100 ngày vượt Trường Sơn (5)

Thứ tư, 29/04/2009 00:00

Xem lại kỳ trước: 100 ngày vượt Trường Sơn (4)

Kỳ 5:  Vượt cao nguyên Boloven và sông Sê Kông

(tiếp theo kỳ trước)

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi đi trên đất Lào gần 2 tháng. Từ Sepol (Savanakhet) qua các tỉnh ven Trường Sơn như Xalavan, Atopư. Vào đầu tháng 3, chúng tôi vượt qua cao nguyên Boloven. Địa danh này tôi đã học trong lịch sử, bây giờ mới gặp. Thức dậy từ 4 giờ sáng, leo lên cao nguyên. Trên cao nguyên chẳng có bản làng nào cả, chỉ có những nền nhà xây đã thành phế tích và toàn là cây dầu cao vút, trơ trọi lá cành. Hành quân đến 20 giờ mới tới bãi khách ở chân cao nguyên phía bên kia. Một ngày đi dài nhất. Ở Trường Sơn, từ “bãi khách”được nhắc đến nhiều nhất. Bãi khách là một khu rừng nơi bộ đội đóng quân, nấu cơm, sinh hoạt, mắc võng ngủ qua đêm để mai đi tiếp. Đến bãi khách, việc đầu tiên là kiếm chỗ mắc tăng, võng. Tăng là mái nhà (nhà thơ Nguyễn Duy có bài thơ Bầu trời vuông là nói về mái tăng bộ đội thời ấy), võng là giường ngủ. Sau mới đến chuyện làm bếp, chỗ nấu ăn.

Một binh trạm của 559 tương đương một trung đoàn, gồm  nhiều trạm giao liên nối nhau. Từ trạm này qua trạm khác độ một ngày đường. Đến nơi, giao quân cho trạm khác tiếp tục dẫn đường. Tổ chức như thế rất chặt chẽ và an toàn. Có đêm trạm giao liên đón tiếp hàng chục tiểu đoàn, mỗi đơn vị được bố trí một “bãi khách”. Rừng Lào mùa khô  trụi lá, cây lại thấp, nên tìm khó ra chỗ mắc võng. Cả tiểu đội tôi phải chặt mấy cây lớn  chôn cọc, rồi buộc hai cây nằm ngang để mắc võng. Nghe nói từ đây bắt đầu đi đường bằng, không phải leo dốc nữa, đứa nào cũng mừng.

Qua cao nguyên Bloven là đến gần TT Atopư, thấy cảnh sinh hoạt của  các bản Lào ở đây giàu có hơn, họ ăn mặc Âu hơn, diện hơn các tỉnh phía ngoài. Vì mai là ngày “chủ nhật” nên mấy anh em tiểu đội tôi cũng mở ba lô lục lọi ra tất cả những thứ gì có thể đổi được mà không ảnh hưởng lắm đến sinh hoạt, để gom đưa cho Đảm và Trung đi đổi. Hai đứa đổi được 4kg gạo nếp, 2 chai rượu, 2 con gà. Rồi Trạm 80 cấp cho gạo, thịt, vừng, mắm, nên bữa ăn chiều rất rôm rả. Qua 2 ngày hành quân căng thẳng, tôi mệt không nuốt được cơm, thằng Thước thì sốt li bì không ăn gì được. Hôm qua thằng Tùng (cũng lính Đại học Thương nghiệp, nó học khoa ĂN uống) cũng sốt phải đi cấp cứu ở trạm xá, không kịp hành quân cùng Sư đoàn. Thế là thêm thằng bạn lạc đơn vị...

Qua hết tỉnh Atopư là đến sông Sê Kông. Thằng Trung có mang theo cái bản đồ nhỏ, tra mới biết sông Sê Kông bắt nguồn từ Trường Sơn, chảy qua núi rừng Salavan, Atopư (Lào), vào đất Campuchia đến Kracheh thì đổ vào sông Mê Kông. Đây là biên giới Lào - Campuchia. Nghe trưởng trạm giao liên nói, ở đây về vùng Bờ Y tỉnh Kon Tum (Việt Nam) chỉ hơn ngày đường. Nghĩa là đây là vùng Ngã ba Đông Dương. Từ đây đường rừng bằng phẳng hơn, rừng cây rậm rạp hơn. Cấp trên cho biết chúng tôi sẽ đi trên đất Campuchia cho đến khi gần Nam Bộ thì rẽ về nước. Cả đi bộ và đi bằng canô. Do 3 nước Đông Dương hữu hảo nên bộ đội Việt Nam được hành quân trên đất bạn. Nghĩa là con đường Trường Sơn mang trong nó cả cao nguyên Boloven (Lào), sông Sê Kông, Mê Kông (Campuchia). Đó là điều kỳ diệu mà lúc ở miền Bắc ít ai tưởng tượng ra!

 Bộ đội mắc tăng võng ở Trạm giao liên Trường Sơn.

Chúng tôi được canô lớn chở đi dọc sông Sê Kông. Dòng Sê Kông lớn bằng sông Gianh, quanh co khúc khuỷu và có nhiều  bãi đá, thác đá lởm chởm. Bầu trời Ngã ba Đông Dương không một gợn mây. Canô xuôi ngược trên sông tự do lắm. Máy bay địch quần đảo liên tục nhưng không phân biệt được  thuyền của dân và thuyền của “Việt cộng” nên đành lượn vòng bỏ mấy quả bom vào rừng dọa rồi về.

Hành quân trên đất Campuchia, nhật ký của tôi ghi được nhiều kỷ niệm đẹp của đời lính vượt Trường Sơn. Một ngày nghỉ đợi canô bên bờ Sê Kông, tôi và Phan Văn Các (sinh viên Đại học Thương nghiệp, quê Quảng Bình) và Dũng, Trung gặp một đồng hương Quảng Bình rất thú vị. Anh tên là Dật, quê xã Quảng Thanh. Anh ở Tiểu đoàn đánh cá và sản xuất ruốc cá cho quân giải phóng. Cá các anh đánh bắt dọc sông Sê Kông, Mê Kông là loại cá tra. Có con  nặng tới 3-4kg. Cá được tàu chuyển về căn cứ có xưởng chế biến thành ruốc cá, đóng gói để cung cấp cho các trạm giao liên phục vụ bộ đội. Anh rủ chúng tôi vào hậu cứ của đơn vị anh chơi.

Anh ở trong  lán lợp bằng lá trung quân, nhưng có giường nằm, gác để ba lô, bàn ăn đóng bằng tre, gỗ rừng rất tươm tất. Gặp đồng hương mới vào, anh vui lắm. Anh rối rít đi kiếm cái để thết đãi. Anh bảo anh vào chiến trường B2 đã 5 năm. Đánh nhau bị thương ở đường 13, được về đây “tăng gia sản xuất” từ năm 1971. Rồi anh kể vợ chồng anh mới cưới mấy ngày thì anh lên đường, chị mong có một đứa con trai nhưng anh đi vội quá... Khi chia tay anh bảo: "Vào chiến trường hãy thận trọng. Vì bốn phía đều có địch. Cẩn thận nhưng đừng yếu hèn"...

Tạm biệt anh, chúng tôi lên canô lúc 16 giờ. Đêm nay canô đi qua nhiều ghềnh đá lởm chởm, chảy xoáy trôn ốc. Chiếc canô cứ lao như ô-tô qua ổ gà, tưởng đến vỡ. Nhưng bù lại, trăng sáng lắm. Trăng lung linh làm cho mặt như dát bạc. Thế là đã 3 mùa trăng rồi, tôi lên Trường Sơn...

Kỳ 6:  Trở về đất mẹ

Hồi ức của nhà thơ Ngô Minh