền cho đến năm 1997.

Bà Thatcher và nội các vào tháng 10-1989. Ảnh: BBC

Không thể tiếp tục

Một trong những người ủng hộ bà Thatcher, John Wakeham, lần đầu tiên tiết lộ, ông là người đã đề nghị bà Thatcher gặp từng thành viên trong nội các, vì như thế cho phép họ nói sự thật rằng, họ không nghĩ bà có thể giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu lần hai. "Tôi nói với bà ấy, điều đầu tiên nên làm là tham khảo ý kiến nội các, từng người một. Bà phải biết nơi bà đang đứng để từ đó có thể đưa ra quyết định phải làm gì", ông Wakeham kể. Nhiều người ủng hộ bà Thatcher cho rằng, đây không phải là lời khuyên tốt và nếu bà được trao cơ hội tập hợp sự ủng hộ của nội các, biết đâu bà vẫn nắm quyền. Nhưng thay vào đó, bà Thatcher trao cho các bộ trưởng cơ hội để nói rằng, bà đã mất đi sự ủng hộ.

Hạn chế thiệt hại?

Theo Bộ trưởng Văn hóa John Whittingdale, lúc đó là Thư ký chính trị của bà Thatcher, nữ thủ tướng vẫn tin có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thứ hai, nhưng điều này phải trả một cái giá quá đắt. "Bà nói với tôi là nếu bà giành chiến thắng, điều đó sẽ rất tai hại cho đảng Bảo thủ vì chúng tôi không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử", ông Whittingdale cho biết.

Kỳ phùng địch thủ - Thatcher-Heseltine

Ông Michael Heseltine từng tiết lộ, sau khi thua trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, ông chưa bao giờ cảm thấy nhụt chí. "Tôi luôn tin mình sẽ trở lại. Tôi không bao giờ nghĩ sự nghiệp chính trị của tôi đã chấm dứt", ông Heseltine cho biết. Ông Heseltine tin rằng, nếu bà Thatcher quyết định tiếp tục chiến đấu với ông, ông có thể đã đánh bại bà. "Có thể tôi đã giành chiến thắng, nhưng không chắc chắn. Nhưng khi tôi nghe nói bà không tiếp tục cuộc đua, tôi biết mình không có cơ hội chiến thắng", ông Heseltine nói.

Lời hứa của bà Thatcher

Ông Ken Clarke tiết lộ, bà Thatcher cố gắng thuyết phục ông ủng hộ  bằng cách hứa hẹn sẽ từ chức thủ tướng trước cuộc bầu cử. Nhưng trong cuộc trò chuyện riêng, "bà đầm thép" khẳng định chưa thể làm điều đó. "Bà ấy cho biết có nhiều việc phải làm. Không ai khác có thể làm được. Bà ấy bảo đảm với tôi rằng sẽ từ chức trước cuộc bầu cử tiếp theo, nhưng trước hết phải lãnh đạo cuộc chiến tranh chống Iraq ở Kuwait, phải đưa nền kinh tế phát triển trở lại một lần nữa", ông Clarke kể.

"Đã làm quá đủ"

Ông Wakeham cho biết, ông Denis Thatcher, chồng của bà Margaret, đóng vai trò quyết định trong việc thuyết phục bà từ chức. "Tôi biết rất rõ, ông Denis muốn bà ấy phải từ chức vì "bà đầm thép" đã làm quá đủ, và đã lớn tuổi", ông Wakeham cho biết.

An Bình
(Theo BBC)