20 năm tiếng trống Lâm Yên
Giữa tiết hè nắng nóng, đôi chân trần của ông An vẫn nhịp nhàng nhún trên bề mặt chiếc trống tộc. Sức nặng của người đàn ông ngoài 50 tuổi tưởng chừng có thể làm rách tấm da trâu đã được làm căng hết cỡ. Tuy nhiên, ông An cho biết đây là công đoạn cuối cùng…
![]() |
Ông Nguyễn Xuân An đóng những chiếc đinh bằng tre để cố định da trâu vào tang trống. |
200 năm nghề trống Lâm Yên
Nếu đã là người Quảng Nam, không ai không biết câu ca dao “nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều”. Làng trống nổi tiếng xứ Quảng ở xã Đại Minh, H. Đại Lộc.
Đến thôn Lâm Yên đúng lúc ông Nguyễn Xuân An (52 tuổi) đang tất bật hoàn thành công đoạn bưng trống, công đoạn cuối cùng. Lau vội những giọt mồ hôi còn vương trên trán, ông An cho biết, ông có thâm niên 30 năm gắn bó với nghề làm trống. Năm 22 tuổi, ông bắt đầu chập chững học nghề của người cậu là ông Phan Văn Mười (nguyên Chủ nhiệm HTX Làng nghề Trống Lâm Yên) và mất 7 năm mới thạo nghề. Theo ông An, dòng họ có truyền thống lâu đời và khai sinh ra nghề trống ở thôn Lâm Yên là tộc họ Phan. Theo câu chuyện được truyền tai nhau từ nhiều đời nay, cách đây hơn 200 năm, ông tổ Phan Công Thiên cùng gia đình di cư từ vùng đất Hải Dương vào miền Trung và chọn Đại Lộc làm nơi đặt chân. Mang theo vốn kiến thức làm trống từ quê hương, ông bắt đầu xây dựng cơ nghiệp và truyền cho thế hệ con cháu nối nghề. Đến nay đã qua 6 đời, các thế hệ con cháu họ Phan vẫn duy trì, tiếp nối nhau giữ nghề, cùng lan tỏa tiếng trống Lâm Yên đến nhiều vùng miền trên cả nước.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân An thực hiện quy trình làm căng mặt trống. |
4 công đoạn làm nên chiếc trống Lâm Yên
Ông An cho biết, nếu là người có kinh nghiệm lâu năm, chắc chắn phải thuần thục cách làm 5 loại trống khác nhau, gồm: Trống lệnh, trống công phụ, trống lân, trống tộc và trống chùa. Về cơ bản, quy trình làm các loại trống trên giống nhau, chỉ khác ở chỗ, mỗi loại đều có kích thước, đường kính mặt trống không đồng nhất. Quy trình làm nên 1 chiếc trống Lâm Yên gồm 4 bước, trong đó công đoạn đầu tiên là làm da trâu. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm để bào được loại da trâu phẳng đều và có độ dày tương đối. Để cho một chiếctrống có độ bền lâu, công đoạn làm tang trống cũng không kém phần quan trọng và đặc biệt, loại gỗ để làm tang trống phải là gỗ mít. Gỗ mít sau khi được phơi khô sẽ được xẻ thành từng tang để ghép với mặt da trâu cho phù hợp. Cuối cùng, công đoạn bưng trống vẫn quan trọng và mất nhiều thời gian nhất. Sau khi bịt kín 2 mặt trống và cố định độ căng bằng các sợi dây thừng, người thợ tiếp tục dùng sức nặng toàn thân để nhún lên mặt trống. Cách làm này theo lý giải của ông An sẽ giúp cho da trâu tiếp tục giãn ra hơn nữa. Sau đó, người thợ lại tiếp tục thêm vài lần riết lại sợi dây để mặt trống căng hết cỡ. Khi độ căng vừa đủ, những chiếc đinh làm bằng tre sẽ được đóng chặt vào xung quanh điểm tiếp xúc giữa da trâu và tang trống, như thế chiếc trống truyền thống với âm thanh vang giòn của người dân thôn Lâm Yên chính thức hoàn thành.
“Để giữ thương hiệu trống Lâm Yên có được sự nổi tiếng như hôm nay, những nghệ nhân trong làng đã thực sự nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt, không ít nghệ nhân đã làm được những chiếc trống kỷ lục với đường kính bề mặt lên đến 1,5 mét và chiều cao thân trống cao gần 2,5 mét. Để làm được những chiếc trống đại như vậy, chúng tôi phải kỳ công tìm bằng được những cây sao to lớn, sau đó đục phần lõi để tạo nên tang trống. Da trâu được chọn để bọc trống cũng phải có đường kính lớn, nhưng cũng hiếm khi tìm được loại da như vậy. Trống loại này thường là trống chùa, sau khi bán ra thị trường mang lại thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng”, ông An chia sẻ.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân An thử âm thanh một chiếc trống tộc vừa mới được làm xong. |
Trăn trở với nghề
Là thương hiệu trống nổi tiếng không chỉ ở khu vực miền Trung mà danh tiếng trống Lâm Yên còn vang xa đến các tỉnh, thành phố ở khu vực phía nam. Tuy nhiên, sau hàng trăm năm hình thành, nghề trống ở thôn Lâm Yên hiện nay gặp không ít thách thức. Theo ông An, trước đây thôn Lâm Yên có gần 20 hộ làm trống nhưng hiện tại chỉ còn 6 hộ. Nguyên nhân của sự suy giảm này chính là việc các loại trống tương tự ở khu vực phía bắc tràn vào thị trường miền Trung. Đặc biệt, giá trị của những chiếc trống này lại rẻ hơn so với giá trị của trống Lâm Yên. Việc “phá giá” của thương lái khiến cho đầu ra của trống Lâm Yên dần trở nên thu hẹp và đó cũng là nguyên nhân khiến cho không ít nghệ nhân phải bỏ nghề. Nếu như trước đây, mỗi hộ làm trống có thể bán được cả trăm trống mỗi năm thì hiện nay chỉ bán được vài chục trống.
Đặc biệt, sự suy giảm về số hộ làm trống cũng một phần nguyên do từ việc thế hệ trẻ hôm nay không còn mặn mà với nghề. Không ít thanh niên thay vì gắn bó với nghề trống lại chọn công việc làm công nhân, hoặc đi xa lập nghiệp để có kinh tế ổn định hơn.
“Nguy cơ mai một, thất truyền nghề trống Lâm Yên từng vang bóng một thời hoàn toàn hiện hữu khi người dân vẫn chưa thể sống được với nghề của mình. Tôi mong rằng, chính quyền địa phương, các ngành liên quan sẽ có những giải pháp hiệu quả để kịp thời hỗ trợ, tìm thị trường đầu ra và mở hướng đi mới để Trống Lâm Yên tiếp tục tồn tại, giữ lại nét văn hóa truyền thống lâu đời của thương hiệu trống nổi tiếng xứ Quảng”, ông An tha thiết.
NGỌC QUỐC